Đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp: Liệu có cần thiết?
Đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến để xây dựng dự án Luật Nhà giáo đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội với những ý kiến trái chiều.
Tại hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây có đưa ý kiến về dự định đưa quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp vào luật này. Thông tin này đã nhận nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, trong đó đa số ý kiến phản đối, cho rằng quy định như vậy là không cần thiết, vô lý, rườm rà, phức tạp. Nhiều giáo viên bày tỏ sự khó hiểu trước đề xuất này, khi họ đã học 4 năm trường sư phạm và tốt nghiệp ra trường, có đủ bằng cấp đứng trên bục giảng, nhưng vẫn cần thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp để hành nghề nhà giáo.
Nhiều ý kiến trái chiều việc nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp
Là một giáo viên dạy Toán có thâm niên giảng dạy gần 30 năm, cô Nguyễn Thùy Dung cho biết bản thân cô cảm thấy khó hiểu với quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp trong dự thảo Luật Nhà giáo mà Bộ GD&ĐT đưa ra mới đây.
Theo cô Dung, một người giáo viên khi đã được đào tạo trong môi trường sư phạm, giáo viên đã tốt nghiệp trường sư phạm, có đủ bằng cấp để đứng trên bục giảng, để giảng dạy rồi thì sao phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp làm gì nữa?
"Tôi thấy giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp là không cần thiết. Bởi nếu phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp thì nên dành cho những người học một chuyên ngành khác không phải chuyên ngành sư phạm nhưng mong muốn trở thành giáo viên. Còn với một sinh viên sư phạm ra trường, đã có bằng sư phạm, có rất nhiều chứng chỉ thêm như Tin học, Ngoại ngữ… thì có thêm một giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa sẽ thêm việc, tạo thêm áp lực cho nhà giáo. Thầy cô giáo ngoài việc chú tâm vào việc giảng dạy thì lại phải thêm nhiều mối lo rườm rà, phức tạp khác, "gánh" thêm các loại thủ tục hành chính", cô Dung chia sẻ.
TS. Phạm Hiệp, đồng trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục, Trường Đại học Thành Đô cho rằng: "Bao lâu nay chúng ta đấu tranh để cắt hết các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm gây rườm rà, mất tiền bạc, công sức cho giáo viên. Trong khi Bộ Nội vụ đã "cắt" đi thì nay Bộ GD&ĐT lại đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Tôi thấy như vậy là không hợp lý.
Nếu như có trường hợp giáo viên không tốt nghiệp trường sư phạm, ai muốn đi dạy cũng được thì mới cần giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Nói đơn giản như một sinh viên tốt nghiệp ngành Hóa cơ bản muốn làm giáo viên Hóa thì cần phải có giấy chứng nhận. Thầy cô giáo tốt nghiệp ở các trường sư phạm ra công tác không phải là sự công nhận nghề nghiệp đó hay sao?
Tôi biết, sau khi có thông tin này, rất nhiều giáo viên choáng, sốc, hoang mang. Đề xuất này gây mất thời gian, công sức trong khi giáo viên đang ngổn ngang bao nhiêu việc để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Họ vừa phải nghiên cứu chương trình mới, sách mới, cách dạy mới vừa chịu sức ép của xã hội. Xin đừng bắt giáo viên khổ thêm nữa".
Còn theo TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp giáo viên là cần thiết vì để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, đảm bảo năng lực chuyên môn, đạo đức ứng xử chuyên nghiệp, xây dựng niềm tin của xã hội, giáo viên có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm tại các địa phương khác làm hài hòa cung và cầu giáo viên trong hệ thống, buộc giáo viên phải thường xuyên nâng cao năng lực, và đó là cách bảo vệ lợi ích của người học".
Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, khi đề xuất này được đưa ra, dư luận đã có phản ứng khá gay gắt về vấn đề này và có ý kiến cho rằng bộ phận soạn thảo vẽ ra các thủ tục hành chính, giấy phép con và vì mục tiêu vụ lợi... "Cá nhân tôi cho rằng, sở dĩ dư luận có phản ứng như vậy là do những người tham gia soạn thảo nội dung này chưa thật sự làm rõ được mục đích, ý nghĩa và giá trị của giấy phép này".
Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, lợi ích của việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp là nếu làm bài bản có thể cải thiện cơ hội việc làm của giáo viên, có cơ hội tiềm năng nâng cao mức lương, uy tín nghề nghiệp, công việc ổn định không dễ bị gây khó khăn sách nhiễu bởi cơ quan tuyển dụng và sử dụng; được bảo trợ pháp lý và tác động tích cực đến học sinh cùng cơ hội thăng tiến tốt hơn trong công việc.
Bộ GD&ĐT lý giải thế nào?
Liên quan đến đề xuất này, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Ở nhiều nước trên thế giới, giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Đây là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề giáo viên. Nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam như luật sư, bác sĩ cũng đã có quy định về chứng chỉ hành nghề. Phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Chứng chỉ là minh chứng người đó đủ năng lực để làm công việc đó. Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện có đồng thời nhiều quy định về chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên. Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế những cái này với các tiêu chí cụ thể. Giấy chứng nhận nghề nghiệp cũng là sự công nhận và vinh danh nhà giáo".
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khẳng định: "Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, không thu phí. Những nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, trường chỉ cần lập danh sách và cơ quan quản lý giáo dục cấp giấy chứng nhận, không cần thủ tục gì cả.
Những người mới vào nghề hay đang tập sự thì cần làm thủ tục cấp chứng nhận. Những nhà giáo đã nghỉ hưu cũng có thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp (nếu có nhu cầu). Giấy chứng nhận nghề nghiệp là căn cứ để xác nhận một người có đủ năng lực, kỹ năng làm giáo viên. Giấy này có giá trị toàn quốc nên khi chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ trường công ra trường tư, giáo viên chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận này mà không phải trải qua tập sự. Tuy nhiên, tùy cơ sở giáo dục, họ có thể sẽ có thêm kiểm tra, đánh giá".