Để thu hút FDI chất lượng cao

Với chiến lược tối ưu hóa quỹ đất, nâng cấp hạ tầng đồng bộ và bảo vệ quyền lợi người lao động, Việt Nam hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

FDI - động lực tăng trưởng nhưng cũng là thách thức

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là trụ cột quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tính đến nay, cả nước ghi nhận gần 44.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 517 tỷ USD và vốn thực hiện 331,5 tỷ USD. Năm 2024, khu vực FDI đóng góp 20,5 tỷ USD vào ngân sách nhà nước, chiếm 27,2% tổng thu ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, FDI không chỉ mang lại nguồn lực tài chính mà còn là cơ hội để Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo các chuyên gia kinh tế, để duy trì sức hút FDI, Việt Nam cần chuyển từ chiến lược dựa vào số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, một thách thức lớn là việc sử dụng quỹ đất tại các khu công nghiệp chưa hiệu quả. Nhiều khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, khó khăn trong thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Trong khi đó, các địa phương tiềm năng lại đối mặt với hạn chế về quỹ đất. Bộ trưởng Thắng cho rằng, việc phát triển khu công nghiệp tràn lan sẽ gây lãng phí tài nguyên, do đó cần tập trung vào các mô hình khu công nghiệp thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế.

Quyền lợi người lao động cũng là một vấn đề cần giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững. Một số doanh nghiệp FDI tận dụng lao động giá rẻ nhưng không đầu tư đào tạo nâng cao tay nghề cho họ mà thường sử dụng lao động hợp đồng ngắn hạn hoặc sa thải lao động lớn tuổi để tối ưu hóa lợi nhuận, đẩy gánh nặng đào tạo nhân lực cho nhà nước. Trong khi các chuyên gia kinh tế đồng tình rằng, một lực lượng lao động được bảo vệ và phát triển sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.

Tối ưu hóa quỹ đất, nâng cấp hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội

Để thu hút FDI chất lượng cao và phát triển khu công nghiệp thế hệ mới, tại Kỳ họp thứ 9 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ đưa ra các giải pháp đồng bộ, tập trung vào ba trụ cột: tối ưu hóa quỹ đất, nâng cấp hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên tắc là không mở rộng khu công nghiệp tràn lan. Quy định hiện hành yêu cầu các tỉnh chỉ được mở khu công nghiệp mới khi tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt ít nhất 60%, đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các vùng.

Tuy nhiên, để linh hoạt hơn, các tỉnh có tổng diện tích khu công nghiệp dưới 1.000 ha, các khu công nghiệp tại địa bàn ưu đãi hoặc các mô hình mới như khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao sẽ không phải áp dụng yêu cầu này, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Khung pháp lý cũng được hoàn thiện thông qua sửa đổi các luật như Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư PPP và Đấu thầu, tối ưu hóa nguồn lực đất đai.

Về hạ tầng, các khu công nghiệp thế hệ mới cần được trang bị nguồn điện ổn định, quỹ đất sạch và nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các ngành công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, hạ tầng đồng bộ là nền tảng để Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia khác trong thu hút FDI. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để đảm bảo hạ tầng hiện đại, phù hợp với mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư được giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, kết hợp cơ chế hậu kiểm cho các dự án đổi mới sáng tạo, giúp tiết kiệm khoảng 260 ngày so với quy định hiện hành.

Bảo vệ quyền lợi người lao động là ưu tiên hàng đầu để xây dựng môi trường đầu tư bền vững. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi quy định pháp luật lao động, yêu cầu doanh nghiệp FDI ký hợp đồng dài hạn, đảm bảo bảo hiểm xã hội, y tế và chế độ nghỉ phép. Chính sách ưu đãi thuế sẽ gắn với điều kiện đầu tư vào đào tạo nhân lực và cải thiện điều kiện làm việc. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị rút ưu đãi và chịu thêm chế tài. Các đoàn kiểm tra liên ngành và kênh tiếp nhận khiếu nại sẽ được thiết lập để giám sát và hỗ trợ người lao động.

“Một môi trường lao động công bằng sẽ nâng cao uy tín của Việt Nam, thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao”, Bộ trưởng Nguyễn Thắng nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng nhân lực là yếu tố cốt lõi để đáp ứng yêu cầu của FDI chất lượng cao. Bộ Tài chính sẽ triển khai các chương trình đào tạo nghề trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn và năng lượng tái tạo, với nguồn tài trợ từ ngân sách và quỹ hỗ trợ nhân lực. Doanh nghiệp FDI sẽ được khuyến khích tham gia đào tạo thông qua ưu đãi tài chính và mô hình hợp tác công tư. Bộ trưởng Thắng cho rằng, đầu tư vào nhân lực không chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn của các khu công nghiệp thế hệ mới.

Về chiến lược cạnh tranh, Bộ Tài chính đề xuất chuyển từ ưu đãi thuế sang cải thiện môi trường đầu tư và dịch vụ hỗ trợ. Việt Nam sẽ tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường, thu hút doanh nghiệp FDI khai thác ưu đãi thuế quan. Các thủ tục hành chính sau cấp phép được cải cách để rút ngắn thời gian triển khai dự án. Quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia như G7, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và EU sẽ được mở rộng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Các sự kiện như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ quảng bá hình ảnh Việt Nam như điểm đến đổi mới. Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh, những lợi thế mềm này, kết hợp với môi trường chính trị ổn định, sẽ giúp Việt Nam duy trì sức hút FDI.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/de-thu-hut-fdi-chat-luong-cao-166812.html