Đề xuất chính sách phát triển bền vững tại các Quốc gia ASEAN
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đề xuất các mô hình pháp lý mới, nhằm giải quyết thách thức phát triển bền vững tại khu vực ASEAN.

Phiên thảo luận tại hội thảo "Tiến tới Phát triển Bền vững tại các Quốc gia ASEAN: quan hệ quốc tế, thách thức pháp lý trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa". Ảnh: HCMULAW.
Ngày 11/7, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Khoa Luật - Đại học Chiang Mai (Thái Lan), Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam và Tạp chí Luật Quốc tế Indonesia tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Tiến tới Phát triển Bền vững tại các Quốc gia ASEAN: quan hệ quốc tế, thách thức pháp lý trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa".
Hội thảo thu hút hơn 130 học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên, luật sư đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Luxembourg, Hungary, Canada, Anh…

GS.TS Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HCMULAW.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, Việt Nam là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất về mặt sinh thái trên thế giới. Trong khi đó, ASEAN sở hữu một bức tranh địa chính trị đa dạng, các nền kinh tế tăng trưởng nhanh và dân số đang bùng nổ. Vì vậy, phát triển bền vững đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng và thách thức cấp bách nhất của thời đại.
"Con đường tiến về phía trước đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nỗ lực tăng cường hợp tác khu vực, thúc đẩy quan hệ quốc tế, hài hòa hóa hệ thống pháp luật quốc gia với các chuẩn mực quốc tế, tận dụng công nghệ tiên tiến để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và cân bằng hợp tác toàn cầu giữa các quốc gia ASEAN", GS Đại cho hay.
Tại hội thảo, ban tổ chức tuyển chọn gần 90 bài viết chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, môi trường, dữ liệu xuyên biên giới, giải quyết tranh chấp và vai trò của thế hệ trẻ.
Nhiều đề xuất chính sách gợi mở đã được trình bày, trong đó có việc xây dựng cơ chế “trọng tài môi trường ASEAN” hay khung pháp lý cho trái phiếu xanh và tài chính khí hậu.
Ở lĩnh vực công nghệ, nổi bật tham luận của TS Csongor Herke (Hungary) và Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Kim Cúc, phân tích mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo và quyền trẻ em trong bối cảnh chuyển đổi số tại ASEAN.

Hơn 130 học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên, luật sư đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự hội thảo. Ảnh: HCMULAW.
Nhóm nghiên cứu đưa ra hàng loạt khuyến nghị chính sách như đánh giá tác động quyền trẻ em trước khi triển khai trí tuệ nhân tạo (AI), cấm xử lý dữ liệu sinh trắc học trẻ dưới 18 tuổi và thành lập Hội đồng Bảo vệ Trẻ em Kỹ thuật số ASEAN.
“Đây là đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tiếp cận nhân quyền trong chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công lý kỹ thuật số, lấy trẻ em làm trung tâm khu vực", TS Csongor Herke khẳng định.
Một nội dung quan trọng tại hội thảo là tham luận “Con đường pháp lý của ASEAN hướng tới phát triển bền vững: Dung hòa kỳ vọng của nhà đầu tư với mục tiêu phát triển quốc gia” của PGS.TS Trần Thăng Long và ThS Phạm Bá Phong (Trường Đại học Luật TPHCM).
Tham luận phân tích những mâu thuẫn đang tồn tại trong chính sách đầu tư của ASEAN, đặc biệt là sự va chạm giữa mục tiêu bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài và cam kết phát triển bền vững của các quốc gia thành viên.
Nhóm tác giả cảnh báo, việc lạm dụng nguyên tắc kỳ vọng chính đáng đang khiến nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, xã hội của các nước ASEAN có nguy cơ bị nhà đầu tư kiện tụng, làm thu hẹp không gian chính sách công.

PGS.TS Trần Thăng Long - Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ Pháp lý, Trường Đại học Luật TPHCM. Ảnh: HCMULAW.
Theo PGS.TS Trần Thăng Long, việc xây dựng một hệ thống pháp lý hài hòa giữa bảo hộ đầu tư và lợi ích công là điều kiện tiên quyết để khu vực Đông Nam Á có thể vừa thu hút vốn đầu tư quốc tế, vừa đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.
Thông qua các phiên thảo luận chuyên sâu, hội thảo không chỉ tạo cầu nối giữa giới học thuật trong và ngoài nước mà còn góp phần định hình những định hướng pháp lý thực tiễn cho ASEAN trong tiến trình phát triển bền vững, đẩy mạnh quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật TPHCM.
Hội thảo cũng ghi nhận các phân tích so sánh luật pháp khu vực, đặc biệt trong việc điều chỉnh đầu tư xuyên biên giới, quản lý phụ phẩm nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hay xây dựng khung pháp lý cho vận tải đa phương thức hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.