Đến với bài thơ hay: Phảng phất cõi người

Đất Phật vẫn là đất Phật, người ta vẫn đi chiêm bái hàng ngày, hàng tháng, do vậy 'đường tùng trúc' thì vẫn luôn luôn và mãi mãi 'đẫm thiền'.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đặng Toán

Lên Yên Tử

Chênh vênh chiều Yên Tử

Em đứng bán gậy tre

Dòng người lên đất Phật

Mấy người dừng hỏi mua...

Bó gậy ướt đẫm sương

Tay em ôm ngọn gió

Đường tùng trúc đẫm thiền

Em gầy như gậy nhỏ...

Khách thập phương hối hả

Gậy đỡ bước hành hương

Chùa Đồng còn xa quá

Em gần ngay bên đường...

Mượn bối cảnh lên Yên Tử để viếng Phật, thi sĩ Đặng Toán như đã thành công trong việc gợi tả những bấp bênh đầy tủi thân của một kiếp người kiếm sống trong cõi nhân sinh này. Bài thơ thật nhẹ nhàng, giản dị nhưng giàu sức gợi, tiếng nói cảm thương nhân văn cất lên sâu sắc.

Mở đầu bài thơ đã thấy sự chông chênh rồi. Là bởi hai chữ “chênh vênh” được đặt lên đầu dòng thơ, nó là điểm nhấn gợi tả hết sức giàu hình tượng. Lại cộng thêm thời khắc không gian “chiều” làm cho câu thơ như chùng xuống “Chênh vênh chiều Yên Tử”. Rõ ràng, ngay từ đầu bài thơ, tác giả đã như cố ý xoáy sâu vào cõi người hơn là cõi Phật. Do thế, hai chữ “Yên Tử” để phía sau câu thơ như ngầm ý báo hiệu cho độc giả thông tin ấy.

Và thế là, vẫn cái giọng bám vào cõi người để nói, câu thơ thứ hai xuất hiện như một lời giới thiệu cần phải có để độc giả hình dung ra công việc kiếm sống hàng ngày của nhân vật trữ tình “em”: “Em đứng bán gậy tre”. Yên Tử là một rừng trúc, tre thì câu thơ “em đứng bán gậy tre” vừa mang tính thống nhất về mặt hình tượng vừa mang tính gợi mở rằng nhờ có “Yên Tử” mà nhân vật trữ tình “em” mới có được cơ hội kiếm sống qua ngày. Một sự quá giang đầy ẩn ý. Một mối quan hệ cộng sinh khá rõ nét.

Song, “dòng người lên đất Phật/mấy người dừng hỏi mua” lại gợi một hiện trạng thực tế đang diễn ra. Câu thơ như một lời cảm thán mang chút giọng tủi thân có được “mấy người dừng hỏi mua” đâu? Một sự đối lập về số lượng ở đây “dòng người lên đất Phật” (là nhiều) và “mấy người dừng hỏi mua” (là ít ỏi) đã tác động rất mạnh đến nhận thức nơi độc giả. Sao lại chẳng thở dài và buồn bã? Dư âm ấy làm sao có thể để lại những tâm thế tươi vui?

Nếu như khổ thơ đầu mang dáng dấp thơ tả thực thì sang khổ thơ thứ hai, lời thơ vang ngân lên một giọng thơ siêu thực:

Bó gậy ướt sương đêm

Tay em ôm ngọn gió

Đường tùng trúc đẫm thiền

Em gầy như gậy nhỏ…

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Hình ảnh “bó gậy ướt đẫm sương” đã gợi ra hành trình thời gian dằng dặc trong việc mưu sinh, nó còn phảng phất sự chịu đựng và vất vả. “Tay em ôm ngọn gió” là sự chấp nhận mọi gian khổ cực nhọc trong mưu sinh. Chữ “ôm” là chủ động kéo vào mình, có cả thử thách lẫn bao gian nan trong cuộc kiếm cơm kia. Cũng mặc, “em ôm” hết. Thành thử, tuy lời thơ không có chút gì than thở nhưng sự vất vả trong cuộc kiếm cơm sinh tồn thì lại ào ạt chảy ra qua câu chữ “tay em ôm ngọn gió/… em gầy như gậy nhỏ…”.

