Đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn: Ý nghĩa của việc nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp

Câu nghị luận xã hội đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Cầm Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu học sinh bàn luận về ý nghĩa của việc nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2. Theo đoạn trích: Một tâm hồn trong sáng, khỏe mạnh dễ mang lại cho ta cuộc sống yên vui, hạnh phúc, ngay cả khi ta gặp phải những nghịch cảnh khó khăn.

Câu 3. Hình ảnh ẩn dụ: khô cằn hoặc mọc đầy cỏ dại:

- Tâm hồn khô cằn hoặc đầy cỏ dại là hình ảnh ẩn dụ chỉ những cái xấu, cái tiêu cực, những hạn chế, khuyết điểm, là lối sống buông xuôi, phó mặc, sống không mục đích, không lí tưởng, bỏ mặc tâm hồn không chịu nuôi dưỡng, không chịu trau dồi bản thân, sống thiếu hiểu biết, hời hợt.

+ Tâm hồn ta như một khu vườn, nếu bỏ mặc thì đó sẽ là một khu vườn khô cằn hoặc đầy cỏ dại. Khi tâm hồn không được nuôi dưỡng thì cuộc sống của con người sẽ trở nên u ám, tăm tối, sống vô ích, vô nghĩa giữa cuộc đời, lúc đó con người tự đánh mất đi giá trị của chính mình, không thể đi đến thành công và cũng không có ích gì cho xã hội.

+ Biện pháp tu từ ẩn dụ làm cho đối tượng nghị luận trở nên sinh động, thuyết phục gợi lên những liên tưởng ý vị, sâu sắc.

Câu 4. Đồng ý với ý kiến.Vì tâm hồn mỗi người rất quan trọng và đáng quý, một tâm hồn trong sáng, lành mạnh sẽ mang lại cuộc sống hạnh phúc, bình yên, giúp con người có thêm nghị lực và niềm tin vượt qua khó khăn, chiến thắng nghịch cảnh, đi đến thành công và tỏa sáng, có ích cho xã hội.

Tâm hồn lành mạnh cũng sẽ góp phần nuôi dưỡng và phát triển thể xác, giúp người ta có cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Một cơ thể khỏe mạnh giúp ta có được một tâm hồn đẹp.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Ý nghĩa của việc nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp.

-Vẻ đẹp tâm hồn: là vẻ đẹp bên trong mỗi con người, là nhân cách, phẩm chất tốt đẹp, những đức tính quý báu bên trong con người. Nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn là việc mỗi người biết tự rèn luyện, trau dồi bản thân để trở thành một người tốt, có ích cho xã hội.

- Ý nghĩa, vai trò của việc nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp: Nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn là động lực quan trọng góp phần giúp ta cố gắng thực hiện những mục tiêu trong cuộc sống và đạt được những điều chúng ta mong muốn.

- Việc nuôi dưỡng tâm hồn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, khẳng định được giá trị của bản thân, biết tận dụng mọi cơ hội để đi đến thành công, góp phần hoàn thiện nhân cách, được mọi người tôn trọng, quý mến.

- Nếu trong xã hội ai cũng có ý thức rèn luyện bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn thì xã hội này sẽ trở nên tốt đẹp hơn, văn minh hơn.

- Bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều người quá tự cao tự đại, ảo tưởng về sức mạnh của bản thân mà không chịu trau dồi, tiến bộ. Lại có những người đề cao vẻ đẹp về ngoại hình, hình thức hơn vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách,… vẻ đẹp tâm hồn nó phải là sự thống nhất

Câu 2. Cảm nhận về 9 câu thơ đầu tiên trong đoạn trích " Đất Nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Từ đó, bình luận ngắn gọn về việc vận dụng chất liệu văn hóa, văn học dân gian trong đoạn thơ.

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích.

* Về nội dung:

- Sau lời khẳng định sự tồn tại của Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lý giải nguồn gốc của Đất Nước: hiện lên qua câu chuyện kể của bà, của mẹ; những câu chuyện cổ dân gian; hiện lên ở nét sống giản dị nhưng đậm đà của người mẹ, người bà Việt Nam. Đó là tục ăn trầu "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn".

- Đất nước hiện lên qua truyền thống đánh giặc giữ nước: "Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc".

- Đó là vẻ đẹp giản dị của người phụ nữ Việt Nam với phong tục "búi tóc sau đầu " (tóc cuộn thành búi sau gáy tạo cho người phụ nữ một vẻ đẹp nữ tính, thuần hậu);

- Đó là đạo lý ân tình ân nghĩa ngàn đời: "cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối, mặn".

- Câu thơ: "Cái kèo cái cột thành tên " gợi nhắc một nét văn hóa của người Việt.

- Dân tộc ta với nền văn minh "lúa nước" cùng truyền thống cần cù lao động, chịu thương chịu khó "Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng".

- Câu thơ cuối, khẳng định sự ra đời của Đất Nước một cách đầy tự hào: Đất Nước có từ ngày đó - là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có nền văn hóa, mà có văn hóa tức là có Đất Nước.

=> Đất Nước rất đỗi bình dị, thân thuộc, gần gũi trong đời sống của mỗi con người. Đất Nước được hiện lên trong chiều rộng của không gian, của chiều dài thời gian lịch sử và chiều sâu trầm tích của văn hóa, phong tục.

*Về nghệ thuật:

- Sử dụng, vận dụng linh hoạt sáng tạo chất liệu của văn hóa và văn học dân gian với đa dạng các thể loại: từ phong tục tập quán, sinh hoạt của nhân dân đến các thể loại của văn học dân gian như ca dao, truyện cổ tích…

* Bình luận về việc sử dụng chất liệu văn hóa, văn học dân gian trong đoạn thơ.

- Chất liệu dân gian được sử dụng rất đậm đặc, đa dạng các thể loại. Điều này đã tạo nên một không khí, giọng điệu, không gian nghệ thuật vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, mơ mộng.

- Chất liệu văn hóa, văn học dân gian góp phần tạo nên phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm, khẳng định tài năng và những đóng góp quan trọng của ông đối với nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-thu-tot-nghiep-mon-ngu-van-y-nghia-cua-viec-nuoi-duong-mot-tam-hon-dep-179240622224501313.htm