Đề xuất 4 cơ chế đặc thù mới cho tỉnh Nghệ An

Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Phân bổ cho Nghệ An thêm 50% vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 16 chính sách liên quan đến quản lý tài chính ngân sách; quản lý đầu tư; quản lý đô thị, tài nguyên; tổ chức bộ máy và biên chế.

Phần lớn các chính sách tương tự như các chính sách đặc thù đã áp dụng tại nhiều địa phương khác, có một số bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp. Bên cạnh đó, có 4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An.

Phiên họp của UBTVQH chiều 14/5.

Phiên họp của UBTVQH chiều 14/5.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển hạ tầng.

Trong đó, tỉnh Nghệ An được đề xuất phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho địa phương giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển hạ tầng miền Tây Nghệ An.

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các chính sách Chính phủ trình.

Theo đa số ý kiến trong UBTCNS, tỉnh Nghệ An hiện là tỉnh đang nhận bổ sung cân đối từ NSTW, theo đó nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Để tạo đà phát triển, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An, rất cần có sự hỗ trợ thêm nguồn lực đầu tư công từ NSTW.

Do đó, việc cho phép phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu cho địa phương nói trên sẽ bảo đảm tính ổn định và công khai, minh bạch, rõ ràng của chính sách; tạo sự chủ động cho địa phương trong việc cân đối, lập kế hoạch bố trí nguồn lực cho các dự án; hạn chế, khắc phục được cơ chế “xin cho”.

Thực tế, chính sách này cũng tương tự như chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 45% so với định mức chi thường xuyên được áp dụng từ năm 2022.

Tuy vậy, một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này do nhiều địa phương trong cả nước khó khăn cả về hạ tầng, điều kiện kinh tế-xã hội cần hỗ trợ, đầu tư từ Trung ương. Việc bố trí nguồn lực đầu tư NSTW cần đảm bảo cân đối, hài hòa trong tổng thể chung.

Hơn nữa, mức phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu cho Nghệ An cần được xem xét, căn cứ phù hợp với quy định khoản 3 Điều 40 của Luật NSNN: Tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của NSTW cho ngân sách địa phương (NSĐP) quy định tại điểm này tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của NSTW. Vì vậy, đề nghị nội dung này sẽ được UBTVQH xem xét khi quyết định tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ chi đầu tư cho giai đoạn sau.

Về tổ chức bộ máy, theo tờ trình của Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An được phép có không quá 5 Phó Chủ tịch.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UBTCNS cho rằng đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Chính trị, vì vậy, đề nghị cần báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định chính sách này.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Đề nghị không quy định UBND tỉnh được chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức

Ngoài ra, tại dự thảo Nghị quyết, có chính sách cho UBND tỉnh Nghệ An quyết định lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và nước ngoài; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực, phương thức thực hiện, phương thức thanh toán khác hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Đây là chính sách tương tự với dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.

Qua thẩm tra, UBTCNS và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cân nhắc không quy định nội dung này.

Lý do bởi hiện nay hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước được điều chỉnh bởi Luật Xây dựng và pháp luật khác có liên quan. Vì thế, việc cho phép UBND quyết định lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và nước ngoài là chưa hợp lý, chưa rõ sự bất cập cần phải có quy định này, đặc biệt trong trường hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước có sự khác biệt, cao hơn so với quy định của nước ngoài thì việc làm rõ căn cứ lựa chọn là cần thiết.

Hơn nữa, việc UBND quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực, phương thức thực hiện, phương thức thanh toán khác hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên là quy định hoàn toàn mới, chưa được áp dụng tại các địa phương khác song Dự thảo Nghị quyết chưa làm rõ được căn cứ, tính cấp thiết cũng như đánh giá rõ tác động của chính sách này. Đặc biệt khi việc ban hành chính sách này cần có ý kiến tham gia của các bộ chuyên ngành để bảo đảm tính khả thi cũng như nguồn lực thực hiện.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, dự thảo quy định thẩm quyền UBND tỉnh khá lớn, song chưa quy định về trách nhiệm để bảo đảm đi đôi với năng lực thực hiện trong đánh giá, lựa chọn, ban hành quy định.

Cân nhắc nội dung mở rộng bộ máy chính quyền thành phố Vinh

Dự thảo Nghị quyết đề xuất HĐND thành phố Vinh được thành lập 3 Ban, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội. HĐND thành phố Vinh có không quá 2 Phó Chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND thành phố Vinh có không quá 4 Phó Chủ tịch. Chính sách này tương tự cơ chế cho thành phố Thủ Đức tại Nghị quyết 98 về TP. HCM.

Theo cơ quan thẩm tra, cần cân nhắc nội dung này để bảo đảm quy định tăng thêm số lượng bộ máy chính quyền của HĐND cho thành phố Vinh phải gắn với việc mở rộng địa giới đơn vị hành chính, phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, cần quy định rõ nội dung, chức năng, nhiệm vụ được phân công tăng thêm, từ đó, làm rõ sự cần thiết phải ban hành chính sách đặc thù này. Việc thay đổi, mở rộng về bộ máy chính quyền, đề nghị cần phải báo cáo Bộ Chính trị theo quy định trước khi thực hiện.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-4-co-che-dac-thu-moi-cho-tinh-nghe-an-150804.html