Dịu dàng hơi thở mùa xuân

Bài thơ 'Mùa xuân' của Bình Nguyên Trang như một bức tranh dịu dàng và sống động về thời khắc giao mùa, khi mùa xuân vừa ghé thăm, mang theo những thay đổi kỳ diệu.

Mùa xuân
Trên cánh đồng trải dài màu xanh
Nghe hân hoan tiếng đập cánh con chim họa mi bay
theo hình dải lụa
Dường như đó là chiếc thắt lưng của nàng công chúa
Đêm qua vừa kịp đến làng
Mùa xuân bất ngờ sang từ một búp bàng
Như con mắt thức dậy sau ngàn ngày chờ đợi
Lạ lùng gió cứ nồng nàn tràn tới
Dường như đầy ắp cánh đồng...
Nghe trong lòng như có một quả chuông
Năm giờ sáng chợt ngân lên kỳ diệu
Trước sân nhà hoa đào hồng như má người say rượu
Còn chú mèo lười đi từ bếp ra sân
Bao mơ ước trở về trên đôi cánh mùa xuân
Trong giây lát mẹ dường như trẻ lại
Khi mẹ đứng trước thềm nhà gió thổi tung mái tóc
Em quàng chiếc khăn ngày bắt đầu đi học
Ngồi nói chuyện với chú mèo
Mùa xuân về bao mới mẻ mang theo
Sau cơn mưa mặt đất có phép màu
Nắng bừng sáng trong khu vườn lạnh lẽo
Và tiếng cười đang ở lại trong ngôi nhà, trong nồi bánh
đang reo...
BÌNH NGUYÊN TRANG

Bình Nguyên Trang là bút danh của nhà thơ Vũ Thị Quỳnh Trang (sinh năm 1977, quê ở Nam Định).

Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Chị sáng tác văn học từ rất sớm, là tác giả của nhiều tập thơ, truyện ngắn, ký chân dung...

Bài thơ “Mùa xuân” của Bình Nguyên Trang như một bức tranh dịu dàng và sống động về thời khắc giao mùa, khi mùa xuân vừa ghé thăm, mang theo những thay đổi kỳ diệu. Tác giả sử dụng lối viết giàu cảm xúc, kết hợp hình ảnh thơ tinh tế để gợi lên một mùa xuân đầy sức sống và niềm vui lan tỏa trong từng cảnh vật, từng khoảnh khắc đời thường.

Ngay từ những dòng đầu, bài thơ mở ra một khung cảnh đồng quê thanh bình, nơi cánh đồng xanh trải dài bất tận: "Trên cánh đồng trải dài màu xanh/ Nghe hân hoan tiếng đập cánh con chim họa mi bay theo hình dải lụa". Hình ảnh con chim họa mi bay lượn được ví như “chiếc thắt lưng của nàng công chúa” gợi lên sự mềm mại, duyên dáng, vừa thực vừa lãng mạn. Phép so sánh đầy chất mộng mơ này không chỉ làm giàu thêm tính hình tượng mà còn nhấn mạnh sự nhẹ nhàng, thanh khiết mà mùa xuân mang đến.

Khung cảnh thiên nhiên ấy còn được nhấn mạnh thêm qua hình ảnh búp bàng, biểu tượng của sự sinh sôi, tái sinh: "Mùa xuân bất ngờ sang từ một búp bàng/ Như con mắt thức dậy sau ngàn ngày chờ đợi". Chi tiết này không chỉ thể hiện sự chuyển giao của thời gian mà còn như một sự bừng mở của sức sống mới. Búp bàng nhỏ bé như “con mắt thức dậy sau ngàn ngày chờ đợi”. Đây là cách mà Bình Nguyên Trang gợi tả sức mạnh tiềm ẩn trong những điều giản dị của tự nhiên.

