'Điểm danh' 5 hành vi vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học
Nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội đã 'điểm danh' 5 hành vi vi phạm liêm chính phổ biến ở Việt Nam trong nghiên cứu khoa học.
Tại Hội thảo liêm chính trong nghiên cứu do Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện nhóm tác giả, PGS.TS Trương Việt Anh – Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, kết quả cho thấy, có 5 hành vi vi phạm liêm chính phổ biến nhất trong nghiên cứu là:
Thứ nhất, đưa tên những người không tham gia vào quá trình nghiên cứu làm tác giả, đồng tác giả công trình;
Thứ hai, đạo văn/tự đạo văn;
Thứ ba, làm hộ/làm thuê các công trình khoa học;
Thứ tư, sử dụng công trình nghiên cứu của cả nhóm cho mục đích cá nhân mà chưa có sự đồng ý của nhóm nghiên cứu;
Thứ năm, bịa đặt, sử dụng số liệu giả trong nghiên cứu tổng quan, kết quả nghiên cứu.
Nguyên nhân những vi phạm này là do áp lực về số lượng công bố của cá nhân; tạo cơ hội thăng tiến cá nhân; cam kết khi nhận các nguồn tài trợ; áp lực từ nhu cầu kinh tế của cá nhân.
Từ kết quả nghiên cứu, PGS.TS Trương Việt Anh đề xuất: Các cơ sở giáo dục đại học cần có quy định về liêm chính học thuật, nêu rõ về ngưỡng đạo văn (% trùng lặp giới hạn) trong các báo cáo và công bố theo đặc thù lĩnh vực phù hợp (Bách khoa Hà Nội đã xây dựng quy định 18 điều, 6 chương).
Ngoài ra, cần sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn đảm bảo khách quan trong các sản phẩm khoa học, đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học (có thể sử dụng công cụ Turnitin). Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang xây dựng phần mềm kiểm tra trùng lặp bằng tiếng Việt.
Cơ sở giáo dục đại học cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về liêm chính học thuật cho cán bộ, người học, phòng ngừa vi phạm. Xây dựng chế tài xử lý các vi phạm về liêm chính học thuật.
Cùng với đó, PGS.TS Trương Việt Anh nêu một số kiến nghị với cấp quản lý và hệ thống như: Cần có sự phối hợp, kết nối các cơ quan quản lý nhà nước: Quan điểm thống nhất và xây dựng chính sách thực hiện liêm chính học thuật tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo;
Cơ quan quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và đào tạo dùng chung: cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm soát đạo văn; Thống nhất về các công cụ kiểm soát đạo văn; Các đơn vị trong nghiên cứu và đào tạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và đào tạo chia sẻ, phối hợp tuyên truyền nhận thức cho cán bộ và người học;
Nhà khoa học, nhà quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh 4 nguyên tắc trong liêm chính học thuật:
Đánh giá chung tại các cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Trương Việt Anh nhận định, sự cần thiết phải có quy định nội bộ để đảm bảo căn cứ, sự tuân thủ liêm chính học thuật; sự cần thiết phải tuyên truyền/truyền thông cho cán bộ và người học, nhận thức đúng để thực hiện liêm chính học thuật; Cần thống nhất, sử dụng công cụ kiểm soát đạo văn; Có quy định khen thưởng minh bạch trong thực hiện liêm chính học thuật để làm rõ thái độ và phòng ngừa; Sự cần thiết của mỗi cá nhân: Nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm, phòng ngừa, tuân thủ;
Việc vi phạm liêm chính không chỉ đặt ra ở Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. Nghiên cứu của thế giới cho thấy, 1/16 tác giả tự đạo văn (sao chép cụm từ và câu dài); 1/1.000 tác giả đạo văn (sao chép giá trị 1 đoạn văn từ bài báo của người khác mà không trích).