Đề xuất bổ sung quy định về âm thanh cảnh báo trên xe điện dưới 9 chỗ

Xe điện dưới 9 chỗ lắp đặt hệ thống cảnh báo bằng âm thanh, ngăn va chạm với người đi bộ sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu về âm thanh, âm lượng.

Ngăn va chạm với người đi bộ, đi xe đạp

Dự thảo mới nhất Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (sửa đổi, bổ sung QCVN 09:2015/BGTVT) đề xuất bổ sung quy định xe điện dưới 9 chỗ lắp đặt hệ thống cảnh báo bằng âm thanh, ngăn va chạm với người đi bộ.

Cụ thể đối với xe thuần điện, xe Hybrid điện không nạp điện ngoàidưới 9 chỗ ngồi nếu được lắp đặt hệ thống cảnh báo bằng âm thanh (AVAS – Acoustic Vehicle Alerting System) phải tự động kích hoạt hệ thống khi tốc độ di chuyển của xe dưới 20km/h hoặc khi lùi xe.

Dự thảo Quy chuẩn sửa đổi QCVN 09:2015/BGTVT đề xuất xe điện dưới 9 chỗ nếu lắp đặt hệ thống cảnh báo bằng âm thanh phải tạo ra phải là âm thanh liên tục cung cấp thông tin cho người đi bộ, người đi xe đạp và những người có khả năng bị tổn thương khi xe đang vận hành (ảnh minh họa).

Dự thảo Quy chuẩn sửa đổi QCVN 09:2015/BGTVT đề xuất xe điện dưới 9 chỗ nếu lắp đặt hệ thống cảnh báo bằng âm thanh phải tạo ra phải là âm thanh liên tục cung cấp thông tin cho người đi bộ, người đi xe đạp và những người có khả năng bị tổn thương khi xe đang vận hành (ảnh minh họa).

Âm lượng cảnh báo có thể bị giảm đi trong thời gian xe di chuyển (khi tốc độ tăng lên). Loại âm thanh và âm lượng của hệ thống AVAS phải đáp ứng các điều kiện như: Âm thanh tạo ra phải là âm thanh liên tục cung cấp thông tin cho người đi bộ, người đi xe đạp và những người có khả năng bị tổn thương khi xe đang vận hành; phải dễ dàng biểu thị hành vi của xe thông qua sự thay đổi tự động mức âm thanh hoặc các đặc tính đồng bộ với tốc độ của xe.

Âm lượng do AVAS tạo ra không được vượt quá mức âm thanh gần đúng của một phương tiện tương tự cùng loại được trang bị động cơ đốt trong và hoạt động trong cùng điều kiện.

Đáng chú ý, dự thảo Quy chuẩn quy định rõ các loại âm thanh và các loại âm thanh tương tự không được chấp nhận để cảnh báo như: tiếng còi báo động, tiếng còi, tiếng chuông, tiếng chuông và tiếng xe khẩn cấp; âm thanh báo động (ví dụ: báo cháy, trộm, báo khói); âm thanh ngắt quãng.

Hoặc các âm thanh tương tự sau: âm thanh du dương, âm thanh của động vật và côn trùng; âm thanh gây nhầm lẫn cho việc nhận dạng phương tiện và/hoặc hoạt động của phương tiện đó.

Một thành viên trong ban soạn thảo cho biết, Quy chuẩn không bắt buộc tất cả xe điện phải trang bị hệ thống cảnh báo này mà chỉ quy định xe điện dưới 9 chỗ nếu lắp đặt sẽ phải đáp ứng các quy định trên.

Điều này một mặt liên quan đến vấn đề thử nghiệm, mặt khác việc quy định rõ yêu cầu về âm thanh cảnh báo sẽ tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất, nhập khẩu xe điện thực hiện nhằm đảm bảo với thực tiễn môi trường giao thông tại Việt Nam.

Dự thảo Quy chuẩn quy định hệ thống cổng sạc trên xe phải có hệ thống đèn thay đổi màu sắc hoặc thiết bị thể hiện trạng thái sạc điện của xe (ảnh minh họa).

