Độc đáo lễ cưới của người Jrai, con gái chủ động 'bắt chồng'

Lễ cưới của người Jrai ở Tây Nguyên khá ấn tượng bởi người con gái sẽ chủ động 'bắt chồng' và tự mình chuẩn bị toàn bộ lễ vật cho đám cưới. Đặc biệt, sau lễ cưới theo phong tục người con trai sẽ về ở rể nhà vợ.

Vòng tay cầu hôn – tín vật đính ước

Lễ cưới truyền thống của người Jrai là nghi lễ quan trọng, phản ánh vai trò của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ và thể hiện một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Jrai. Các nghi lễ, nghi thức trong lễ cưới có những quy ước rất chặt chẽ. Theo đó, người con gái Jrai khi đến tuổi trưởng thành thường chủ động tìm cho mình một chàng trai để yêu thương, gắn bó.

 Lễ cưới truyền thống của người Jrai được tái hiện tại quảng trường Đại Đoàn Kết (Gia Lai)

Lễ cưới truyền thống của người Jrai được tái hiện tại quảng trường Đại Đoàn Kết (Gia Lai)

Sau khoảng thời gian tìm hiểu và xác định sẽ về chung một nhà, già làng hoặc người có uy tín trong làng sẽ làm mai mối cho đôi bên. Thông qua ông mối, cô gái sẽ gửi cho chàng trai một chiếc vòng tay thay lời tỏ tình. Về phía chàng trai được tỏ tình, khi nhận được vòng, nếu không ưng thuận chàng trai phải gửi trả lại vòng cho ông mối. Còn nếu chàng trai đồng ý, sẽ nhận vòng cầu hôn, đeo vào tay và xem như đã chấp nhận cho cô gái “bắt” mình về làm chồng.

Sau màn nhận vòng tay cầu hôn, đôi trẻ sẽ bắt đầu công khai mối quan hệ của mình. Lễ cưới của người Jrai dù lớn hay nhỏ đều tổ chức ở nhà gái. Việc cưới xin do nhà gái chủ động lo liệu và chuẩn bị các lễ vật. Tùy điều kiện từng gia đình, từ lễ đính ước đến lễ cưới thường được tổ chức sau một năm.

 Già làng thực hiện nghi lễ cúng các vị thần cầu mong đôi trẻ cả đời sống bên nhau hạnh phúc

Già làng thực hiện nghi lễ cúng các vị thần cầu mong đôi trẻ cả đời sống bên nhau hạnh phúc

Lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Jrai là rượu ghè và cơm nắm… Ngày “bắt chồng”, nhà gái sẽ mang cặp gà hoặc con một con heo, thậm chí là con bò sang nhà trai làm lễ với sự chứng kiến của cha mẹ hai bên, họ hàng và làng xóm.

Già làng Ksor Kol (TP Pleiku, Gia Lai) cho biết: “Đám cưới của người Jrai phải có già làng làm mối cho mới được cưới. Nếu yêu nhau, già làng chưa biết, họ hàng, buôn làng mà chưa chấp nhận thì chưa được làm đám cưới. Trước ngày làm đám cưới, hai bên thông báo cho họ hàng biết đến dự. Họ hàng đến dự thường mang theo gà, heo, rượu, tiền hay những vật dụng khác để chung vui cùng hai gia đình”.

 Cô dâu, chú rể trao nhau chiếc vòng tay đồng, tượng trưng cho sợi dây buộc chặt tình cảm giữa đôi trai gái yêu thương bên nhau trọn đời

Cô dâu, chú rể trao nhau chiếc vòng tay đồng, tượng trưng cho sợi dây buộc chặt tình cảm giữa đôi trai gái yêu thương bên nhau trọn đời

Sau khi nhà gái đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật gồm: Rượu ghè, thịt gà hoặc heo, cơm nắm, chiếc còng bằng đồng, ông tre đón rượu…., già làng (chủ lễ) sẽ bắt đầu thực hiện nghi thức cúng trời đất, thần núi, thần rừng, thần nước, thần ruộng và cuối cùng là cúng nhà rông.

Tiếp đó, chủ lễ sẽ mời nữ thần mặt trời, mẹ đất về chứng giám cho đôi trai gái và hai dòng họ. Lời khấn các vị thần cầu mong đôi trẻ cả đời sống bên nhau hạnh phúc, thủy chung, sinh con đẻ cái để cùng nhau xây dựng cộng đồng hạnh phúc. Ngay sau khi làm lễ, cô dâu và chú rể trong trang phục dân tộc lộng lẫy sẽ trao cho nhau chiếc vòng cầu hôn làm bằng đồng - đó là tín vật thể hiện sự kết duyên bền chặt, một lòng thủy chung son sắc.

Chàng trai ở rể nhà vợ

Khi đã được già làng chứng nhận là vợ chồng trước toàn thể dân làng, nếu sau này hai người bỏ nhau, người bỏ trước sẽ chịu phạt (trâu, bò, heo…), bồi thường cho gia đình người bị bỏ. Theo già làng Ksor Kol, hình thức phạt này muốn nhắc nhở mọi người biết quý trọng giá trị gia đình, có xích mích phải đóng cửa bảo nhau hoặc nhờ già làng phân xử chứ không được tự ý bỏ nhau.

 Họ hàng đôi bên và khách đến dự cùng uống chén rượu cần, chúc phúc cho đôi vợ chồng mới

Họ hàng đôi bên và khách đến dự cùng uống chén rượu cần, chúc phúc cho đôi vợ chồng mới

Nghi lễ kết thúc lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ đứng bên nhau mời rượu, thịt mọi người trong tiếng chiêng trống rộn rã mừng hạnh phúc… Lúc này, tất cả họ hàng và khách đến dự cùng uống chén rượu cần, nắm tay nhau múa điệu xoang xoay vòng, cùng ăn uống với hai bên gia đình để chúc phúc cho đôi vợ chồng mới.

Sau lễ cưới, chú rể sẽ đưa cô dâu mới về thăm nhà chồng vài ngày để làm tròn bổn phận dâu con trong gia đình… Sau đó cả hai vợ chồng mới xin phép đưa nhau về ở hẳn bên nhà vợ. Theo truyền thống của người Jrai, chàng trai sẽ ở rể nhà vợ và con cái sẽ theo họ mẹ.

 Ngay khi nghi lễ kết thúc cũng là lúc tiếng cồng chiêng vang lên bên những điệu múa xoang đầy uyển chuyển của các cô gái Jrai

Ngay khi nghi lễ kết thúc cũng là lúc tiếng cồng chiêng vang lên bên những điệu múa xoang đầy uyển chuyển của các cô gái Jrai

Đặc biệt hơn, con trai lấy vợ sẽ không được thừa kế tài sản nhưng ngược lại con gái khi lấy chồng sẽ lần lượt tách khỏi cha mẹ ra ở riêng (trừ con gái út) được phân chia một phần tài sản.

Hôn nhân của người Jrai không đơn thuần chỉ là việc kết duyên của đôi lứa mà còn mang tính nhân văn, truyền thống đạo lý của dân tộc, giáo dục về tình nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc. Qua đó góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong xã hội hiện đại và cả các thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-le-cuoi-cua-nguoi-jrai-con-gai-chu-dong-bat-chong-post249208.html