Đền Lê trên đất Bố Vệ
Nằm trên đất Bố Vệ xưa, nay thuộc phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Thái miếu nhà Hậu Lê còn được biết đến với tên gọi khác như: Bố Vệ miếu; đền Lê Bố Vệ… Cách gọi đền Lê Bố Vệ cũng là để phân biệt với 'kinh đô tâm linh' Lam Kinh trên đất Lam Sơn (Thọ Xuân).
Nếu như Lam Kinh bề thế được khởi dựng ngay sau khi Vua Lê Thái tổ qua đời với Sơn lăng - chốn an nghỉ vĩnh hằng của các vua, hoàng thái hậu nhà Lê và cũng là nơi thờ cúng Vua Lê Thái tổ, tổ tiên dòng họ Lê, các vị trong hoàng tộc; thì Thái miếu nhà Hậu Lê lại được xây dựng dưới thời Vua Gia Long nhà Nguyễn, trên cơ sở công trình gỗ điện miếu ở Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội) và Lam Kinh.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí: “Miếu Bố Vệ trước gọi là điện Hoằng Đức thôn Kiều Đại xã Bố Vệ huyện Đông Sơn, nguyên trước miếu ở Thăng Long và huyện Thụy Nguyên, năm Gia Long thứ tư mới dời về đây. Tế vào tiết xuân, thu, quan tỉnh hành lễ”.
Còn sách Đại Nam thực lục lại chép: “Dời dựng miếu nhà Lê về Thanh Hóa. Miếu nhà Lê ở thành Thăng Long, họ Lê tâu xin dời về Bố Vệ (là đất cũ Trung hưng nhà Lê). Vua (Gia Long) nói: “Giữ việc thờ cúng nhà Lê là trọng điển của triều đình… Sai trấn thần Thanh Hoa thúc dân sửa sang…”.
Và theo các tài liệu sử, tháng 3 năm 1805, miếu các Vua Lê ở Bố Vệ đã an vị thượng lương. Và cũng trong năm đó, Vua Gia Long còn ban cho nơi đây bức đại tự sơn son thếp vàng với 6 chữ “Nam Quốc sơn hà tự thử” được hiểu là núi sông nước Nam có từ đây.
Hậu thế có nhiều đoán định việc Vua Gia Long xây Thái miếu nhà Hậu Lê trên đất Bố Vệ, như nơi đây là quê hương của Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu túc Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh (vợ của Vua Lê Thái Tông, mẹ Vua Lê Nhân tông). Hay là đất Trung hưng cũ của nhà Lê…
Với sự tôn kính mà Vua Gia Long triều Nguyễn dành cho nhà Hậu Lê, thì Thái miếu nhà Hậu Lê nơi đất Bố Vệ dưới thời Nguyễn được xem như Quốc miếu. Và là tông miếu thờ tự chính thức các vua nhà Lê.
Theo “Sơ đồ thần chú các liệt thánh nhà Hậu Lê” làng Bố Vệ Thanh Hóa - thời Nguyễn (bản dịch của viện Hán Nôm), Thái miếu nhà Hậu Lê thờ 27 vị vua (gồm có những người không làm vua nhưng có con cháu làm vua nên được truy tôn Hoàng đế), 25 vị Hoàng Thái hậu, một Kính phi. Bên cạnh đó, trong di tích còn có ban thờ hai khai quốc công thần Nguyễn Trãi và Lê Lai.
Cũng theo các tài liệu sử, xưa kia Thái miếu nhà Hậu Lê tọa lạc trong khu rừng dẻ, nhiều cây cối bao quanh, thâm nghiêm và cổ kính, biệt lập với khu dân cư. Đền trước đây vốn bề thế với nhà Tiền điện, Hậu điện, Tả vu, Hữu vu, phía trước có Nghi môn và bình phong. Giữa sân trước Tiền điện là đôi rồng đá, phía dưới hiên Tiền điện là hàng nghê gỗ ngồi chầu. Nhà Hậu điện đặt bài vị Vua Lê Thái Tổ và những người được thờ tự…
Hằng năm, ở Thái miếu nhà Hậu Lê diễn ra hai kỳ lễ lớn. Lễ hội Xuân vào Rằm tháng Giêng và lễ hội chính từ 20 - 22 tháng 8 (âm lịch). Nếu như lễ hội Xuân là để cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống dân làng no đủ thì lễ hội chính vào tháng 8 là dịp tưởng nhớ Vua Lê Thái tổ. Khi xưa, lễ hội chính ở Thái miếu nhà Hậu Lê vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu được tổ chức theo hình thức Quốc tế. Về sau, giao cho các quan lớn đầu tỉnh chu trì đại tế.
Sau những nghi lễ trang nghiêm là phần hội sôi động với nhiều trò chơi truyền thống được tổ chức như trò kéo chữ, trò phá trận, hội tung cù… thu hút sự tham gia của người dân các làng Mật Sơn, Vĩnh Yên, Đa Sĩ, Quảng Xá…
Hơn 200 năm đã trôi qua với nhiều biến thiên, thay đổi, nhưng Thái miếu nhà Hậu Lê giữa lòng thành phố Thanh Hóa sầm uất vẫn cổ kính và linh thiêng, là nơi để hậu thế tìm về, chiêm ngắm và tỏ lòng tri ân tiền nhân.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/den-le-tren-dat-bo-ve/25091.htm