Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Lai Châu

Chiều 30.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông' làm việc với UBND tỉnh Lai Châu. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa và các thành viên Đoàn giám sát.

Khó khăn về nguồn tuyển giáo viên các môn học mới

Báo cáo Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Lai Châu cho biết, học kỳ I năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 227 trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, 3.825 lớp, 112.566 học sinh, 7.960 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục phổ thông. Từ năm 2014 - 2022 số lượng học sinh tăng 23.947 em (19%), trong khi số lượng giáo viên giảm 1.228 người (12%).

UBND tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng ưu tiên, có chọn lọc, bổ sung từng bước bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng khối phòng học tập (phòng học, phòng học bộ môn: 7.261 phòng); khối phòng hỗ trợ học tập (thư viện, phòng thiết bị giáo dục: 338 phòng, phòng tư vấn học đường: 28 phòng); khối phục vụ sinh hoạt (210 nhà bếp, 176 nhà ăn, 1.196 nhà ở nội trú học sinh); khu phụ trợ; khu sân chơi, thể dục thể thao

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết, tỉnh có 20 dân tộc anh em sinh sống, trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Dù là tỉnh miền núi, biên giới, ngân sách khó khăn nhưng tỉnh luôn đầu tư lớn cho giáo dục và đào tạo

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết, tỉnh có 20 dân tộc anh em sinh sống, trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Dù là tỉnh miền núi, biên giới, ngân sách khó khăn nhưng tỉnh luôn đầu tư lớn cho giáo dục và đào tạo

Tuy nhiên, báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu cũng chỉ ra thực tế, một số cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận việc đổi mới còn chậm. Chất lượng giáo dục ở một số trường THCS vùng đặc biệt khó khăn, biên giới còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số trường còn thiếu và chưa đồng bộ, toàn tỉnh còn 98 phòng học tạm; thiếu giáo viên (đặc biệt là thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học), việc tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về nguồn tuyển nhất là các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho ngành Giáo dục, nhất là tự chủ về đội ngũ và tài chính; có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương sử dụng chung cho học sinh vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ Nội vụ giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022 - 2026 bảo đảm định mức số lượng người làm việc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần ban hành cơ chế bảo đảm sinh viên được đào tạo đặt hàng sau tốt nghiệp trở về địa phương (theo Nghị định số 116 các địa phương bố trí kinh phí để đặt hàng sinh viên sư phạm, nhưng chưa có cơ chế đảm bảo sinh viên được đào tạo đặt hàng sau tốt nghiệp trở về địa phương công tác)…

Khắc phục khó khăn để triển khai đúng lộ trình

Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của UBND tỉnh Lai Châu trong việc đầu tư nguồn lực, chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời ghi nhận một số kết quả ban đầu trên địa bàn tỉnh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa đề nghị làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát đặt ra, qua nghiên cứu Báo cáo của UBND tỉnh và làm việc với một số cơ sở giáo dục trên địa bàn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa đề nghị làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát đặt ra, qua nghiên cứu Báo cáo của UBND tỉnh và làm việc với một số cơ sở giáo dục trên địa bàn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát nhận thấy việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc: cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên; số giáo viên hiện có thiếu nhiều so với số biên chế được giao và so với định mức, trong đó thiếu nhiều giáo viên môn tiếng Anh, Tin học. Một số môn học chưa có giáo viên (Mỹ thuật và Âm nhạc ở cấp THPT) nên khó khăn trong việc nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa và triển khai chương trình.

Thiết bị dạy học chưa đồng bộ, còn thiếu thiết bị dạy học tối thiểu. Tỷ lệ đáp ứng thiết bị dạy học tuy được cải thiện dần qua từng năm học song vẫn còn thấp. Việc cung cấp thiết bị dạy học cho lớp 3, 7, 10 còn chậm. Việc in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10 cũng chậm tiến độ…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa băn khoăn việc thừa thiếu phòng học cũng như lãng phí cơ sở vật chất khi dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ

Đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Tỉnh Lai Châu đã quan tâm, bố trí ngân sách, cũng như huy động các nguồn lực để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ghi nhận những kết quả bước đầu trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông của Lai Châu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị UBND tỉnh rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản còn thiếu để tạo căn cứ cho ngành giáo dục triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; ưu tiên công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... bảo đảm đủ điều kiện để triển khai chương trình có hiệu quả...

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc làm việc

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc làm việc

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị UBND tỉnh Lai Châu nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn giám sát và hoàn thiện, bổ sung báo cáo gửi Đoàn giám sát. Khẳng định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Lai Châu tiếp tục nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới.

Ưu tiên kiên cố hóa trường lớp và chủ động giải quyết vấn đề giáo viên

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phát triển giáo dục nói chung, Lai Châu cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh “3 không”: không có bất kỳ đại học, phân hiệu đại học và trường sư phạm nào, khó khăn cho đào tạo nhân lực tại chỗ và hỗ trợ giáo dục phổ thông; không có trường quốc tế; không có trường phổ thông tư thục (chỉ có 1 trường mầm non tư thục). Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng khác, khiến cho đổi mới giáo dục của tỉnh thêm khó khăn. Do đó, thời gian tới, cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, trong lúc khó khăn về ngân sách, trước khi kêu gọi Trung ương thêm, tăng, bù, hỗ trợ, tỉnh cần bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục. Ưu tiên kiên cố hóa trường học và chủ động giải quyết vấn đề giáo viên, đặc biệt là giáo viên Tin học, Ngoại ngữ.

Cho rằng Lai Châu có nhiều thách thức, khó khăn nhưng cũng có những lợi thế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh không nóng vội, "không đổi mới vì thành tích mà đi theo thực chất". Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị tỉnh không nên chờ đầy đủ mọi thứ mới thực hiện đổi mới, đặc biệt, cần tự tin, sáng tạo hơn trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa...

Ng. Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-lam-viec-voi-ubnd-tinh-lai-chau-i320898/