Điều kiện chắc thắng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh
Chiến dịch Trị Thiên - Huế, chiến dịch Đà Nẵng là các chiến dịch đặc biệt, được tổ chức trong quá trình phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Thắng lợi của hai chiến dịch này cùng với chiến dịch Tây Nguyên đã làm thay đổi so sánh lực lượng về mặt chiến lược, góp phần tạo điều kiện chắc thắng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đòn tiến công chiến lược
Ngay sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột và thắng lớn trên chiến trường Tây Nguyên, phát hiện những lúng túng và sai lầm trong chỉ đạo chiến lược của địch, ngày 18.3.1975, Bộ Chính trị khẳng định: "Thời cơ chiến lược đã đến, hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, chuyển phương án cơ bản sang phương án thời cơ, hoàn thành kế hoạch trong hai năm 1975 - 1976 ngay trong năm 1975, với hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn. Nhưng trước mắt nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch trong Vùng chiến thuật 1, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, giải phóng Huế, Đà Nẵng".
Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chiến dịch Trị Thiên - Huế và chiến dịch Đà Nẵng là hoạt động trọng tâm của ta tiếp sau chiến thắng Tây Nguyên. Với 3 đòn tiến công chiến lược chủ yếu là Tây Nguyên, Huế và Đà Nẵng, Sài Gòn, mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được thực hiện trọn vẹn.

Việc giải phóng Huế có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Ảnh: TL
Sau 21 ngày đêm chiến đấu (5 - 26.3.1975), dưới sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, quân dân Quảng Trị, Thừa Thiên và Quân đoàn 2 đã nắm vững thời cơ chiến lược nhanh chóng tiến công nổi dậy tiêu diệt, làm tan rã hoàn toàn lực lượng của địch, làm thất bại kế hoạch co cụm ở Quảng Trị, Thừa Thiên và kế hoạch bảo toàn lực lượng, rút chạy về Đà Nẵng. Toàn bộ quân địch ở Quảng Trị, Thừa Thiên bị tan rã. Ta thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh của địch. Hệ thống chính quyền địch từ tỉnh, huyện, xã hoàn toàn bị đánh bại.
Trong Điện khen của Quân ủy Trung ương viết: "Việc đánh chiếm và giải phóng thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho Nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước”.
Đẩy địch vào thế thất bại nghiêm trọng
Tiếp sau chiến dịch Trị Thiên - Huế là chiến dịch Đà Nẵng (từ 26 - 29.3.1975) của các lực lượng Quân khu 5 và Quân đoàn 2, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại của Quân khu 1 - Quân đoàn 1 địch, giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, loại khỏi vòng chiến đấu gần 90.000 tên địch, thu và phá hủy toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh, kho tàng của chúng.
Cùng với thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng đã góp phần giải phóng một địa bàn chiến lược quan trọng, gồm 5 tỉnh đồng bằng ven biển tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nối liền với vùng mới giải phóng ở Tây Nguyên, tạo nên một hậu phương chiến lược hoàn chỉnh hơn. Với hậu phương mới được tạo ra, ta có điều kiện tốt hơn trong bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm cơ động lực lượng, đáp ứng yêu cầu tập trung lực lượng quy mô lớn cho giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong một thời gian ngắn.
Thắng lợi của chiến dịch Đà Nẵng hết sức to lớn. Ngay trong ngày 1.4.1975, Quân ủy Trung ương đã gửi điện khen bộ đội Mặt trận Quảng Đà: "Trong cao trào tiến công và nổi dậy mạnh mẽ của quân và dân toàn miền Nam, các đồng chí đã cùng đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hết sức vẻ vang. Nêu cao tinh thần dũng cảm, táo bạo, mưu trí, linh hoạt, các đồng chí đã tranh thủ thời cơ, liên tục tiến công, nhanh chóng thọc sâu, bao vây chia cắt, tiêu diệt địch, bắt nhiều tù binh, thu rất nhiều vũ khí, hỗ trợ đắc lực cho đồng bào nổi dậy giành quyền làm chủ...
Chiến công vang dội của các đồng chí và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã góp phần quan trọng đập tan một lực lượng quân sự lớn và bộ máy kìm kẹp của địch trên toàn bộ Quân khu 1 của chúng. Chiến công có ý nghĩa chiến lược và chính trị vô cùng quan trọng đó đã đẩy địch vào thế thất bại hết sức nghiêm trọng, không gì cứu vãn nổi, thúc đẩy thế tiến lên tất thắng của quân và dân ta".
Đại tá Nguyễn Huy Thục, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam), nhận định, chiến dịch Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng là chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị gấp là thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược và chính trị quan trọng. Quân dân ta đã đập tan hệ thống căn cứ quân sự to lớn gồm nhiều đơn vị sừng sỏ, có một phần lực lượng tổng dự bị chiến lược, cùng các loại vũ khí trang bị hiện đại của địch, gây cho địch tổn thất lớn về vật chất, kỹ thuật, tan rã về tổ chức, bế tắc về chiến thuật, chiến lược. Đây là đòn phủ đầu giáng vào kế hoạch phòng thủ co cụm của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung.
Giải phóng Huế, ta đã đập tan một trong những trung tâm phòng ngự cố thủ, án ngữ ở phía Bắc hệ thống bố trí chiến lược quân sự mới của địch, che chở bảo vệ cho trung tâm phòng ngự Quảng Nam - Đà Nẵng. Đà Nẵng giải phóng, chính quyền Sài Gòn đã mất đi "chiến địa cuối cùng”.
"Thắng lợi to lớn của ta, thất bại thảm hại của địch ở Huế và Đà Nẵng đã góp phần gây ra phản ứng dây chuyền, giáng một đòn mạnh vào tinh thần và sức chiến đấu của quân đội Sài Gòn và đẩy chúng lao nhanh hơn nữa đến suy sụp tinh thần và tổ chức", Đại tá Nguyễn Huy Thục nhận định.
Kết quả của chiến dịch Trị Thiên - Huế, chiến dịch Đà Nẵng đã làm thay đổi tương quan lực lượng địch - ta trên hướng tiến công chiến lược phía Bắc, cùng với đòn tiến công Tây Nguyên đã làm thay đổi so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta. Địch bị suy sụp lớn về tinh thần, đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn không gì có thể cứu vãn nổi, mở ra cho ta thời cơ, điều kiện mới giải phóng Sài Gòn - Gia Định và giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Theo Đại tá Nguyễn Huy Thục, sau cuộc tiến công giải phóng Huế và Đà Nẵng, ta có điều kiện thuận lợi để tập trung lực lượng cho trận quyết chiến cuối cùng và tổ chức lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Ta cũng thành lập được thêm cánh quân phía Đông mà lực lượng chủ yếu là Quân đoàn 2, tiến theo Đường 1 vào hội quân giải phóng Sài Gòn, tạo nên sức mạnh áp đảo quân địch từ mọi hướng để giành thắng lợi chắc chắn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.