Doanh nghiệp lo ngại khi Mỹ áp thuế mới cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam

Chính sách thuế mới do Tổng thống Donald Trump công bố đang đặt các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trước thách thức lớn. Với mức thuế nhập khẩu cơ bản 10% và thuế đối ứng lên tới 46% đối với Việt Nam, hàng loạt ngành như đồ gỗ nội thất, dệt may, điện tử, thép, thủy sản, hạt điều… chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt đang trở nên khó khăn hơn.

Doanh nghiệp trong ngành dệt may sẽ chịu tác động lớn từ việc áp dụng mức thuế mới của Mỹ.

Doanh nghiệp trong ngành dệt may sẽ chịu tác động lớn từ việc áp dụng mức thuế mới của Mỹ.

Giảm sức hút, sức cạnh tranh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 119,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch các ngành xuất khẩu chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm trước, chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, chiếm 18,4%; xuất khẩu dệt may đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 13,5% tỷ trọng xuất khẩu…

Ngay sau khi có thông tin Mỹ áp dụng thuế với các sản phẩm nhập khẩu từ doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (TCM), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Với thuế suất chung cho Việt Nam lên đến 46%, đa số doanh nghiệp dệt may bày tỏ lo lắng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu dùng hàng Việt tại Mỹ và khiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm sút trong thời gian tới.

“Ngay trong sáng 3/4, TCM đã có cuộc họp với khách hàng Mỹ để thông tin tình hình và thương lượng lại chính sách giá cả đã ký trước đó. Đa số doanh nghiệp Mỹ đều bày tỏ tinh thần là chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp có 90% kim ngạch xuất khẩu đến từ Mỹ”, ông Trần Như Tùng nói.

Tương tự, ông Mã Thành Danh, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn quốc tế CIB cho biết, việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng khi xuất khẩu sang Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các ngành mà hàng hóa chủ lực đang phải chịu mức thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ.

Theo đó, những ngành như điện tử, dệt may, giày dép, nông sản và hàng chế biến… sau khi áp dụng thuế đối ứng của Mỹ giá thành sản phẩm của các ngành này có thể tăng lên, ảnh hưởng đến khả năng khả năng cạnh tranh, giảm sức hút của các sản phẩm trên thị trường Mỹ, từ đó tác động đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Mã Thành Danh, mức độ ảnh hưởng tới từng ngành sẽ khác nhau, tùy theo khả năng thích ứng của các doanh nghiệp. Để thích ứng với quy định này của Mỹ, trước mắt các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam buộc phải điều chỉnh chuỗi giá trị, đổi mới công nghệ …

Mở rộng tìm kiếm thị trường mới

Ông Mã Thành Danh cho biết, trước mắt, để đối phó với tình hình áp thuế của Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã tìm hướng mở rộng thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để tìm kiếm các thị trường thay thế hoặc tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước khác.

Mặt khác, các doanh nghiệp có thể chủ động chuyển dịch một phần quá trình sản xuất hoặc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giảm bớt tác động của thuế quan từ Mỹ đang áp dụng.

Mỹ là một thị trường sáng cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam và cũng chịu áp lực khi Mỹ áp dụng mức thuế mới.

Mỹ là một thị trường sáng cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam và cũng chịu áp lực khi Mỹ áp dụng mức thuế mới.

“Để thích ứng, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tiếp tục tối ưu hóa sản xuất để giảm chi phí. Đặc biệt, doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh phát triển các thị trường mới, đặc biệt là thị trường châu Âu thông qua các hiệp định thương mại như EVFTA. VITAS thường xuyên chia sẻ thông tin và định hướng cho các doanh nghiệp thông qua các kênh như tạp chí, hội thảo, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp cần chuyển hướng sang các thị trường mới như châu Âu, tập trung vào các mặt hàng ít cạnh tranh hơn”, ông Trần Như Tùng đề xuất.

Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: Các doanh nghiệp đều bị sốc, bởi mức thuế chung cho Việt Nam cao tới mức "không thể tưởng tượng được". Nếu mức thuế cao như vậy vẫn được duy trì, xuất khẩu sụt giảm, dòng vốn FDI vào Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ giảm, từ đó có tác động tiêu cực lớn đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% của Việt Nam trong năm 2025. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước phải nỗ lực tìm mọi biện pháp để ứng phó.

"Trước tình hình này, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cần phải nhanh chóng tìm kiếm các thị trường mới như: Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á để thay thế thị trường Mỹ. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng do quy mô thị trường nhỏ hơn và khó khăn trong việc làm ăn với các đối tác mới. Song song đó, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản xuất, điều chỉnh mẫu mã sản phẩm và kết nối với các chuỗi giá trị khác để cùng nhau tìm kiếm thị trường. “Các cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục đàm phán với phía Mỹ để tìm giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, cần phải có các biện pháp tạm thời như tìm việc làm tạm thời cho công nhân, điều chỉnh sản xuất để duy trì hoạt động của doanh nghiệp”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, theo khảo sát trong quý 1, có tới 37% doanh nghiệp thiếu các đơn hàng mới; 38% doanh nghiệp có giá nguyên liệu đầu vào tăng; 50% doanh nghiệp khó do nhu cầu tiêu dùng suy giảm; 39% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh và 20,7% doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động… Ngay sau khi có thông tin Mỹ áp dụng thuế suất mới, sắp tới các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

"Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Hiệp hội sẽ nắm bắt thông tin tình hình áp dụng thuế đối với từng ngành nghề để có giải pháp phù hợp. Hiệp hội sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị… để doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ các khó khăn vướng mắc và đưa ra những giải pháp hiệu quả để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngoài ra, Hiệp hội sẽ phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, sản phẩm mới… để nâng cao sức canh tranh khi xuất khẩu", đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết.

Bài, ảnh: Hải Yên - Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-lo-ngai-khi-my-ap-thue-moi-cho-cac-san-pham-nhap-khau-tu-viet-nam-20250403114857587.htm