Đất Phật vẫn là đất Phật, người ta vẫn đi chiêm bái hàng ngày, hàng tháng, do vậy “đường tùng trúc” thì vẫn luôn luôn và mãi mãi “đẫm thiền”. Nhưng sao câu thơ ấy đặt ngay sát với câu thơ phía sau “em gầy như gậy nhỏ” lại không tránh được tâm trạng xót xa?

Thì ra, một bên là mưu cầu sự “tham thiền”, giác ngộ giải thoát với một bên là mưu cầu mưu sinh hàng ngày luôn luôn song hành diễn ra, ai đi ai tới ai ngộ ai thấu hiểu thì đều ở trong tâm can mỗi con người, đâu phải bên ngoài! Bởi thế, tuy giọng thơ siêu thực nhưng lại trải ra trùng vây những con đường giác ngộ. Không đi sẽ không bao giờ tới nhưng đi rồi thì liệu sẽ tới nơi không nếu anh không đi qua lòng mình, lòng người để mà đốn ngộ?

Do thế, khổ thơ thứ ba không thể không xuất hiện. Sự xuất hiện của nó là câu trả lời đầy những lựa chọn nhưng lại rất dễ thấy cho con người:

“Khách thập phương hối hả

Gậy đỡ bước hành hương

Chùa Đồng còn xa quá

Em gần ngay bên đường”.

Cây “gậy” chỉ là “đỡ bước” cho người “hành hương” thôi, còn mục đích người ta “hành hương” là về với cõi Phật, là nơi “Chùa Đồng” trên kia. Nhưng, “Chùa Đồng” dẫu trên bước “hành hương” sẽ phải tới lại còn đang ở rất xa “Chùa Đồng còn xa quá”. Hai chữ “xa quá” đâu chỉ gợi ra khoảng cách địa lí xa vời vợi kia mà nó còn như muốn nhắc đến một ẩn ngữ phía sau nhờ sự đối lập “xa quá” - “gần ngay bên đường” gợi ra. Do đó, mua gậy đâu chỉ “đỡ bước” cho người “hành hương” mà nó còn là hành động giúp đỡ thiết thực cho sự mưu sinh của nhân vật trữ tình “em” kia đó thôi.

Hình ảnh tương phản “xa” - “gần” như một điểm nhấn tung lên bao nhiêu những suy tư. Chúng ta thường hay hướng đến những cái xa xôi đâu đó mà đôi khi lại quên đi mất những thứ rất gần mà trong tầm tay chúng ta có thể giải quyết chỉ trong vòng “một nốt nhạc”. Thực tế đó, nếu như không được nhắc gợi, lẽ dĩ nhiên trong chúng ta, đã mấy ai để ý đến? “Em” gần sát ngay “bên đường” mà “đoàn người hành hương” đang “hối hả” đi lên Yên Tử, cũng là lên với chùa Đồng để thực tế chiêm nghiệm nơi mà đấng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tâm thành đại giác, thì được mấy người thấy “em”?

Có thể nói, bài thơ “Lên Yên Tử” tuy nhẹ nhàng nhưng lại rất giàu sức gợi. Tứ thơ có được nhờ sự va đập của câu chữ mà vụt ra. Ở đó, chất nhân văn vừa đủ để cho sự nhân đạo sáng lên, đã giúp chúng ta kịp dừng lại một chút để lắng suy về kiếp người.

Đi viếng nơi nao đất Phật, chốn linh thiêng cũng tốt nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta biết đánh thức tâm thiện bản ngã nơi tâm hồn mình. Vì thực ra, Phật tổ cũng đã từng dạy “Phật tại tâm” đó thôi. Hướng ngoại là để phục vụ cho sự tiến hóa trong hành trình hướng nội của con người. Không nên vút qua tất cả mà tìm cho bằng được sự giác ngộ ở đẩu đâu!

Nguyễn Ngọc Tân (Nguyên giáo viên Trường THPT Sông Đốc & THPT Trần Văn Thời, Cà Mau)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-phang-phat-coi-nguoi-post686801.html