Độc đáo kỹ nghệ pháp lam

Với mong muốn đưa những sản phẩm pháp lam mang nét nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam đến với giới mộ điệu trong nước và vươn tầm thế giới, Lê Nguyễn Hoàng Anh Duy (kiến trúc sư, sinh năm 1983, ngụ TP. Long Xuyên) đã dùng kỹ nghệ pháp lam do bản thân tự nghiên cứu, tìm hiểu để chế tác trang sức và hướng đến xây dựng thương hiệu đồng hồ có mặt số áp dụng kỹ nghệ pháp lam.

Niềm đam mê nghệ thuật pháp lam đến với Lê Nguyễn Hoàng Anh Duy bắt đầu kể từ khi anh biết đến một số mẫu đồng hồ của các thương hiệu xa xỉ trên thế giới, ứng dụng kỹ nghệ tráng men pháp lam trang trí cho mặt số, giúp nâng giá trị thẩm mỹ cho sản phẩm. Yêu thích nét độc đáo, tinh xảo từ kỹ nghệ tráng men ấy, anh Duy quyết tâm nghiên cứu, tìm hiểu về các loại hình tráng men khác nhau của kỹ nghệ pháp lam. Sau 10 năm miệt mài tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu, trao đổi, tham khảo kinh nghiệm với các nghệ nhân chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật tráng men ở nhiều quốc gia trên thế giới và đúc kết kinh nghiệm từ lượng lớn sản phẩm chế tác thất bại, anh Duy đã tìm ra cách làm riêng, thiết lập quy trình chế tác và kỹ thuật sản xuất một sản phẩm pháp lam hoàn hảo về độ tinh xảo.

Nghệ thuật pháp lam có nhiều hình thức khác nhau, như: Tráng men một màu hoặc nhiều màu thuần túy trên nền kim loại; tạo hình phôi bằng máy sau đó tráng men; họa pháp lam bằng cách vẽ trực tiếp lên men với chi tiết cực kỳ nhỏ; tráng men Cloisonné; kết hợp giữa tráng men Cloisonné với quỳ kim loại vàng hoặc bạc; tráng men xuyên thấu… Mấy năm qua, anh Duy và các cộng sự đã làm ra những sản phẩm pháp lam ở các hình thức tráng men khác nhau. Trong đó có nhiều sản phẩm áp dụng kỹ nghệ tráng men Cloisonné. Đây là một trong những hình thức tráng men pháp lam phức tạp nhất, do tất cả các bước đều thực hiện thủ công.

Anh Duy chia sẻ: “Quá trình làm ra một sản phẩm tráng men Cloisonné hoàn chỉnh mất nhiều thời gian, công sức. Đầu tiên là chế tạo phôi từ chất liệu vàng, chúng tôi thường chọn vàng 18k vì ít bị biến dạng và không đổi màu do ô-xy hóa khi nung ở nhiệt độ cao. Tiếp theo là dùng các sợi Cloisonné chế tác từ vàng có độ dày từ 0,03 - 0,07mm dán theo các hình dạng thiết kế đã được phác thảo trên giấy trước đó để tạo hình, rồi đưa vào phôi kim loại và tiến hành vẽ men. Quá trình vẽ men được xem là công đoạn tiên quyết cho toàn bộ quy trình chế tác một tác phẩm pháp lam. Công đoạn này đòi hỏi tập trung cao độ, tỉ mỉ kiểm soát động tác tay khi vẽ men vào phôi, sao cho hoàn hảo ở từng chi tiết nhỏ nhất theo tạo hình từ dây Cloisonné. Đồng thời, kết hợp nung ở nhiệt độ 700 - 9000C sau mỗi lớp men mỏng được vẽ. Quy trình nung men lặp lại nhiều lần cho đến khi tất cả các lớp men lấp đầy đến đỉnh của cạnh dây Cloisonné và đạt được màu men ưng ý. Khi hoàn thành bước vẽ men và nung ở nhiệt độ cao, sản phẩm được mài thô, nếu không đạt chất lượng sẽ loại bỏ. Riêng những sản phẩm đạt yêu cầu được tiếp tục lên men hoàn thiện và phủ thêm lớp men bảo vệ, sau đó chà nhám tinh cho phẳng bề mặt, tạo chiều sâu, độ bóng cho sản phẩm”.

Hơn 2 năm chính thức bắt tay vào chế tác trang sức pháp lam và mặt số đồng hồ pháp lam, ê-kíp của Lê Nguyễn Hoàng Anh Duy đã cho “ra đời” các sản phẩm có hoa văn độc đáo. Để tăng thêm giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa của sản phẩm pháp lam, anh Duy đã thực hiện bộ sưu tập mặt số đồng hồ lấy cảm hứng từ nét đẹp văn hóa truyền thống của tranh dân gian Đông hồ và những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa danh nổi tiếng ở cả 3 miền đất nước. Đặc biệt, với việc đưa hình ảnh bản đồ Việt Nam vào sản phẩm mặt số đồng hồ pháp lam, Công ty TNHH Philippe Mark của Lê Nguyễn Hoàng Anh Duy đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là “Đơn vị thực hiện mặt số đồng hồ tạo hình bản đồ Việt Nam bằng kỹ thuật tráng men Cloisonné với các chi tiết có diện tích nhỏ nhất”.

Mỗi sản phẩm tráng men nghệ thuật được tạo ra bởi chính những đôi tay khéo léo của ê-kíp Lê Nguyễn Hoàng Anh Duy không chỉ là sản phẩm kỳ công mang tính nghệ thuật cao, đó còn là thành quả của 1 thập kỷ miệt mài tìm hiểu về loại hình nghệ thuật độc đáo mang tên “pháp lam” xuất hiện lâu đời ở nhiều nước trên thế giới và từng hiện diện trong kiến trúc cung đình Huế ở nước ta.

Pháp lam là nghệ thuật tráng men có nguồn gốc từ Trung Đông hoặc Ai Cập cổ đại, sau đó phát triển mạnh ở Đế chế La Mã phương Đông, lan rộng đến Châu Âu và một số quốc gia Châu Á. Nghệ thuật pháp lam du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng (khoảng năm 1827) gọi là pháp lam Huế. Nghệ thuật pháp lam Huế được ứng dụng trên một số loại đồ đồng tráng men và dùng trong kiến trúc trang trí cung điện, lăng tẩm.

MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/doc-dao-ky-nghe-phap-lam-a413976.html