Đề xuất giảm tiền đất bổ sung xuống còn 3,6%
Trước những băn khoăn về khoản tiền đất bổ sung trong dự thảo Nghị định 103, Bộ Tài chính vừa đưa ra phương án điều chỉnh, trong đó giảm khoản thu này về mức 3,6%/năm thay vì 5,4%/năm như đề xuất trước đó.
Đề xuất giảm xuống còn 3,6%/năm tính trên số tiền sử dụng đất
Bộ Tài chính vừa có bản dự thảo sửa đổi Nghị định 103/2024/NĐ-CP (Nghị định 103) về tiền sử dụng đất, tiền thuê, trong đó đã điều chỉnh các nội dung liên quan đến khoản thu tiền đất bổ sung.
Cụ thể, ngoài phương án giữ nguyên khoản thu tiền đất bổ sung 5,4% trên số tiền đất phải nộp trong thời gian chưa tính xong tiền đất, Bộ Tài chính đã bổ sung phương án khác.
Phương án 1 là bỏ quy định nội dung sửa đổi, bổ sung về khoản tiền đất bổ sung tại nghị định này và đề xuất đưa vào sửa Luật Đất đai năm 2024.
Lý do là nội dung quy định tại luật và là vấn đề phức tạp, được xã hội quan tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau và ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
Hiện Cục Quản lý công sản đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị có ý kiến vì nội dung này xuất phát từ quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Bộ Tài chính đề xuất giảm tiền đất bổ sung xuống còn 3,6%.
Phương án 2 là giảm mức thu bổ sung từ 5,4% xuống còn 3,6%/năm tính trên số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.
Theo Bộ Tài chính, các địa phương báo cáo việc áp dụng mức thu 5,4%/năm để tính toán chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất và nhà nước. Có nhiều trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai do nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm ban hành thông báo tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Do đó để cân đối lợi ích giữa người sử dụng đất và nhà nước, địa phương đề xuất điều chỉnh mức thu bổ sung, giảm mức thu từ 5,4%/năm thành 3,6%/năm. Con số 3,6% là mức tỷ lệ trung bình cộng giữa 3 chỉ số tính trong giai đoạn Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (năm 2014 - 2024), gồm lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 1-6 tháng, CPI trung bình hằng năm và tỷ lệ lạm phát trung bình.
“Quýt làm cam chịu”
Trước đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 103 của Bộ Tài chính có đề xuất các dự án đã giao đất, chuyển mục đích sử dụng hoặc điều chỉnh quy hoạch trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực nhưng chưa xác định giá đất sẽ phải nộp tiền sử dụng đất theo Điều 257 của luật mới, kèm khoản bổ sung 5,4%/năm trên số tiền chậm nộp. Đây là nội dung nhận được nhiều băn khoăn của người dân và doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp nhận định rằng khoản thu bổ sung tiền sử dụng đất thực chất là một hình thức “phạt lãi” do chậm nộp. Áp lực tài chính rất lớn khi số tiền truy thu lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong khi nguyên nhân không xuất phát từ lỗi của họ.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Trần Anh Group cho rằng, dự thảo nghị định hiện hành đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế “chết oan”. Thực tế, nhiều dự án đã được giao đất nhưng cơ quan nhà nước chưa ban hành thông báo nộp thuế, khiến doanh nghiệp không thể hoàn tất nghĩa vụ tài chính. Dù lỗi không thuộc về doanh nghiệp, họ vẫn bị truy thu khoản phạt 5,4%/năm tính từ thời điểm giao đất.
Luật sư Thu Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng chỉ ra vướng mắc cốt lõi hiện nay nằm ở độ trễ giữa thời điểm giao đất, cho thuê đất và thời điểm nhà nước ban hành mức giá đất chính thức. Trong khi cơ quan chức năng thường mất nhiều thời gian để hoàn tất việc xác định giá, người dân và doanh nghiệp buộc phải chờ đợi trong thế bị động, không có khả năng can thiệp. Điều trớ trêu là, lỗi bắt nguồn từ sự chậm trễ của cơ quan chức năng, nhưng hậu quả lại do doanh nghiệp gánh chịu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cho rằng, việc sửa đổi các quy định tại Điều 50, 51 của Nghị định 103 và điểm d khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai 2024 là hết sức cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào và khơi thông nguồn cung nhà ở.
Theo ông Châu, nếu chậm xác định tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất là do lỗi của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp không nên bị tính lãi chậm nộp.
Doanh nghiệp chỉ có lỗi trong trường hợp cơ quan thuế đã thông báo tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (bổ sung) nhưng không nộp đúng hạn.
Ông cũng lưu ý rằng, Luật Đất đai 2024 chỉ giao Chính phủ quy định khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhưng Nghị định 103 lại bổ sung thêm quy định người sử dụng đất phải “nộp khoản thu bổ sung tính từ thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất”.
Thực chất, quy định khoản thu bổ sung được tính từ thời điểm có quyết định giao đất, thay vì từ thời điểm có thông báo nộp tiền của cơ quan thuế, là sự mở rộng nghĩa vụ tài chính so với quy định của luật.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chính phủ hoàn toàn có thẩm quyền sửa đổi ngay Điều 50, Điều 51 Nghị định 103/2024/NĐ-CP để đảm bảo việc thu ngân sách nhà nước đối với khoản tiền thu bổ sung.
Đặc biệt, ông Châu cho rằng không có cơ sở pháp lý để yêu cầu nộp bổ sung phần tiền sử dụng đất phát sinh trong khoảng thời gian chưa xác định được giá đất trước ngày 1/8/2024 - thời điểm Luật Đất đai mới có hiệu lực.
Do đó, HoREA kiến nghị sửa đổi Nghị định 103 theo hướng: chỉ xác định khoản bổ sung đối với khoảng thời gian chậm xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần sau ngày 1/8/2024 đến thời điểm có thông báo nộp tiền của cơ quan thuế, cần trừ đi khoảng thời gian tối đa 180 ngày - là thời hạn theo luật để UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giá đất.
Hoàng Tư