Nghệ nhân Mai Thị Hợp, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm xanh Azakooh (thị trấn A Lưới, huyện A Lưới), hướng dẫn thành viên dệt zèng.
Nghề dệt zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền, họ tự tìm kiếm nguyên liệu và thiết kế mới để dệt nên những tấm zèng đa màu sắc với hoa văn họa tiết độc đáo, đường nét tinh xảo.
Nghề dệt thổ cẩm ở huyện A Lưới đã tồn tại hàng trăm năm qua, nhờ cha truyền con nối, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt những người phụ nữ Tà Ôi đã truyền nghề cho con cháu họ, để phụ nữ nào cũng biết dệt. Từ xưa đến nay, con gái Tà Ôi 13, 14 tuổi đã được bà, mẹ, chị dạy cho cách dệt zèng.
Chị Lăm Pa Thị Rua (40 tuổi, thị trấn A Lưới) cho biết, chị đã làm công việc này từ năm 15 tuổi, công việc tuy không mang lại lợi nhuận kinh tế cao nhưng cũng đủ để gia đình trang trải cuộc sống.
Mỗi sản phẩm Zèng có giá trung bình khoảng 500 - 600 nghìn đồng, tùy vào kích thước và độ khó. "Mỗi tháng tôi thu nhập khoảng 5 triệu đồng từ công việc dệt zèng", người phụ nữ trong ảnh chia sẻ.
Nghệ nhân Mai Thị Hợp, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm xanh Azakooh, cho biết, zèng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, phong tục tập quán của người Tà Ôi. Ngoài ra zèng còn là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, với những người có công với bản làng.
Các cô gái mới làm quen với zèng thường được hướng dẫn cuốn len, bông, chỉ.
Nguyên liệu dùng để dệt zèng là sợi bông, sợi chỉ, sợi len và thường sử dụng các sợi màu đỏ, trắng, vàng, đen.
Sản phẩm vải dệt zèng chủ yếu làm áo, váy, khăn, túi đeo, thắt lưng, mũ. Chiếc khung cửi dệt zèng gồm những thanh củi, thanh tre được đan xen gọn gàng với nhau có khả năng lắp vào, tháo ra linh động. Mỗi bộ phận của khung thực hiện chức năng riêng biệt nhưng có sự phối hợp nhịp nhàng để tạo nên nhiều chi tiết hoa văn khác nhau.
Nét độc đáo riêng biệt của dệt zèng là người thợ đã khéo léo đưa những hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để dệt thay vì kết dính lên vải. Đây là cách tạo nên hoa văn rất chắc chắn, khó có thể làm rơi. Chỉ có những người làm lâu năm mới có thể luồn những hạt cườm vào sản phẩm.
Những tấm vải dệt zèng thổ cẩm của người Tà Ôi mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với rất nhiều loại hoa văn khác nhau mô phỏng những hiện tượng, sự vật trong thiên nhiên.
Có thể nói, mỗi tấm thổ cẩm là tác phẩm văn hóa, nghệ thuật hoàn chỉnh với những hoa văn trang nhã, phong phú và tinh xảo. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, những tấm vải độc đáo biến thành váy, áo, khăn choàng truyền thống mang đậm nét đặc trưng văn hóa Tà Ôi.
Các em học sinh trong trang phục vải zèng truyền thống của người đồng bào Tà Ôi
Các sản phẩm từ zèng
Đã từng có lúc nghề dệt zèng mai một, bị lãng quên nhưng nhờ có những con người luôn dành hết tâm huyết, tài năng, sự tận tụy với mong muốn gìn giữ và bảo vệ văn hóa truyền thống, đã giúp nghề này phát triển trở lại.
Những sản phẩm zèng của người Tà Ôi luôn giản dị, mộc mạc, là nét đặc sắc của dân tộc luôn sống hòa hợp với thiên nhiên. Trải qua sự phát triển không ngừng của xã hội, nghề dệt thổ cẩm của người Tà Ôi tồn tại cho đến ngày nay đã góp phần đưa các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống nâng lên một bước với xu hướng phát triển chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Dệt zèng của đồng bào Tà Ôi đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016. Đến nay, trên địa bàn huyện A Lưới có nhiều HTX dệt Zèng được thành lập với sự tham gia của hàng trăm phụ nữ Tà Ôi, vừa giữ được văn hóa truyền thống vừa phát triển kinh tế.
Ngoài ra, rất nhiều đồng bào Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy đang sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới cũng tham gia học hỏi để cùng phát triển nghề dệt zèng.
Nguyễn Long