Ở TP.HCM và các địa phương khác, người ta thường thưởng thức món bánh ướt ăn kèm chả lụa, chả quế, nem chua... Với ẩm thực Đà Lạt, một trong những đặc sản cuốn hút nhiều du khách chính là bánh ướt lòng gà. Món ăn này có bánh ướt, lòng heo luộc (tim, gan, lưỡi...) xắt lát, thịt gà luộc xé miếng, trứng non, ít rau thơm, hành tây, chan nước mắm ớt pha chua ngọt... Ảnh: Eatwithmynoreo.
Bánh căn Nha Trang (Khánh Hòa) thường có nhân tôm, mực ở giữa bánh. Bánh căn Phan Rang (Ninh Thuận) cũng có nhân tôm, mực, phục vụ nhiều loại nước chấm (mắm nêm, nước mắm pha chua ngọt, nước mắm đậu phộng giã nhuyễn, nước cá kho). Bánh căn Phan Thiết (Bình Thuận) có nhiều món ăn kèm như trứng luộc, xíu mại, tóp mỡ, da heo, cá kho... Còn ở Đà Lạt, bánh căn thường được phục vụ kèm chén nước xíu mại, chả gói lá, riêng phần bánh có thể thêm trứng cút phủ giữa mặt bánh, hoặc có thịt bò bằm... Ảnh: Ninheating.
Đến Đà Lạt, du khách có thể chọn bánh mì xíu mại chén để thưởng thức cho bữa sáng. Những ổ bánh mì nóng giòn được để riêng. Phục vụ kèm là chén xíu mại nhiều nước dùng ấm nóng, vị hơi nhạt, có thể cay nếu thêm ớt, ngoài ra còn có chả gói lá, da heo luộc, hành lá xắt nhuyễn. Khi ăn, thực khách sẽ xé nhỏ bánh mì, chấm nước dùng. Ảnh: Ruahaman.
Mì Quảng vốn là đặc sản trứ danh ở Quảng Nam, Đà Nẵng, kết hợp sợi mì dài dẹt với "nhưn" chế biến từ các loại thịt, trứng, hải sản nêm nếm đậm đà, thêm bánh tráng nướng, đậu phộng, các loại rau thơm... Tô mì Quảng "đúng điệu" ở miền Trung thường chỉ chan xăm xắp nước, trong khi đó, một số quán ăn tại Đà Lạt thường chan nhiều nước dùng hơn, ngập cả sợi mì. Ảnh: Carinarabanzo.
Nếu ở những nơi khác thường có buffet hải sản, buffet sushi, buffet 3 miền..., thì đến Đà Lạt, du khách có thể thưởng thức buffet rau, buffet mứt độc đáo. Thành phố sương mù vốn nổi tiếng với nhiều loại nông sản rau củ quả tươi ngon và đủ các loại mứt đặc sản. Từ lợi thế này, người ta đã nghĩ ra cách phục vụ buffet rau, buffet mứt hấp dẫn. Ảnh: M.t.phuong.
Ở Ninh Thuận, Bình Thuận, món bánh tráng mắm ruốc nướng khá phổ biến. Bánh tráng được quét (phết) đều mắm ruốc, thêm trứng (sống hoặc chín), hành lá, nem, chả... nướng lên, gập thành hình tam giác hoặc cuốn tròn. Còn ở Đà Lạt, bánh tráng nướng được du khách ví như "pizza", có thành phần topping đa dạng như trứng, phô mai, xúc xích, chà bông, pa tê, tôm khô, khô bò, mỡ hành... nhưng không có mắm ruốc. Bánh tráng thường được giữ nguyên hình tròn, khi ăn thực khách tự cắt thành miếng nhỏ. Ảnh: Munchinmelon.
Với nhiều du khách, sữa đậu nành ở Đà Lạt cũng có cách thưởng thức đặc trưng, không giống nhiều nơi. Với tiết trời lành lạnh, thức uống này thường được uống nóng, không thêm đá, chỉ pha đường hoặc sữa bò đặc để tăng vị ngọt. Người ta còn phục vụ sữa cùng các loại bánh ngọt thơm ngon như bánh sừng bò, bánh su kem, bánh chuối, bánh tiêu... Du khách có thể xé nhỏ bánh, chấm sữa và nhâm nhi từng chút một. Ảnh: Chanlovefoods.
Vẻ đẹp Đà Lạt nhìn từ trên cao Đà Lạt (Lâm Đồng) là điểm đến lý tưởng cho người yêu thích khung cảnh thơ mộng, thời tiết se lạnh. Đến đây, du khách có thể ghé hồ Xuân Hương, chợ đêm hay các quán cà phê độc đáo.
Theo Song Phúc/ Zingnews.vn