Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp

Chiều 13/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các ý kiến đã thể hiện về sự cần thiết phải hoàn thiện chính sách pháp luật đối với vấn đề này.

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013) do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.

Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định về hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quy định về quản lý Nhà nước đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có quyền và nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Chưa rõ hệ thống tiêu chí đánh giá thế nào là “đổi mới sáng tạo”

Tham gia góp ý kiến, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sau hơn một thập kỷ thực thi không chỉ là yêu cầu của thực tiễn phát triển, mà còn là bước đi cần thiết nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đại biểu cho biết, nếu như Luật năm 2013 từng bước đặt nền móng cho hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ, thì Dự thảo Luật lần này mang trọng trách cao hơn. Một trong những chuyển biến có tính nguyên lý trong Dự thảo Luật lần này là chuyển trọng tâm từ hoạt động nghiên cứu trong khu vực công lập sang thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp – nơi quyết định hiệu quả cuối cùng của đổi mới sáng tạo. Nếu như trước đây, viện nghiên cứu, trường đại học là những chủ thể chính thì nay, vai trò trung tâm được trao cả cho doanh nghiệp. Các trường, viện đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp nguồn lực tri thức, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, giá trị mới cho nền kinh tế; bên cạnh đó Dự thảo Luật lần này là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tài chính và nguồn lực tạo động lực cho phát triển.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng: “Về bố cục, cách sử dụng thuật ngữ: Tên Luật đã mở rộng bao hàm “Đổi mới sáng tạo”, nhưng nội dung vẫn còn lệch trọng tâm về khoa học công nghệ truyền thống, cũng như chỉ mới có nguyên tắc của hoạt động “đổi mới sáng tạo” chứ chưa thấy có hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể thế nào là “đổi mới sáng tạo” để đánh giá xem có đủ điều kiện để công nhận, hỗ trợ hoặc xem xét chính sách không”. Do đó, cần phân biệt đổi mới mang tính học hỏi, cải tiến với đổi mới có tính chất đột phá.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực y tế, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, Luật khám bệnh chữa bệnh sửa đổi có riêng 1 chương quy định Áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; tại Điều 92 đã có quy định: Kỹ thuật mới, phương pháp mới là kỹ thuật, phương pháp lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam… Đại biểu đặt vấn đề: “vậy các nội dung này có được áp dụng các chính sách của đổi mới sáng tạo không. Cán bộ triển khai thực hiện được kỹ thuật mới lần đầu tiên tại đơn vị mình có được gọi là cá nhân đổi mới sáng tạo không. Có phải lượng giá số ca thực hiện thành công kỹ thuật không...”.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cho rằng, việc nghiên cứu ứng dụng trong ngành y tế, y học sử dụng rất nhiều. Thế nhưng, có một vấn đề đối với kỹ thuật mới trong Luật, có đề xuất phải có cấp phép, được phê duyệt. Kỹ thuật mới đợi cấp phép, phê duyệt, các nhà nghiên cứu khó áp dụng được. Bởi vì các rào cản liên quan đến thủ tục rất lớn.

Từ đó, đại biểu đề nghị: “Bổ sung chính sách Thúc đẩy phát triển các công nghệ y tế tiên tiến (trí tuệ nhân tạo trong y học, thiết bị y tế thông minh, y học cá thể hóa...); Tập trung phát triển y học số, công nghệ sinh học, dược phẩm mới, và vật liệu y sinh; Đầu tư lớn các trung tâm y tế thông minh, Tạo cơ chế để thử nghiệm công nghệ mới trong môi trường thực tế nhưng an toàn. Thành lập vườn ươm, trung tâm ươm tạo đổi mới sáng tạo chuyên về y tế. Mở rộng kết nối quốc tế, thu hút nguồn vốn đầu tư, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ dữ liệu y tế phục vụ phát triển. Một khía cạnh quan trọng trong quản trị đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực y tế – nơi các thử nghiệm, sáng kiến thất bại là điều không thể tránh khỏi do đặc thù rủi ro và phức tạp cao”.

