Doanh nghiệp hàng không tư nhân kỳ vọng lớn từ 'cú hích' Nghị quyết 68
Theo các chuyên gia, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân là 'cú hích' chính sách mà doanh nghiệp hàng không rất kỳ vọng.
Đổi mới để hút doanh nghiệp tư nhân tham gia hàng không
Tại giao lưu trực tuyến về Nghị quyết 68 và cơ hội của các hãng bay tư nhân Việt Nam do Tạp chí Hàng không tổ chức sáng 10/7, các chuyên gia nhận định: Nếu được triển khai đúng tinh thần Nghị quyết 68, hàng không tư nhân sẽ bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, thông tin: “Hàng không tư nhân hiện đang góp phần rất quan trọng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế xã hội. Hiện tại, thị phần đã chiếm quá 50%. Và tôi tin rằng trong những năm tới, sẽ còn có nhiều hãng hàng không tư nhân khác tham gia thị trường”.
Chính vì thế, theo ông Nam, để giúp ngành vận tải hàng không Việt Nam phát triển, cùng đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, trên tinh thần của Nghị quyết 68, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp hàng không tư nhân nói riêng mong muốn có một cơ chế, môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi.
Ông Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có dư địa tăng trưởng hàng không rất lớn, ước tính có thể tăng hơn 10% so với hiện tại, Nhà nước nên chủ động mời gọi, tạo cơ chế thuận lợi để tư nhân tự tin đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng hàng không Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. (Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhấn mạnh: Nghị quyết 68 là bước đột phá về tư duy chính sách tạo ra 1 khung pháp lý, khẳng định tầm nhìn cấp cao nhất về phát triển kinh tế tư nhân, đó là việc bảo đảm cho kinh tế tư nhân bình đẳng trong việc tiếp cận kinh doanh. Hiện doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nghiệp hàng không tư nhân nói riêng rất cần sự bình đẳng trong vận hành.
"Đây là điều cực kỳ quan trọng.Doanh nghiệp tư nhân cần được tiếp cận các chính sách tín dụng như doanh nghiệp Nhà nước, không bị phân biệt trong điều kiện vay, thời hạn hay bảo lãnh. Nếu cùng cung cấp một dịch vụ, cùng khai thác một đường bay thì không lý do gì doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi còn doanh nghiệp tư nhân lại không.
Hay như phải đấu thầu công khai, minh bạch, để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tiếp cận và cạnh tranh công bằng trong đầu tư phát triển hạ tầng hàng không.
Ngoài ra, cần sự bình đẳng trong tiếp nhận thông tin và cơ hội khai thác đường bay, không nên để các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong một không gian thiếu thông tin hoặc bị động.
Cuối cùng, là cần bình đẳng trong thanh tra, kiểm tra. Nếu có hoạt động kiểm tra, giám sát thì phải đảm bảo khách quan, đúng quy định, không tạo áp lực không cần thiết cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tư mở rộng hoặc vừa mới đi vào hoạt động”, ông Dũng dẫn giải.
Để việc tham gia đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực hàng không hiệu quả hơn, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: Chúng ta cần thử nghiệm và thay đổi.
Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không dân dụng, cần sớm sửa đổi các quy định theo hướng chuyển từ "quản lý cấp phép" sang "quản lý hậu kiểm". Cơ chế hiện tại đang quá chặt, không khuyến khích sáng tạo hay chủ động.
Cần bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, mang tính cản trở cạnh tranh. Chẳng hạn như các quy định quá ngặt nghèo về vốn điều lệ, số lượng tàu bay tại thời điểm cấp phép, hay tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong hãng hàng không.
Những điều kiện này không còn phù hợp với thực tiễn, và nếu không điều chỉnh, sẽ tiếp tục kìm hãm sự tham gia của các nhà đầu tư mới, đặc biệt là khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế.
“Chúng ta cần có một mô hình thể chế thử nghiệm phù hợp cho các hãng hàng không mới, để khuyến khích đổi mới sáng tạo một cách lành mạnh và thực chất”, ông Dũng nêu quan điểm.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều mô hình mới như taxi bay, máy bay điện, và các công nghệ vận tải hàng không hiện đại khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta chưa có khung pháp lý thử nghiệm phù hợp, trong khi các quy định hiện hành lại đặt ra tiêu chuẩn quá cao, khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận. Vì vậy, rất cần sửa đổi thể chế để tạo điều kiện cho đổi mới.
Chúng ta không nên duy trì tất cả những điều kiện kinh doanh ngặt nghèo như hiện nay. Thay vào đó, cần giữ lại những điều kiện thực sự cần thiết, đặc biệt là các yêu cầu liên quan đến an toàn hàng không - đây là yếu tố không thể thỏa hiệp.
Còn những điều kiện như vốn đầu tư tối thiểu vào hạ tầng sân bay, nhà ga, dịch vụ mặt đất…,rõ ràng không cần thiết phải bắt buộc áp dụng cứng nhắc cho mọi doanh nghiệp. Việc này vô tình làm khó doanh nghiệp mới và cản trở dòng vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không.
Kỳ vọng Nghị quyết 68 tháo bỏ rào cản
Theo bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), Nghị quyết 68 có ý nghĩa mạnh mẽ với nhiều ngành trong đó có ngành hàng không, bởi đây là một ngành đòi hỏi vốn, công nghệ, kỹ thuật cao, tư duy chiến lược. Ngoài ra, Nghị quyết 68 cũng có những điểm nhấn việc xử lý độc quyền, cải cách hành chính. Đây là mong mỏi rất lớn của ngành hàng không trong việc tháo bỏ những rào cản.
Theo bà Hương, thị trường hàng không Việt Nam có khoảng 7 hãng bay thương mại, trong đó có 1 hãng bay tư nhân sắp tham gia đó là Sun Phu Quoc Airways. Nếu bay chuyên biệt có 4-5 hãng bay, trong đó có Vietnam Airlines; Vietjet Air; Jetstar Pacific Airlines; Bamboo Airways; Vietravel Airlines.
“Nếu bay giá rẻ thì còn khá thấp nếu so với các nước khác. Với thị trường nội địa 100 triệu dân, tiềm năng của thị trường hàng không Việt Nam còn khá lớn. Vì vậy, với sự đột phá của nghị quyết 68 thì ngành hàng không sẽ có những bước đột phá sắp tới”, bà Hương nói.
Về bức tranh tổng thể của thị trường vận chuyển hành khách hàng không Việt Nam hiện nay, ông Lương Hoài Nam cho rằng, nhìn vào tình hình hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam hiện nay đang rất tốt. “Nhìn chung, thị trường nội địa đang là bức tranh đẹp. Nửa đầu năm nay, khách nước ngoài tới Việt Nam nhiều hơn so với cả năm 2016. Năm nay, mong muốn đạt 22 – 23 triệu khách du lịch đến với Việt Nam, trong đó 70 - 80% khách đi máy bay là đi du lịch, đây là điểm sáng cho ngành du lịch và hàng không.
Tuy nhiên, giống như trường hợp sân bay Vân Đồn, hay Phú Quốc, dù có sự tham gia quản lý của doanh nghiệp tư nhân như Sun Group, nhưng cơ sở hạ tầng sân bay vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ. Vì vậy, trong tương lai, cần có thêm nhiều nhà đầu tư tham gia, để tạo ra một hệ thống sân bay hiện đại, đồng bộ và thực sự vận hành hiệu quả", ông Nam nêu quan điểm.