Doanh nghiệp cần chiến lược rõ ràng để khai thác thương mại điện tử xuyên biên giới

'Dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục bùng nổ của thị trường thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển, việc dự báo và nắm bắt những xu hướng mới sẽ là chìa khóa quan trọng để DN thành công, gia tăng khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng mục tiêu', ông Đào Minh Chánh – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết.

Việt Nam hiện đang là điểm sáng trong xu hướng TMĐT mới thể hiện rõ nhất qua kim ngạch XK tăng trưởng vượt bậc so cùng kỳ. Quý I/2024, kim ngạch XK đạt 93,06 tỷ USD (tăng 17% so cùng kỳ 2023) và đạt mức cao nhất giai đoạn 2021-2022. Bên cạnh đó, Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất nổi bật ở châu Á, nổi tiếng thế giới với các ngành XK nội thất gỗ, dệt may, giày dép, hải sản, gạo, cà phê.

Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) với DN trên cả nước cho thấy, lĩnh vực TMĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn từ năm 2023 - 2025. Theo ông Đào Minh Chánh, các DN ngày càng nhận thức sâu hơn về việc tham gia TMĐT để mở rộng tiếp cận với khách hàng tiềm năng và tăng doanh số bán hàng. Sự tiến bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin đã khiến cho thị trường kinh doanh của DN không còn bị ràng buộc bởi vị trí địa lý, mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu.

Sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận được thị trường quốc tế khi bán trên sàn thương mại điện tử.

Sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận được thị trường quốc tế khi bán trên sàn thương mại điện tử.

Đồng hành cùng DN, hiện cũng đã có nhiều hoạt động TMĐT xuyên biên giới hỗ trợ DN để đưa hàng Việt tiếp cận nhanh chóng với thị trường, với người tiêu dùng (NTD) thế giới như: bán hàng qua Amazon (mô hình B2C - DN bán hàng trực tiếp đến NTD cuối cùng), Alibaba (mô hình B2B – DN bán hàng cho DN, nhà buôn)...

Chia sẻ về câu chuyện kinh doanh của mình trên nền tảng TMĐT, bà Đoàn Trần Thùy Linh, người sáng lập Công ty CP SX&TM Kim Cương Xanh (chuyên cung cấp sản phẩm cà phê) cho biết, từ năm 2016 công ty bán hàng trên các sàn TMĐT Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Amazon và đến năm 2019 bán sỉ trên Alibaba theo hình thức B2B. Nhờ kinh doanh thành công, đơn vị cũng đã mở thêm công ty chuyên về hàng thủ công mỹ nghệ bán qua TMĐT. Từ kinh nghiệm thực tế của mình, bà Linh chỉ ra những lỗi thường gặp khi các DN bán hàng TMĐT: Đó là áp dụng tư duy mô hình kinh doanh B2C cho mô hình kinh doanh B2B, dẫn đến đặt mục tiêu sai và làm sai cách. DN đánh giá sai vai trò của B2B và B2C trong cơ cấu doanh thu, dẫn đến việc phân bổ nguồn lực và sự đầu tư khác nhau giữa hai bên. Người bán chưa hiểu rõ thị trường và đối thủ cũng như có suy nghĩ B2B không cần độ nhanh nhạy, nên không đầu tư vào nghiên cứu thị trường và cập nhật các xu hướng mới. Vì vậy, để bán hàng thành công trên TMĐT, DN phải có những kỹ năng cần thiết như: Biết cách đăng tải sản phẩm, tối ưu trang sản phẩm; hiểu về cách thức vận hành của sàn TMĐT; biết đọc dữ liệu, phân tích dữ liệu, khai thác dữ liệu.

Đến nay, đã có hàng ngàn DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa của Việt Nam đã XK trực tuyến qua Alibaba, tiếp cận đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản phẩm của hơn 40 ngành hàng lớn. Trong đó, đứng ở top đầu thuộc ngành thực phẩm, đồ uống, làm đẹp, nông nghiệp… Đặc biệt, Alibaba sử dụng Smart Assistant, một công cụ TMĐT tiên tiến sử dụng dữ liệu trong và ngoài nền tảng để phân tích sản phẩm của DN, cung cấp thông tin và đề xuất thị trường, đồng thời tạo ra những phân tích sâu sắc về kinh doanh để DN có thể nắm bắt nhiều cơ hội trong ngành hơn và tối ưu hóa hoạt động sản xuất của DN.

Bà Trương Thị Bình, Phó Giám đốc kinh doanh mảng Goexport – Công ty Mediastep Software Việt Nam cho rằng, hoạt động kinh doanh trực tuyến đang phát triển cực kỳ nhanh chóng so với kênh truyền thống. Nhìn chung nhà bán hàng Việt Nam đang thu hút nhiều nhà mua hàng quốc tế, hằng ngày có khoảng 23,2% nhà mua hàng gửi tin nhắn, thư hỏi hàng. Đặc biệt, nhà mua hàng quốc tế ưu tiên tìm nguồn cung trực tuyến. Đáng chú ý, trên Alibaba.com, nhà mua hàng quốc tế thường quan tâm nhiều đến các sản phẩm của nhà bán hàng Việt Nam, chủ yếu các ngành hàng như: Làm đẹp, máy móc xây dựng, nội thất, ôtô và xe máy, năng lượng tái tạo, nhà và sân vườn, thực phẩm và đồ uống…

Tương tự, sàn TMĐT Amazon cũng đã hỗ trợ DN Việt tiếp cận trực tiếp khách hàng ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Võ Thanh Tòng, Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Vietnam cho biết, giá trị XK của DN Việt bán hàng trên Amazon tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng 40%. Hiện, những nhóm ngành hàng bán chạy nhất trên Amazon của DN Việt gồm: Nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc, làm đẹp.

Ông Đào Minh Chánh khẳng định, thị trường XK toàn cầu đang mở ra những cơ hội lớn cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công trong thị trường cạnh tranh này, các DN cần phải có một chiến lược rõ ràng và hiệu quả, bao gồm việc sử dụng các công cụ marketing hiện đại và phù hợp để thu hút và giữ chân khách hàng. Các công cụ này có thể bao gồm các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội, email marketing, website chuyên nghiệp… Bằng cách tận dụng các công cụ này một cách thông minh, các DN có thể tạo ra sự chú ý đến sản phẩm và dịch vụ của mình trên thị trường quốc tế, từ đó tăng cơ hội bán hàng và mở rộng doanh số.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-can-chien-luoc-ro-rang-de-khai-thac-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-i732056/