Đồng thời, có chính sách chia sẻ, công khai các bài học thất bại, kết quả nghiên cứu không thành công; khuyến khích chia sẻ công khai dữ liệu tiêu cực hoặc kết quả không đạt kỳ vọng để cộng đồng cùng học hỏi. Xây dựng kho dữ liệu mở về các đề tài/dự án thất bại để tránh lặp lại và là nguồn tài nguyên tri thức chung. Tạo dựng môi trường thử nghiệm an toàn (các mô hình sandbox, vườn ươm) để giảm rủi ro cho cả doanh nghiệp và xã hội. Hình thành tư duy hỗ trợ tái cấu trúc hoặc chuyển giao ý tưởng, không loại bỏ hoàn toàn những nhân sự/dự án từng thất bại.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) kiến nghị, có chính sách hỗ trợ cá nhân có sáng kiến, nhất là người nông dân tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, trong thực tế thì người dân nhất là những người nông dân khi làm công việc nhà nông thực tế, họ sáng kiến được rất nhiều máy móc, thiết bị. Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân được phổ cập rộng rãi rất phù hợp với điều kiện thực tiễn và đem lại hiệu quả rất tốt. Do vậy tôi thấy là nên có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho cá nhân có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như thế này nên để bổ sung, qua đây là nên có hỗ trợ cho những cái cá nhân có những sáng kiến nhất là những người dân.

Cân nhắc việc điều chỉnh mức trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội cho rằng, cần quy định tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương phải dành cho đặt hàng các sản phẩm khoa học, công nghệ trong nước. Việc quy định rõ ràng một tỷ lệ bắt buộc sẽ tạo động lực và áp lực thực hiện, thay vì chỉ khuyến khích tự nguyện như hiện nay. Đồng thời, cần bổ sung vào Điều 6 của dự thảo Nghị định kèm theo quy định cụ thể về phương án tài chính đối với hoạt động đặt hàng theo hướng khoán chi để đơn giản hóa thủ tục, tăng tính chủ động cho tổ chức chủ trì. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đầu ra, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị cho phép trích lập tối đa là 15% thu nhập tính thuế. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn, mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, cần mở rộng danh mục chi từ quỹ như lương cho nhân sự nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia, mua vật tư linh kiện phục vụ thử nghiệm, thử sản phẩm mẫu, tham dự hội thảo chuyên ngành, kiểm nghiệm, mua sắm thiết bị, máy móc và các sản phẩm công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu. Giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục cụ thể và quy định không bắt buộc lập đề tài, nhiệm vụ cho từng khoản chi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng quỹ theo nhu cầu thực tế, phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đề cập đến nội dung đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái khởi nghiệp, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, một điểm tích cực trong dự thảo Luật là đã lần đầu tiên luật hóa hai nội dung quan trọng là Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia (Điều 38) và Sàn giao dịch vốn khởi nghiệp sáng tạo (Điều 39). Đây là những cơ chế thể chế có thể tạo cú hích đáng kể cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nếu được thiết kế và triển khai hiệu quả.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình, do đặc thù của thị trường đầu tư mạo hiểm là “cao rủi ro – cao kỳ vọng”, đồng thời có thể sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nên Dự thảo cần quy định rõ hơn về các cơ chế giám sát, phòng ngừa rủi ro tài chính và đảm bảo minh bạch thị trường.

Các đại biểu cũng kiến nghị liên quan đến quy định việc chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chung chung. Theo các đại biểu, nghiên cứu khoa học sẽ có 2 hướng, một hướng thành công bởi vì kết quả đáp ứng được mong đợi và kỳ vọng của các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý. Thế nhưng cũng có một xu hướng đó là thất bại, dù nhà nghiên cứu cũng dùng hết tâm sức, dùng hết cơ sở vật chất, dùng hết tâm huyết. Đây là chấp nhận rủi ro, nhưng rủi ro phải chấp nhận đến đâu. Nếu không quy định rõ quy trình, quy định sẽ dẫn đến việc dễ bị hiểu sai và có thể bị lợi dụng gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước. Do đó, đề nghị ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc tối thiểu về các tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học hợp lý; và cần có quy trình thẩm định và phê duyệt rủi ro; đơn vị có thẩm quyền xác định rủi ro rõ ràng trong văn bản hướng dẫn thi hành luật. Ban hành quy trình thẩm định, phê duyệt rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định rõ đơn vị có thẩm quyền đánh giá, xác nhận việc tuân thủ quy trình để làm căn cứ miễn trách nhiệm...

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuc-day-ung-dung-chuyen-giao-doi-moi-cong-nghe-trong-khu-vuc-doanh-nghiep.702478.html