Không chỉ dừng lại ở hình ảnh, tác giả còn tạo ra một không gian tràn ngập âm thanh và cảm giác thật đặc biệt: "Lạ lùng gió cứ nồng nàn tràn tới/ Dường như đầy ắp cánh đồng"… Câu thơ mang đến sự rung động tinh tế trước sự giao hòa của thiên nhiên. Cơn gió không chỉ mang hơi ấm của mùa xuân mà còn thổi bừng sự sống mới lên từng ngọn cỏ, từng cánh đồng. Những từ ngữ như “nồng nàn”, “đầy ắp” không chỉ miêu tả mà còn làm người đọc cảm nhận được sự tràn trề, căng tràn nhựa sống.

Từ cảnh sắc thiên nhiên, bài thơ dần chuyển sang đời sống con người, nơi mùa xuân thấm đẫm trong từng khoảnh khắc bình dị: "Nghe trong lòng như có một quả chuông/ Năm giờ sáng chợt ngân lên kỳ diệu”. Âm thanh của “quả chuông” ấy là nhịp đập của niềm hân hoan, của những khởi đầu mới mà mùa xuân mang lại. Thời khắc buổi sớm mai với sự yên tĩnh bị phá vỡ bởi một âm vang nhẹ nhàng, tạo nên một không khí thật thiêng liêng và thanh khiết.

Tác giả cũng rất tinh tế khi đưa hình ảnh hoa đào trước sân nhà: “Trước sân nhà hoa đào hồng như má người say rượu/ Còn chú mèo lười đi từ bếp ra sân”. Màu hồng của hoa đào được so sánh với “má người say rượu”, vừa mang nét đẹp rực rỡ, tươi tắn, vừa phảng phất chút gì đó nồng nàn và say mê.

Điểm đặc biệt trong bài thơ là sự gắn bó của mùa xuân với những giây phút ấm áp của gia đình: “Bao mơ ước trở về trên đôi cánh mùa xuân/ Trong giây lát mẹ dường như trẻ lại”. Mùa xuân không chỉ mang lại sức sống cho thiên nhiên mà còn làm hồi sinh những cảm xúc trong mỗi người. Hình ảnh người mẹ đứng trước thềm nhà, mái tóc bay trong gió, như một biểu tượng của sự trẻ trung và yêu đời được mùa xuân khơi dậy.

Ở phần cuối bài thơ, Bình Nguyên Trang dẫn dắt người đọc vào một không gian tràn ngập niềm vui và sự sống: “Sau cơn mưa mặt đất có phép màu/ Nắng bừng sáng trong khu vườn lạnh lẽo/ Và tiếng cười đang ở lại trong ngôi nhà, trong nồi bánh đang reo…”. Cách diễn đạt “mặt đất có phép màu” không chỉ đơn thuần là miêu tả cảnh sắc sau mưa mà còn ngụ ý về sự tái sinh, hy vọng và những điều kỳ diệu mà mùa xuân mang lại. Nắng, tiếng cười, tiếng nồi bánh reo đều là những âm thanh ấm áp, khiến không gian gia đình trở nên gần gũi và đong đầy hạnh phúc.

Bài thơ sử dụng lối viết giản dị nhưng giàu hình ảnh và nhạc điệu. Những so sánh, ẩn dụ được sử dụng tinh tế để khắc họa một mùa xuân sống động cả về thị giác, thính giác lẫn cảm giác. Sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên và đời sống con người khiến bài thơ không chỉ dừng lại ở việc tả mùa xuân mà còn khơi gợi những cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

“Mùa xuân” của Bình Nguyên Trang không chỉ là một bức tranh tươi sáng về mùa xuân mà còn là bản hòa ca về những niềm vui giản dị trong cuộc sống. Qua từng câu chữ, tác giả truyền tải một thông điệp sâu sắc rằng mùa xuân không chỉ hiện diện trên cánh đồng, trong gió, trong hoa, mà còn trong chính tình cảm gia đình, trong niềm vui sống hằng ngày.

DƯƠNG CẦM

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/diu-dang-hoi-tho-mua-xuan-404539.html