Dự thảo Quy chuẩn quy định hệ thống cổng sạc trên xe phải có hệ thống đèn thay đổi màu sắc hoặc thiết bị thể hiện trạng thái sạc điện của xe (ảnh minh họa).

Có cảnh báo quá nhiệt khi sạc pin

Bên cạnh đó, dự thảo Quy chuẩn mới nhất vẫn giữ các quy định về việc bảo đảm an toàn về điện, chống điện giật.

Cụ thể, ô tô điện có thể lắp một hoặc nhiều động cơ điện để tạo đông lực cho xe chuyển động. Công suất của động cơ điện lắp trên xe phải được nhà sản xuất lắp ráp xe công bố.

Ngoài ra, để bảo vệ chống tiếp xúc trực tiếp của các thiết bị điện, các đầu nối với dây dẫn điện (hoặc giắc nối điện) phải được bọc và làm kín trong các lớp cách điện, chất cách điện hoặc vỏ bọc cách điện không thể tháo rời nếu không sử dụng các công cụ chuyên biệt để mở hoặc phải được kích hoạt hoặc dừng kích hoạt kết nối. Dây dẫn điện dòng điện cao áp trên xe phải được nhận biết bằng vỏ bọc bên ngoài có màu da cam.

Đối với yêu cầu an toàn về hệ thống cổng sạc trên xe (inlet charger) sẽ do nhà sản xuất quy định và đánh giá tổng quan bằng mắt thường và bản vẽ kỹ thuật theo thiết kế. Tuy nhiên, hệ thống cổng sạc trên xe bắt buộc phải nối đất khi kết nối với điện áp bên ngoài để cấp vào xe và duy trì cho đến khi điện áp bên ngoài ngắt kết nối và được rút ra khỏi xe.

Hệ thống cổng sạc trên xe phải có hệ thống đèn thay đổi màu sắc hoặc thiết bị thể hiện trạng thái sạc điện của xe. Có hệ thống khóa bảo vệ an toàn khi đang sạc điện không cho phép xe khởi động khi đang sạc, đồng thời, phải được trang bị thiết bị theo dõi nhiệt độ và chức năng bảo vệ quá nhiệt trong quá trình sạc của xe. Nếu trong quá trình sạc có hiện tượng quá nhiệt thì phải có chế độ cảnh báo và dừng quá trình sạc.

Hệ thống cổng sạc trên xe phải tương thích với các thông số kỹ thuật cho hệ thống sạc điện có dây dùng cho xe điện theo bộ tiêu chuẩn TCVN 13078 hoặc IEC 61851 đối với nguồn xoay chiều 3 pha, nguồn sạc nhanh một chiều kết hợp với nguồn sạc hỗn hợp một chiều và xoay chiều.

Dự thảo quy chuẩn còn quy định xe phải duy trì khả năng chống cách điện khi tiếp xúc với môi trường nước (ví dụ: rửa xe, lái xe qua vùng nước đọng).

Tại tờ trình dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô QCVN 09:2023/BGTVT, sửa đổi QCVN 09:2015/BGTVT, Bộ GTVT cho biết, đến nay, QCVN 09:2015đã áp dụng được 8 năm và bắt đầu xuất hiện một số vấn đề bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung.

Bên cạnh đó, cần phải bổ sung một số kiểu loại phương tiện mới chưa được đề cập trong QCVN09: 2015, trong đó có các loại phương tiện giao thông sử dụng các nguồn năng lượng mới như xe điện, xe Hybrid.

Dự thảo quy chuẩn cũng nêu rõ, với các hạng mục yêu cầu kỹ thuật của quy chuẩn này dành cho các loại xe công nghệ mới: xe điện, xe hybrid mà năng lực thử nghiệm trong nước không đáp ứng được sẽ chấp nhận báo cáo thử nghiệm hoặc chứng nhận từ nước ngoài theo các tiêu chuẩn kỹ thuật UNECE tương ứng.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-bo-sung-quy-dinh-ve-am-thanh-canh-bao-tren-xe-dien-duoi-9-cho-192240612154255466.htm