Để tổ chức ôn thi tốt nghiệp có hiệu quả
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ được tổ chức. Công tác ôn tập dành cho các em học sinh cuối cấp THPT cần được quan tâm và chuẩn bị sớm ngay từ bây giờ.
Điểm thuận lợi cho các em học sinh thi tốt nghiệp năm nay là nội dung thi vẫn nằm trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2006. Giáo viên đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và ôn tập, học sinh đã quen với dạng đề thi và cách thức làm bài nên không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên, để có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo và học sinh cũng cần lưu ý thêm những nội dung sau:
Đối với các cơ sở giáo dục, cần sớm chuẩn bị kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12. Việc tổ chức ôn tập theo kinh nghiệm của nhiều giáo viên là không nên tổ chức đại trà, bắt học sinh phải tham gia hết tất cả các môn mà chỉ tập trung ôn tập, bồi dưỡng thêm cho các em học sinh có học lực yếu, kém hoặc có nguyện vọng tham gia để ôn lại kiến thức đã học. Các nhà trường cũng cần tổ chức thi thử để giúp học sinh tự đánh giá được năng lực của mình, giúp các em rà soát lại kiến thức đã học, xác định những kiến thức nào cần được bổ sung hoặc bồi dưỡng thêm. Kết quả thi thử còn giúp cho giáo viên giảng dạy và nhà trường xác định được mức độ đầu ra để có phương án tổ chức ôn tập hoặc phụ đạo thêm cho các em học sinh có hiệu quả.
Em Nguyễn Đình Anh Thư, học sinh lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng có ý kiến rằng: “Nhà trường nên tổ chức thi thử ít nhất 2 lần. Lần 1 vào khoảng cuối tháng 3 để học sinh 12 chúng em xác định được sức học của mình, xây dựng lộ trình bồi dưỡng thêm kiến thức trong thời điểm nước rút. Trước khi thi tốt nghiệp, khoảng giữa tháng 5 nhà trường nên tổ chức thi thêm lần nữa để chúng em rà soát kiến thức lần cuối và tự tin giành lấy kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp”.
Thầy giáo Trần Thanh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường THPT Phan Đăng Lưu chia sẻ: “Thứ nhất, phải xác định đối tượng cần ôn tập thông qua thi thử, sau đó thành lập lớp bồi dưỡng dành cho các em học sinh yếu, kém. Thứ hai, dùng điểm thi thử cộng với điểm học bạ theo phương thức tính điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thông tin cho học sinh và cha mẹ học sinh, có thể làm cơ sở để các em đăng ký lựa chọn các môn thi hoặc xét tuyển vào trường cao đẳng, đại học. Thứ ba, sau khi hoàn thành chương trình GDPT dành cho khối 12, nhà trường tổ chức lại các lớp học theo tổ hợp lựa chọn để giúp học sinh tập trung ôn tập cho các môn thi tốt nghiệp”.
Điều cần lưu ý là, việc tổ chức ôn tập cho học sinh nếu nằm ngoài khung thời gian quy định của năm học thì nhất thiết phải có sự đồng ý của cha mẹ học sinh, vì liên quan đến việc trả kinh phí dạy học cho giáo viên. Do vậy, nhà trường cần tổ chức xin ý kiến của cha mẹ học sinh 12 trước khi tổ chức lớp ôn tập.
Đối với thầy cô giáo dạy khối 12, nhiều thầy cô giáo trong quá trình dạy học đã vừa dạy bài mới, vừa xâu chuỗi lại kiến thức cũ để giúp các em ôn lại kiến thức đã học; một số thầy cô thì hướng dẫn cho các em cách tự ôn tập thêm ở nhà bằng hệ thống sơ đồ tư duy, hệ thống lại kiến thức trọng tâm ngắn gọn dễ nhớ, dễ hiểu; nhiều thầy cô cung cấp cho học sinh những công cụ tìm kiếm để tự ôn tập, hướng dẫn học sinh giải đề thi... Các thầy cô giáo chủ nhiệm thì tăng cường liên lạc, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các em ôn tập.
Đối với học sinh lớp 12, qua theo dõi nhận thấy đa số các em học sinh đã có ý thức học tập và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cũng như xét tuyển hoặc thi vào trường cao đẳng, đại học mà các em mong muốn. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít học sinh loay hoay chưa xác định được môn thi tốt nghiệp, chưa xác định được con đường tương lai gần đang cận kề phía trước. Nhiều em còn chủ quan, chưa thật chú tâm học tập để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sau 12 năm học. Do vậy, bên cạnh việc chuẩn bị tổ chức ôn tập cho học sinh 12, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh nhắc nhở, đôn đốc các em học tập thật tốt.