Điều gì xảy ra khi vận động viên ăn thiếu chất?
Dinh dưỡng là yếu tố then chốt giúp vận động viên duy trì và cải thiện hiệu suất trong các hoạt động thể thao cường độ cao.
Tại chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề "Bí quyết dinh dưỡng tăng cường hiệu quả vận động và thể thao", Vận động viên cử tạ Lê Văn Công - Vận động viên thể thao người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc năm 2024 chia sẻ: Dinh dưỡng trong thi đấu thể thao không đơn thuần chỉ là việc bù nước, bù khoáng mà cần thiết lập như một thói quen cần được bồi đắp mỗi ngày. Quy trình dinh dưỡng cần dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học bao gồm đào tạo kiến thức, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, kiểm tra theo dõi và điều chỉnh liên tục, đảm bảo cơ thể luôn đạt thể trạng tốt nhất.
Theo PGS.TS. BS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, dinh dưỡng và tập luyện là hai mảng không thể thiếu được đối với vận động viên, đặc biệt là vận động viên thành tích cao. Với vận động viên chuyên nghiệp muốn giành đến đỉnh cao thì dinh dưỡng cực kỳ quan trọng. Có thể nói, chế độ dinh dưỡng cũng là một chiến lược chinh phục thành công của vận động viên.
Điều gì xảy ra khi vận động viên ăn thiếu chất?
Mỗi vận động viên có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, tùy thuộc vào môn thể thao, cường độ tập luyện và cơ địa cá nhân. Điều này lý giải tại sao cần thiết kế chế độ ăn uống riêng biệt cho vận động viên nhằm đáp ứng các yêu cầu năng lượng cao hơn, thời điểm ăn uống chiến lược và sự cân bằng các chất dinh dưỡng.

Về mặt sức khỏe nói chung, việc vận động viên thường xuyên ăn uống thiếu chất, hoặc đói, có thể gây những hệ lụy như:
Suy giảm sức khỏe tổng quát
Thiếu dinh dưỡng làm giảm năng lượng, gây mệt mỏi, thậm chí suy nhược cơ thể. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tập trung và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Không những thế, chế độ ăn không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và kéo dài thời gian hồi phục khi mắc bệnh.
Ảnh hưởng đến xương và cơ bắp
Protein cần thiết cho quá trình phục hồi và xây dựng cơ bắp. Vận động viên nên tiêu thụ 1,2 - 2g protein mỗi kilogram trọng lượng cơ thể mỗi ngày hoặc tùy theo giai đoạn tập luyện để tối ưu hóa quá trình phục hồi. Thiếu protein và năng lượng có thể dẫn đến mất khối cơ, làm giảm sức mạnh và khả năng thực hiện các bài tập.
Bên cạnh đó, thiếu canxi và vitamin D thường dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với các vận động viên, đặc biệt là những người tham gia các môn thể thao chịu lực.
Rối loạn chuyển hóa
Ở các vận động viên nữ, thiếu dinh dưỡng có thể gây rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, làm giảm khả năng sinh sản và giảm mật độ xương. Vận động viên có chế độ ăn nghèo nàn cũng có thể gặp rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như táo bón, tiêu chảy, khó tiêu…
Ảnh hưởng đến tâm lý
Khi não không nhận đủ năng lượng và dưỡng chất, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, đuối sức, khả năng tập trung tư duy suy giảm. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến cân bằng hóa học trong não, gây ra các vấn đề tâm lý như trầm cảm và lo âu. Điều này xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng carbohydrate cần thiết, thường gặp ở vận động viên có chế độ tập luyện cường độ cao.
Đối với kết quả thi đấu
Giảm hiệu suất
Thiếu năng lượng làm giảm sức mạnh và sức bền, khiến vận động viên khó có thể duy trì hiệu suất cao trong các buổi tập luyện và thi đấu. Hơn thế, khi cơ và xương không được cung cấp đủ dinh dưỡng, nguy cơ chấn thương tăng lên, như căng cơ, rách dây chằng, gãy xương…

Cân bằng dinh dưỡng trước, trong và sau tập luyện. Bổ sung nước và chất điện giải trong lúc tập để bù lại năng lượng đã mất.
Giảm khả năng phục hồi
Trong quá trình tập luyện kéo dài hoặc cường độ cao, cơ thể sẽ đốt cháy carbohydrate lưu trữ trong cơ (glycogen) để làm nhiên liệu. Tuy nhiên, lượng glycogen dự trữ cũng có thể cạn kiệt, dẫn đến đau nhức cơ bắp. Do đó, sau khi tập luyện hoặc thi đấu, cơ thể cần bổ sung năng lượng và dinh dưỡng để tái tạo glycogen và phục hồi cơ bắp.
Thiếu dinh dưỡng sẽ làm chậm quá trình này, khiến cho vận động viên không thể trở lại trạng thái tốt nhất một cách nhanh chóng. Tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập luyện và thi đấu trong các sự kiện kế tiếp.
Giảm khả năng tập trung và chiến lược
Khi đói, khả năng ra quyết định của vận động viên bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến những sai lầm chiến lược trong thi đấu. Thiếu dinh dưỡng cũng làm giảm tốc độ phản ứng và phản xạ, điều này đặc biệt quan trọng trong các môn thể thao đòi hỏi phản ứng nhanh như bóng đá, quần vợt…
Nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt của vận động viên
Tăng hoạt động thể chất làm tăng một số nhu cầu thực phẩm của bạn. Bạn cần nhiều năng lượng, nước và có thể cả muối (natri clorua). Một vận động viên nam thanh thiếu niên có thể cần 5.000 calo mỗi ngày, so với 3.000 calo cần thiết hàng ngày của những người không phải là vận động viên.
Bằng cách dùng thêm khẩu phần thực phẩm từ tất cả các nhóm thực phẩm (đặc biệt là bánh mì, ngũ cốc, rau và trái cây), vận động viên có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng này.

