Đề xuất thiết kế đặc biệt cho cao tốc trên 120km/h
Bộ GTVT đang lấy ý kiến về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc.
Cao tốc có 4 cấp tốc độ
Nội dung đáng chú ý trong dự thảo này, theo tốc độ thiết kế, đường cao tốc được phân làm các cấp, gồm: Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; Cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; Cấp thiết kế đặc biệt, tốc độ thiết kế trên 120 km/h, được nghiên cứu, thiết kế riêng.
Cấp thiết kế tối thiểu (cấp 80) chỉ nên áp dụng đối với các vùng có địa hình khó khăn (như vùng núi, đồi cao) hoặc trường hợp phân kỳ đầu tư. Lựa chọn cấp đường cao tốc phải căn cứ vào điều kiện địa hình, quy hoạch mạng lưới đường bộ đã xác lập, được cấp có thẩm quyền của nhà nước duyệt, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và đánh giá đầy đủ các yếu tố kinh tế - kỹ thuật - xã hội.
Dự kiến nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc sẽ quy định giới hạn một số chỉ tiêu kỹ thuật mang tính chất bắt buộc để tuân thủ áp dụng (như một số quy định tối thiểu về mặt cắt ngang, bình độ, trắc dọc của tuyến đường… tương ứng với cấp đường, vận tốc thiết kế).
Đối với các vị trí đặc biệt khó khăn có thể giảm tốc độ thiết kế để giảm kinh phí đầu tư, tuy nhiên trong mọi trường hợp không nhỏ hơn 60 km/h, đồng thời phải thực hiện chuyển dần tốc độ và bố trí báo hiệu phù hợp. Các vị trí chuyển tốc độ phải được nghiên cứu đảm bảo phù hợp địa hình, dễ nhận biết và thuận tiện cho người lái xe (nút giao, thay đổi địa hình, cảnh quan…).
Dự thảo cũng quy định, mặt đường mỗi chiều trên đường cao tốc hoàn chỉnh tối thiểu là 2 làn xe/mỗi chiều và phải đảm bảo đủ năng lực thông hành cho lưu lượng xe tính toán.
Đường cao tốc phải bố trí thiết kế mặt cắt ngang có dải phân cách giữa (gồm dải phân cách và các dải an toàn hai bên) để tách riêng hai chiều xe chạy trên đường cao tốc. Tùy thuộc điều kiện mặt bằng bố trí dải phân cách có lớp phủ hoặc không có lớp phủ; bề rộng tiêu chuẩn các yếu tố mặt cắt ngang đường cao tốc tùy thuộc tốc độ thiết kế; trên dải phân cách phải bố trí phòng hộ…
Các dải an toàn phải được bố trí để tạo điều kiện cho xe chạy với tốc độ cao. Ngoài ra, các dải an toàn phía lề còn để dừng xe khi thật cần thiết (còn gọi là dải dừng xe khẩn cấp). Dải an toàn được kẻ vạch sơn dẫn hướng. Cấu tạo dải an toàn phía lề (phần lề gia cố) đảm bảo yêu cầu chịu lực xe đỗ khẩn cấp (không thường xuyên).
Các hầm có chiều dài dưới 1.000 m thì không phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp. Trường hợp hầm có chiều dài từ 1.000 m trở lên thì phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài tối thiểu 30 m cách nhau tối đa 500 m, bề rộng làn dừng xe tùy thuộc theo từng cấp đường cao tốc.
Dọc tuyến cao tốc phải bố trí các cơ sở dịch vụ:
Từ 15 km đến 25 km bố trí 1 chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài nền đường, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tự bảo dưỡng xe.
Từ 50 km đến 60 km, cần bố trí một trạm dịch vụ kỹ thuật cung cấp xăng dầu, sạc điện, sửa chữa nhỏ, nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn.
Từ 120 đến 200 km bố trí trạm dừng nghỉ lớn có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng dầu, sạc điện, nhà ăn, khách sạn, văn phòng du lịch, chỉ dẫn trung chuyển...
Trạm thu phí trên cao tốc phải thực hiện theo phương thức thu phí điện tử không dừng (ETC) ở tất cả các làn. Trường hợp tổ chức thu phí theo "hệ thống khép kín", trạm thu phí phải được bố trí tại các vị trí thu phí đảm bảo việc thu phí theo phương thức ETC được thuận lợi (thu phí tập trung bố trí tại các nút giao khác mức liên thông) và việc thu phí theo chiều dài hành trình thực của xe đi trên đường cao tốc.
Đầu vào bố trí hệ thống ETC đa làn tự do (không có barier), đầu ra bố trí hệ thống thu phí theo phương thức ETC đơn làn có barier hoặc đa làn tự do.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-thiet-ke-dac-biet-cho-cao-toc-tren-120kmh-post564565.antd