Đề xuất nâng trần trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ lên 15%

Trước lo ngại của nhiều doanh nghiệp khi sử dụng quỹ khoa học công nghệ do quy định chưa rõ ràng, đại biểu Quốc hội đề nghị nâng mức trích lập lên tối đa 15%.

Chiều 13-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Góp ý về quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng nhiều doanh nghiệp đang lúng túng, thậm chí e ngại khi sử dụng quỹ do chưa rõ đâu là chi phí hợp lệ.

Doanh nghiệp không dám chi vì sợ sai

“Nhiều doanh nghiệp không dám chi vì sợ sai. Đây chính là rào cản lớn khiến quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp bị ‘đóng băng’”, bà Hà nói.

Theo đại biểu, Nghị định 95/2014 quy định doanh nghiệp nhà nước phải trích lập quỹ tối thiểu 3%, tối đa 10% thu nhập tính thuế. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được tự nguyện trích lập tối đa 10%. Trong khi đó, Nghị quyết 193/2025 của Quốc hội lại cho phép doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao được trích lập tới 20%.

 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội).

Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ quy định mức trích lập tối đa 5%. “Quy định này không phù hợp với tinh thần đổi mới mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đề ra”, bà Hà nhấn mạnh.

Bà cho rằng việc giới hạn mức trích thấp khiến doanh nghiệp thiếu động lực, thiếu nguồn lực đầu tư dài hạn cho công nghệ và sáng tạo, yếu tố then chốt trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp ngần ngại chi từ quỹ là do quy định về dự toán, định mức chi và kinh phí quản lý khoa học công nghệ tại Thông tư 67/2022 của Bộ Tài chính chưa phù hợp với thực tế.

Từ đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất nâng mức trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ tối đa lên 15%. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn…, mức trích lập tối đa nên là 20% để tạo dư địa đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro” trong nghiên cứu khoa học

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình với việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro” trong nghiên cứu khoa học công nghệ, vì đổi mới sáng tạo luôn đi kèm với khả năng thất bại có kiểm soát.

Tuy vậy, bà Nga cho rằng cần một cơ chế minh bạch, rõ ràng để tránh bị lạm dụng. “Phải phân biệt rạch ròi giữa rủi ro chấp nhận được như sai số mô hình, thất bại thử nghiệm… với các sai phạm không thể miễn trừ như gian lận hay vi phạm đạo đức nghiên cứu”, bà Nga đề xuất.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương).

Đồng thời, cần có hội đồng đánh giá rủi ro độc lập và chuyên sâu, thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm với cơ chế “đầu tư rủi ro công”, nơi tiềm năng sáng tạo được đặt lên hàng đầu thay vì chỉ chú trọng đầu ra hữu hình.

Còn đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng các quy định trong dự thảo còn chung chung, chưa đủ cơ sở thực tiễn. Theo bà, quy định không truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc dân sự đối với tổ chức, cá nhân nghiên cứu gây thiệt hại cho Nhà nước nếu tuân thủ đúng quy trình là chưa rõ ràng.

 Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình)

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình)

“Nếu không quy định rõ ràng thì dễ bị hiểu sai, dễ bị lợi dụng gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước”, bà Thu cảnh báo.

Nữ đại biểu đề nghị cần bổ sung nguyên tắc tối thiểu về các tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học, đồng thời xây dựng quy trình thẩm định và phê duyệt rủi ro rõ ràng hơn, nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và trách nhiệm.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-nang-tran-trich-lap-quy-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-len-15-post849552.html