Doanh nghiệp tận dụng 'khoảng lặng' 90 ngày ứng phó với mức thuế của Mỹ
Ngay sau khi Mỹ công bố tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhanh chóng tận dụng 'khoảng lặng 90 ngày' để đẩy mạnh sản xuất, tăng tốc giao hàng, đồng thời lên phương án ứng phó trong dài hạn nếu chính sách thuế quan được kích hoạt trở lại.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước và khu vực thuế quan vào Mỹ. Trong sắc lệnh này, Việt Nam thuộc nhóm nước phải chịu mức thuế đối ứng riêng cao nhất (lên tới 46%).
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ngay lập tức có những bước đi chủ động, tích cực và sáng tạo để phản ứng trước chính sách thuế quan này của Mỹ. Đến ngày 9/4, Mỹ tuyên bố tạm hoãn các mức thuế riêng này 90 ngày với hầu hết các đối tác để mở đường cho các cuộc đàm phán song phương.
Mặc dù vậy, nguy cơ về thuế đối ứng ở thị trường Mỹ vẫn rất phức tạp và khó lường, dẫn tới những rủi ro và thách thức lớn cho xuất nhập khẩu nói riêng và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế đối ứng của Mỹ, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã khẩn trương tổ chức hội thảo thị trường ngay sau động thái của Washington nhằm cập nhật tình hình, xây dựng các kịch bản ứng phó.
Theo ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, sau khi Mỹ công bố lộ trình áp thuế vào ngày 3/4, nhiều khách hàng đã tạm dừng đơn hàng khiến thị trường chững lại. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, khi Tổng thống Trump thông báo tạm hoãn áp dụng, khách hàng ngay lập tức thúc ép tiến độ sản xuất, yêu cầu hoàn tất các đơn hàng trong vòng 90 ngày tới.
Vinatex cũng đang tích cực đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ rủi ro, đồng thời tìm kiếm thị trường mới, nguồn nguyên phụ liệu thay thế, tối ưu hóa quy trình quản trị và kích hoạt cơ chế phối hợp toàn hệ thống như thời kỳ COVID-19.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex phát biểu tại hội thảo thị trường với sự tham gia của lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thành viên, các ban chức năng.
Dù Mỹ đang cân nhắc mức thuế đối ứng lên tới 46% với hàng dệt may Việt Nam – cao hơn nhiều so với dự báo, lãnh đạo Vinatex vẫn đánh giá chênh lệch này thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và không quá cao so với các đối thủ cạnh tranh khác. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tính đến phương án gia tăng sử dụng nguyên liệu bông Mỹ để cân đối cán cân thương mại, hỗ trợ quá trình đàm phán với phía Mỹ.
Trước những diễn biến mới của chính sách thuế quan toàn cầu, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường đã có những chia sẻ chân thành và kịp thời với người lao động toàn tập đoàn.
Theo ông Trường, đây là giai đoạn đặc biệt, toàn hệ thống cần giữ vững tinh thần bình tĩnh, sẵn sàng lao động sản xuất với hiệu suất cao nhất trong 90 ngày tới, tối đa hóa sản lượng, quyết tâm về đích đơn hàng quý II.
Ông kêu gọi người lao động, cán bộ quản lý của tập đoàn bình tĩnh, sáng suốt, tin tưởng vào sự lãnh đạo của tập đoàn, lãnh đạo của các doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất tốt nhất để vượt qua khó khăn.
Song hành với hoạt động sản xuất, Vinatex cũng đề nghị và kêu gọi cùng với Công đoàn Diệt May Việt Nam phát động tháng công nhân 2025 với khí thế thi đua sản xuất, về đích đúng hạn các đơn hàng quý II.
"Năng suất, chất lượng, sản lượng trong giai đoạn này có thể nói là bài toán trước mắt chúng ta cần phải đạt được để bảo đảm hiệu quả của năm 2025 giữ được khách hàng, giữ được niềm tin và vị trí trong chuỗi cung đứng.
Sau 90 ngày hoãn thuế, có thể có nhiều chính sách khác đặt ra đối với ngành diệt may Việt Nam nhưng chúng ta cũng tin tưởng với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước với cách tiếp cận khôn khéo, linh hoạt, dệt may Việt Nam nói riêng và toàn bộ các sản phẩm từ Việt Nam nói chung đi Mỹ sẽ nhận được mức thuế suất phù hợp nhất, cũng như vẫn bảo đảm được năng lực cạnh tranh của Việt Nam", ông Trường nhấn mạnh.
Là doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong ngành văn phòng phẩm, Tập đoàn Thiên Long cũng chịu áp lực từ các chính sách thuế quan đang leo thang. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Cô Gia Thọ, Thiên Long vẫn “đứng vững” nhờ lợi thế hiểu thị trường, hệ thống phân phối rộng và năng lực sản xuất vững chắc.
Tại cuộc họp cổ đông ngày 10/4 vừa qua, ông Thọ nhấn mạnh, có thể hàng giá rẻ tràn ngập, nhưng Thiên Long vẫn giữ được vị thế. Doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung cấp để giảm thiểu tác động của thuế quan từ Mỹ, đồng thời tích trữ nguyên vật liệu đủ cho mùa vụ. Thiên Long vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 22% trong năm 2025, dù dự báo thị trường còn nhiều thách thức. Doanh nghiệp cũng đang tiến gần đến việc chốt một thương vụ M&A chiến lược nhằm mở rộng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Trong lĩnh vực logistics, Công ty Cổ phần Gemadept cho biết đã chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ. Hiện tại, tỷ trọng hàng hóa đi Mỹ tại cảng Nam Đình Vũ và Gemalink chỉ chiếm lần lượt dưới 10% và 20%, giúp giảm thiểu rủi ro. Thay vào đó, doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát triển các tuyến đi châu Âu, Canada, Brazil và khu vực Nội Á.

Công ty Cổ phần Gemadept chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ.
Chỉ riêng tháng 4/2025, cảng Gemalink đã thu hút thêm 4 tuyến dịch vụ mới, trong khi giao thương khu vực Nội Á đang tăng tốc nhờ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Gemadept định hướng củng cố vị thế tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, doanh nghiệp dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 3 của cảng Nam Đình Vũ trong quý IV năm nay, nâng tổng công suất toàn cụm lên 2 triệu TEU. Tại miền Nam, giai đoạn 2 của cảng Gemalink cũng đang được đẩy nhanh để nâng tổng công suất lên 3 triệu TEU.
Gemadept đồng thời đẩy mạnh trao đổi với khách hàng, hãng tàu, phối hợp cùng cơ quan chức năng để thúc đẩy hàng đi sớm, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và theo sát tiến trình đàm phán chính sách thuế giữa Việt Nam và Mỹ.
Các doanh nghiệp Việt đang thể hiện sự chủ động, linh hoạt và tinh thần “dám nghĩ, dám làm” trong bối cảnh đầy biến động của thương mại toàn cầu. “Khoảng lặng” 90 ngày từ quyết định tạm hoãn thuế đối ứng của Mỹ không chỉ là cơ hội vàng để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, mà còn là thời gian quý giá để tái cấu trúc chiến lược, mở rộng thị trường và củng cố nội lực.