Doanh nghiệp không thể đơn độc chống hàng giả
Áp dụng chế tài đủ sức răn đe để chống hàng giả, giải quyết các vấn đề về tranh chấp sở hữu trí tuệ... là mong mỏi của doanh nghiệp trong hành trình phát triển chân chính.
Tọa đàm "Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp" do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng ngày 10-7 đã ghi nhận nhiều ý kiến quan trọng từ các sở, ban ngành, hiệp hội và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không muốn cô đơn trong cuộc chiến chống hàng giả, thông tin giả
Đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh, luật sư Trương Anh Tú cho biết, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng gian là một quá trình nhiều gian truân.
"Thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện những đơn vị đăng ký nhãn hiệu sản xuất hàng hóa gần giống 100% sản phẩm của chúng tôi. Thậm chí khi hỏi AI (trí tuệ nhân tạo): Bạn hãy phân tích hai nhãn hiệu này giống và khác nhau thế nào trên cơ sở pháp lý Việt Nam và quốc tế. AI trả lời rất nhanh và có cơ sở pháp lý rất rõ ràng. Thế nhưng hai năm qua chúng tôi gõ cửa cơ quan trung ương, cơ quan tài phán địa phương thì lại không có được đáp án" - ông Tú bày tỏ.
Cũng theo vị này, chỉ để tìm câu trả lời cho câu hỏi đơn giản "thế nào là tương tự gây nhầm lẫn?" mà Nhựa Bình Minh đã mất thời gian hai năm.

Luật sư Trương Anh Tú, đại diện pháp lý Công ty CP Nhựa Bình Minh. Ảnh: THUẬN VĂN
"Doanh nghiệp giải quyết hai năm nữa vẫn chưa xong một đối tượng, nếu một đối tượng mới xuất hiện chúng tôi lại phải mất thêm mấy năm để đấu tranh nữa. Con đường chúng tôi đã gầy dựng 50 năm. Thay vì họ phải sinh tử trên con đường khởi nghiệp thì lại nhảy chân sáo trên con đường hoa hồng sẵn có của chúng tôi, giành thành quả lao động công sức trí tuệ của chúng tôi một cách đơn giản”- Luật sư Tú tâm tư.
Theo ông Tú, Nhựa Bình Minh trải qua thời gian dài mới có được sự tin dùng của khách hàng. Thế nhưng một số đối tượng làm ăn không chân chính đã lợi dụng uy tín thương hiệu, đi đăng ký nhãn hiệu gần giống, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.
“Điều này làm chúng tôi không chỉ mất thị phần, doanh thu mà còn ảnh hưởng nặng nề vì công ty phải vừa lo đảm bảo sản xuất hàng hóa tốt vừa phải đấu tranh giữ gìn thương hiệu” - ông Tú nhấn mạnh.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành công ty TNHH thời trang Nón Sơn chia sẻ trải qua 30 năm kiên trì chống chọi với vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, ông nhận ra hiện nay vấn đề này chỉ xử lý phần ngọn chứ chưa đánh vào phần gốc.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành công ty TNHH thời trang Nón Sơn. Ảnh: THUẬN VĂN
"Luật hình sự và hành chính đã quy định nhưng vẫn thiếu bốn yếu tố quan trọng.
Thứ nhất là cần quản lý tiền khai, khởi nghiệp. Một doanh nghiệp trước khi kinh doanh lĩnh vực gì sẽ làm hồ sơ khởi nghiệp, vậy khi khởi nghiệp lĩnh vực gì cần có mã định danh.
Thứ hai là tâm lý doanh nghiệp. Thông thường, doanh nghiệp thấy vấn nạn hàng gian, hàng giả tràn lan lại đổ cho cơ quan quản lý thị trường và cảnh sát kinh tế. Tuy nhiên điều này là sự nhầm lẫn. Nếu muốn xử lý được hàng gian, hàng giả cần phải đồng lòng từ cơ quan trung ương đến địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba là vấn đề về pháp chế, cần tuyên truyền cho công ty khởi nghiệp nắm rõ về luật pháp, phân biệt được hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng thế nào tới cộng đồng.
Thứ tư là cần đưa ra đưa ra quy định xử lý hành vi làm hàng gian, hàng giả. Những tài liệu về khái niệm và mức xử lý về hàng gian, hàng giả cần đưa vào các trường học. Các sinh viên khi ra trường phải tiếp nhận được các thông tin này trước khi khởi nghiệp.
Ông Dương Minh Quang, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ, mỗi ngày siêu thị có hơn 1 triệu lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm.
Ông Dương Minh Quang, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op
Saigon Co.op luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cán bộ nhân viên, đơn vị trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; và trách nhiệm của các đơn vị là đối tác của Saigon Co.op trong việc đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.
Doanh nghiệp quản lý từ nguyên liệu đầu vào, sản phẩm muốn đưa ra thị trường cần phải có pháp lý đi theo, cụ thể là phải hồ sơ công bố và các tiêu chuẩn chất lượng.
"Tiêu chí của Saigon Co.op trong hoạt động kinh doanh là chúng tôi phải đóng vai trò gác cửa, kiểm soát đầu vào chặt chẽ. Mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, tránh hoàn toàn sai sót trong quản lý chất lượng.
Chúng tôi còn cùng với các nhà cung ứng tổ chức các lớp học, phổ biến về pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức của tất cả nhà cung ứng.
Trước khi bày bán sản phẩm trong hệ thống, chúng tôi phải đi đến nhà sản xuất để xem quy trình, nguyên liệu có đúng là nằm trong vùng an toàn hay không. Điều này nhằm đảo bảo thực tế vùng trồng với hồ sơ đầu vào của doanh nghiệp là một" - ông Dương Minh Quang nói.
