Di chỉ Cái Bèo sắp phát lộ thêm nhiều bí ẩn?
Di chỉ Cái Bèo được phát hiện năm 1938, vừa được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp phép khai quật.
Mới đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định cho phép Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các chuyên gia của Đại học Quốc gia Úc khai quật khảo cổ tại di tích Cái Bèo thuộc thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải – TP Hải Phòng).
Cái nôi văn hóa biển Việt Nam
“Di chỉ Cái Bèo là linh hồn của văn hóa biển tiền sử Việt Nam, có giá trị quan trọng trong lịch sử - văn hóa biển của dân tộc. Cái Bèo cũng là một trong những di tích quý hiếm nhất của vùng duyên hải Bắc Bộ, là một làng chài ven biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Khắc Sử.
Theo quyết định, thời gian khai quật diễn ra từ ngày 16/11 đến ngày 23/12/2022, trên diện tích 50m2. Chủ trì khai quật là GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích. Có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, Bảo tàng Hải Phòng và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Đồng thời, trước khi công bố kết quả của đợt khai quật, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Theo câu truyện dân gian vùng Đông Bắc, đảo Cát Bà xưa kia vốn là hậu cung của một người đàn ông đầu tiên khai sơn, phá thạch ở vùng này. Khi ông phát hiện ra vịnh quý giá với nhiều hòn đảo đẹp mà sau này có tên là vịnh Hạ Long. Đây cũng là lúc ông phải cưu mang những nữ nhi đơn côi mà chồng của họ đã vĩnh viễn không trở về sau những chuyến đi biển đầy bất trắc.
Để rảnh tay khai phá những vùng đất lân cận tiếp theo, ông đã tập hợp tất cả các bà ra sinh sống tại hòn đảo xinh đẹp trù phú, biệt lập giữa biển khơi, nằm trong vịnh Lan Hạ. Vì thế, sau này vùng đất Bãi Cháy, Hòn Gai có tên là đất Cửa Ông, còn hòn đảo kia thì có tên là đảo Các Bà.
Trải bao biến đổi, thăng trầm còn lại hai địa danh Cửa Ông (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) là do gọi chệch đi mà thành.
Đảo Cát Bà không chỉ được biết đến là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, có thể tham gia các chuyến thám hiểm mạo hiểm hang động, khu sinh thái rừng và đáy biển. Vì vậy, đảo ngọc còn nổi danh là “cái nôi văn hóa biển Việt Nam” với rất nhiều di tích cấp quốc gia - di chỉ Cái Bèo là một trong những di tích ngoài trời điển hình ấy.
Lần khai quật thứ 5
Theo tư liệu của PGS.TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học), di chỉ Cái Bèo nằm giữa thung lũng đá vôi, chạy dài theo hướng Bắc Nam dọc bờ biển, cách trung tâm thị trấn Cát Bà chừng 1,5 km về phía Đông Nam. Di chỉ nằm gần bến tàu Bến Bèo, diện tích khoảng 18.000m2, dốc thoải từ Nam ra Bắc, cao trung bình 4m so với mặt biển.
Năm 1938, di chỉ Cái Bèo lần đầu tiên được nhà khảo cổ học người Pháp M. Colani phát hiện và được các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật vào năm 1973, 1981, 1986, 2006. Lần khai quật đầu tiên kết quả cho thấy, Cái Bèo là nơi cư trú của quần thể ngư dân tại một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất nước ta cách đây 7.000 năm.
Các hiện vật khai quật được gồm nhiều bàn mài, rìu đá, nồi đất, vỏ sò, vỏ ốc hóa thạch. Cách di chỉ 200m là dãy núi Áng Thảm và Bù Nâu chạy vòng cung ôm lấy Cái Bèo, làm cho nơi đây kín gió, biển không ồn ào, phong cảnh hữu tình, thuận cho việc sinh sống và khai thác thủy sản.
Có lẽ vẻ đẹp thiên nhiên đã quy tụ cùng với thuận lợi về địa thế, phong phú về sản vật nên dân cư cổ Cái Bèo đã quần tụ lâu dài tại đây, tạo nên nền văn hóa đặc sắc của người Việt cổ.
Theo tài liệu nghiên cứu, di chỉ Cái Bèo được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2009. Đây không chỉ là di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam, mà còn là bảo tàng địa chỉ tuyệt vời về sự dao động mực nước biển đại dương. Sự tiếp nhận và thích ứng của con người trước hiện tượng biển tiến, biển thoái, là một bài học cho chúng ta hôm nay trước nguy cơ xâm thực của nước biển do biến đổi khí hậu.
Qua các cuộc khai quật tại di chỉ Cái Bèo, không những xác định những giá trị khoa học về khảo cổ cho đảo Cát Bà, mà còn góp phần soi sáng nhiều vấn đề của tiến trình phát triển tiền sử Việt Nam.
Đầu năm 2015, cơ quan chức năng tiến hành lập hồ sơ dự kiến triển khai xây dựng công trình tường rào và nhà quản lý di chỉ Cái Bèo nhằm bảo vệ phần diện tích quá ít ỏi còn lại của di chỉ.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch thành lập một bảo tàng tại chỗ trưng bày và giới thiệu các di vật đã từng được khai quật hay phục dựng lại mô hình đời sống cổ xưa với phương thức kinh tế khai thác biển độc đáo của người Cái Bèo.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/di-chi-cai-beo-sap-phat-lo-them-nhieu-bi-an-post612559.html