Lượng thức ăn tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng và mức độ hoạt động của mỗi vận động.
Cách nào để cải thiện?
Ăn đúng loại thực phẩm giúp vận động viên duy trì trọng lượng cơ thể mong muốn, duy trì thể chất cân đối và thiết lập các phản xạ cơ - thần kinh tối ưu. Nếu không có thức ăn phù hợp, ngay cả điều kiện thể chất và có huấn luyện chuyên nghiệp cũng không đủ để thúc đẩy vận động viên phát huy hết khả năng của mình. Dinh dưỡng tốt phải là một phần quan trọng trong chương trình tập luyện của vận động viên.
Không có một loại "thực phẩm thần kỳ" hay chất bổ sung nào có thể cung cấp tất cả các nhu cầu dinh dưỡng. Một số loại thực phẩm cung cấp chủ yếu là protein, các loại thực phẩm khác chứa vitamin và khoáng chất… Chìa khóa để cân bằng chế độ ăn uống của vận động viên là kết hợp các loại thực phẩm khác nhau để sự thiếu hụt chất dinh dưỡng trong một số loại thực phẩm được bù đắp bằng sự dư thừa chất dinh dưỡng ở những loại thực phẩm khác. Ăn đa dạng các loại thực phẩm là bí quyết.
Các chất dinh dưỡng - protein, carbohydrate, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước là những "đồng đội" phối hợp với nhau để cung cấp dinh dưỡng tốt. Giống như mỗi thành viên trong nhóm thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong trò chơi, mỗi chất dinh dưỡng thực hiện các chức năng cụ thể trong cơ thể. Chỉ cần thiếu một chất dinh dưỡng thôi cũng đủ gây bất lợi cho cơ thể. Cơ thể luôn cần tất cả các chất dinh dưỡng này, vì vậy thực phẩm vận động viên cần được cung cấp chúng hàng ngày.
Duy trì mức năng lượng để đạt hiệu suất cao nhất không phải là điều dễ dàng. Mức năng lượng cao là kết quả của thói quen ăn uống và tập thể dục tốt. Nếu không chú ý đến một trong hai yếu tố này, hiệu suất của vận động viên có thể bị ảnh hưởng. Một trong những vấn đề dinh dưỡng cần lưu ý của vận động viên trẻ là ăn không đủ và không ăn đúng loại thực phẩm - đặc biệt là thực phẩm giàu tinh bột. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng có nhiều tinh bột giúp duy trì năng lượng cơ bắp. Tham gia thể thao có thể làm tăng đáng kể nhu cầu năng lượng thực phẩm của một người. Hoạt động thể chất tăng lên đòi hỏi nhiều calo thực phẩm hơn. Ngoài ra, khi tập luyện sẽ tăng mô cơ so với mô mỡ và mô cơ cần nhiều calo hơn mô mỡ.
Lượng thức ăn tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng và mức độ hoạt động của mỗi vận động viên. Một vận động viên cao lớn hơn cần nhiều calo hơn vận động viên nhỏ hơn vì cần nhiều năng lượng hơn để di chuyển nhiều khối lượng hơn trên cùng một quãng đường. Vận động viên thường đốt cháy nhiều calo hơn trong một buổi luyện tập so với khi thi đấu thực tế vì tổng công việc thường được thực hiện nhiều hơn trong khi luyện tập. Tuy nhiên, tốc độ đốt cháy calo trong thời gian ngắn có thể lớn hơn từ các đợt hoạt động cường độ cao trong thời gian thi đấu. Mức độ hoạt động khác nhau giữa các môn thể thao cũng như vị trí chơi trong một môn thể thao.

Như vậy, thiếu dinh dưỡng hoặc đói không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tổng thể mà còn tác động tiêu cực đến hiệu suất thi đấu của vận động viên. Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng và phù hợp có vai trò cực kỳ quan trọng để duy trì sức khỏe và hiệu suất tối ưu. Vận động viên nên thảo luận chặt chẽ với các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn uống riêng biệt cho nhu cầu cá nhân và đặc thù môn thể thao của mình.