Nâng cao trách nhiệm của các bên
Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết, chúng ta thường nói hàng nhái nhưng Luật không quy định thế nào là hàng nhái, chỉ khi có bên thứ ba giám định đó là hàng giả, hàng nhái thì mới khẳng định được. Người tiêu dùng nếu thấy sản phẩm bị xâm phạm hình ảnh cũng chưa thể khẳng định đó là hàng giả vì không có cơ sở pháp lý.
Thêm vào đó, người dân còn e ngại các thủ tục liên quan tới việc khiếu nại, tố cáo. Điều này khiến cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chưa được dẹp hết.
“Do đó, chúng tôi cũng đặt hàng cho các nhà làm luật phải làm rõ khái niệm hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cơ quan nào quyết định được thông tin đó là hàng giả để người tiêu dùng hiểu và có cơ sở báo cáo. Qua đó, giúp doanh nghiệp làm ăn chân chính vừa thực thi pháp luật nghiêm minh, vừa tạo động lực phát triển thương hiệu lớn mạnh.
Cạnh đó, cơ quan chức năng các hiệp hội, truyền thông báo chí cũng cần tuyên truyền, quảng bá hơn nữa các địa điểm bán hàng thật, các doanh nghiệp thật, chân chính để người tiêu dùng an tâm mua sắm” - ông Hồng góp ý.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Với vai trò của hội, chúng tôi đã và đang thực hiện các hoạt động truyền thông, hành động chung tay bảo vệ hàng thật, quyết tâm nói không với hàng giả. Xin nhấn mạnh rằng người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản đã được pháp luật quy định rõ ràng. Khi phát hiện hoặc mua phải hàng giả, người tiêu dùng hoàn toàn có thể gọi đến tổng đài của lực lượng quản lý thị trường hoặc liên hệ với hội để được hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM

Người dân tham quan, tìm hiểu thông tin về sản phẩm vi phạm tại Phòng trưng bày của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước. ẢNH: A.H
Phân tích thêm từ khía cạnh hoạt động quảng cáo, ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM (HAA) chỉ ra nhiều đối tượng quảng cáo hàng giả, hàng nhái sai sự thật, khiến ngành quảng cáo bị mang tiếng xấu.
Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử, đặc biệt là hình thức bán hàng qua livestream. Tuy nhiên, hình thức này cũng bộc lộ nhiều thách thức, nổi cộm là tình trạng KOL, KOC quảng cáo sai sự thật, không đúng thành phần sản phẩm hay đăng tải những nội dung không đúng quy định pháp luật. Thậm chí, nhiều trường hợp đã dẫn đến việc bị khởi tố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cá nhân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch HAA. Ảnh: THUẬN VĂN
Tuy nhiên, mới đây Luật Quảng Cáo vừa thông qua đã quy định quyền trách nhiệm của KOL, KOC trước khi quảng cáo tìm hiểu rõ sản phẩm dịch vụ mình quảng cáo và chịu trách nhiệm pháp lý. Vì vậy, thời gian tới các KOLS sẽ ý thức hơn chứ không tràn lan quảng cáo quá lố như thời gian qua.
Ông Đảo nhấn mạnh Luật An toàn thực phẩm, Luật sở hữu trí tuệ cũng có quy định rõ liên quan đến quảng cáo, và Nghị định 98 đã nêu các mức xử phạt đối với quảng cáo sai sự thật. Với hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ như hiện nay, ông Đảo kỳ vọng thị trường quảng cáo thời gian tới sẽ được cải thiện.
"Đối với chế tài quảng cáo sai sự thật, chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị điều chỉnh theo hướng tăng nặng. Hội đang tổ chức cuộc thi livestream "Đấu trường chốt đơn - StudentLive". Bên cạnh đào tạo kỹ năng livestream, bán hàng chúng tôi còn có những hội thảo tuyên truyền kiến thức pháp luật về quảng cáo, thương mại điện tử để khi các bạn vào ngành nắm thông tin, tránh vi phạm pháp luật" - ông Đảo nói.
Vị Chủ tịch HHA cũng nhấn mạnh, muốn ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, thông tin giả…cần sự chung tay của cả hệ thống từ chính doanh nghiệp sản xuất, cơ quản lý nhà nước và cả người tiêu dùng.
Cần có thêm kênh thông tin về hàng nhái, hàng giả
Theoông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM, ngoài kênh chia sẻ thông tin của cơ quan quản lý thị trường và các lực lượng trong công tác chống hàng gian, hàng giả cần thêm nhiều nhiều kênh thông tin từ báo chí và người dân phản ánh tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM
Thực tế cho thấy khi người tiêu dùng mua một sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì họ chỉ không sử dụng, không mua sản phẩm đó nữa chứ không có thói quen báo lên cơ quan quản lý.
"Chúng tôi luôn công bố công khai số điện thoại đường dây nóng của Chi cục quản lý thị trường và các đội quản lý thị trường ở địa bàn để người dân có thể gửi khiếu nại, tố giác. Chúng tôi khuyến khích người dân mang trực tiếp sản phẩm được cho là hàng gian, hàng giả đến để chúng tôi có cơ sở kiểm tra, xác minh và xử lý" - ông Huy nói.
Ông Huy nhận định cơ quan quản lý nhà nước phải ban hành những chỉ đạo, kế hoạch chống hàng gian, hàng giả. Cùng với đó, doanh nghiệp phải đẩy mạnh tính cạnh tranh bằng cách bảo vệ sản phẩm, hàng hóa mình tạo ra và người tiêu dùng phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng thông qua việc phản ánh mạnh mẽ những nơi mua bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-khong-the-don-doc-chong-hang-gia-post859672.html