Độc đáo lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông của đồng bào dân tộc Thái
Nằm trong chuỗi các hoạt động của ngày hội 'Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc' xuân Ất Tỵ 2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) bà con đồng bào dân tộc Thái đến từ huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tái hiện nghi thức lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông (Kin Chiêng Boọc Mạy) đặc sắc.
Lễ hội Kin Chiêng Boọc mạy (còn có tên gọi khác là Chá chiêng, Xăng khan) có nghĩa là lễ “Hát múa ăn mừng dưới cây bông”, là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng người Thái ở huyện Như Thanh nói riêng và của người Thái ở miền núi tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Người Thái coi đây là một sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng, vì thế mà mọi người trong làng, bản đều có quyền tham gia và hưởng thụ.

Bà con chuẩn bị đồ lễ trong lễ Kin Chiêng Boọc Mạy
Kin Chiêng Boọc Mạy là lễ tục tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017, góp phần vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam thêm đậm đà bản sắc dân tộc..
Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy được diễn ra vào dịp đầu năm mới, nhằm mục đích tạ ơn thần linh, mở hội ăn mừng sau một năm lao động để cầu cho dân làng bình an, mạnh khỏe, ngô lúa tốt tươi…

Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy được diễn ra vào dịp đầu năm để tạ ơn thần linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu
Lễ hội được chia làm hai phần.
Phần lễ là các nghi thức tâm linh, là những bài cúng cơ bản được các thầy mo kể về sự tích lập bản, lập mường, ca ngợi tổ tiên, những người có công.

Thầy mo thực hiện nghi lễ mời Mường trời về dự Kin Chiêng Boọc Mạy
Phần hội là hệ thống gồm 26-50 trò diễn do thầy mo môn hoặc các “mo khách” thể hiện như chặt củi, làm rẫy, múa kiếm, quét nhà, người thổi khèn bè... Mỗi trò đều có một vị thần linh từ Mường Trời xuống tham dự (do thầy mo đóng).
Bên cạnh đó còn có phần chơi những loại nhạc cụ truyền thống: Cồng chiêng, khua luống, trống, boong bu, khèn, sáo; cùng các trò chơi dân gian như: Hát khặp, nhảy sạp, đánh mảng, kéo co, ném còn...

Thầy mo thực hiện nghi lễ mời thần linh uống rượu
Cây bông được xem là “linh hồn” của lễ hội, tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi, trù phú của bản Mường, sự bảo tồn nòi giống của tự nhiên. Vì vậy, việc làm cây bông đòi hỏi công phu, tỉ mỉ, khéo léo.

Thầy mo làm lễ xung quanh cây bông xin thần linh ban sự may mắn cho dân làng
Cây bông sẽ được làm bằng tre, luồng, dài khoảng 1,7 - 1,8m có đục lỗ. Cành hoa, bông hoa thường được nhuộm màu sắc sặc sỡ. Mỗi cây có từ 100 đến 200 cành, mỗi cành có từ 50 đến 80 bông hoa, các bông hoa phần lớn những người đến tham gia tự làm và cắm vào cây.

Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy được diễn ra vào dịp đầu năm để tạ ơn thần linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu
Các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất đan bằng tre nứa cũng được treo trên cây bông. Đặc biệt, các tầng cây bông đều có quy tắc riêng. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo của làng, xã mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9 hay 12 tầng.

Khua luống trong phần hội tạo nét riêng độc đáo của lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy
Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của cộng đồng người Thái không chỉ có ý nghĩa quan trọng về tính cố kết cộng đồng mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, bảo tồn và phát huy văn hóa Thái, đề cao giá trị nhân văn sâu sắc.
Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy hướng con người tới các giá trị chân - thiện - mỹ, một cuộc sống lành mạnh, vui tươi, ấm no, hạnh phúc.

Trò diễn ném còn trong lễ hội

Cây bông vật lễ mang ước vọng về cuộc sống sinh sôi, trù phú của người dân bản làng
Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2025 diễn ra trong 2 ngày15-16/2/2025 tại tại "ngôi nhà chung" Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) với sự tham gia của 200 đồng bào của 28 cộng đồng dân tộc đến từ 14 tỉnh, thành phố trong cả nướcnhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Trong khuôn khổ Ngày hội có nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống cũng như hòa vào không khí mùa Xuân.
Lễ hội Kin chiêng boọc mạy là sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật cộng đồng nên mọi người dân, du khách đều có thể trải nghiệm.