Độc đáo rối nước làng Rạch
Trải qua gần 300 năm lưu giữ và phát triển, thôn Bàn Thạch được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước miền Bắc.

Trình diễn múa rối nước tại Lễ hội đền Trần tỉnh Nam Định.
Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam. Trải qua gần 300 năm lưu giữ và phát triển, thôn Bàn Thạch (còn gọi là làng Rạch), xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (Nam Định) được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước miền Bắc, nơi có nhiều tích trò cổ với kho rối có tuổi đời hàng trăm năm.
Đau đáu giữ gìn vốn cổ
Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam. Dưới mái thủy đình ngói đỏ cong cong, múa rối nước không chỉ là kho tàng bảo tồn nét văn hóa dân gian Bắc Bộ, mà còn là hình ảnh sống động phản ánh những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần của người dân làng quê vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo nhiều tư liệu còn được lưu giữ tại địa phương, vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) cụ Mai Văn Kha làm nghề thợ chạm, đã đứng ra tập hợp những người biết múa rối trong thôn lập nên phường rối nước. Sẵn nghề tạc tượng, sơn mài, các thành viên phường rối đã tự tạo tác nên các con trò như: Chú Tễu, tiên nữ, long, ly, quy, phượng…
Theo nghệ nhân Phan Văn Mạnh, Trưởng đoàn rối nước Sông Quê, múa rối nước có hai loại hình chính là các trò và các tích. Các tích là câu chuyện lịch sử, dân gian xưa. Phường rối Nam Chấn (làng Rạch) lưu giữ ba tích cũ nhất là “Lê Lợi khởi nghĩa”, “Trần Hưng Đạo bình Nguyên” và “Trưng Trắc - Trưng Nhị”.
Còn các trò là hoạt động thường thấy trong đời sống như “Cáo bắt vịt”, “Đánh cá”, “Chọi trâu”... Vừa phục dựng vừa làm mới, hiện nay phường rối làng Rạch đang lưu giữ khoảng 1.000 con trò từ xưa truyền lại, với hơn 40 tích trò cổ khác nhau.
Đau đáu theo đuổi và gìn giữ vốn cổ của cha ông truyền lại, nghệ nhân Phan Tiến Hữu, Trưởng đoàn rối nước Bàn Thạch, được giao nhiệm vụ trông nom kho rối cổ nằm bên thủy đình. Kho rối lên tới cả ngàn nhân vật nhưng ông Hữu vẫn nhớ rõ và có thể kể tên, nêu tích trò, thậm chí nhớ cả niên đại của từng nhân vật ở trong đó.
Ông cho biết, cứ đến dịp lễ hội, rối ở trong kho lại được đem ra diễn ngoài thủy đình. Con nào hỏng thì sửa, con nào bị mối xông mục hỏng tới mức không sửa được, các cụ sẽ đem vào cẩn báo Thành Hoàng rồi sau đó làm lễ hóa.
Cũng bởi “tính” thiêng ấy, trong mái kho xộc xệch, cũ kỹ vẫn còn những con rối có tuổi đời hàng trăm năm. Màu sơn tuy có bạc, có những chi tiết đã sứt mẻ, bị bào mòn bởi thời gian nhưng những đường nét đục, chạm vẫn vô cùng mềm mại, tinh tế…
Tại làng Rạch, người thợ có thể tự tay thực hiện tất cả các công đoạn, từ việc chọn gỗ, chế tác con rối cho đến việc biểu diễn. Chất liệu để làm con rối phải là gỗ sung, một loại gỗ dai, nhẹ và dẻo, giúp con rối nổi trên mặt nước và người điều khiển có thể dễ dàng thao tác khi biểu diễn.

Những con rối được tạo tác bởi bàn tay nghệ nhân làng Bàn Thạch.
Chia sẻ về công đoạn làm rối, anh Phan Văn Triển (47 tuổi), Trưởng đoàn rối nước Nam Chấn - người có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề chế tạo con rối, chia sẻ: “Để một con rối ngâm lâu trong nước mà không hỏng là điều không phải ai cũng làm được.
Dựa trên kinh nghiệm truyền lại từ cha ông suốt hàng trăm năm, những người kế nghiệp đã sáng tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh qua ba công đoạn chính: Điêu khắc, sơn và lắp máy. Trong đó, công đoạn lắp máy vô cùng quan trọng, bao gồm việc lắp ghép các bộ phận và luồn dây qua để điều khiển con rối”.
Chế tác nhân vật đã khó nhưng muốn diễn được rối hay cũng phải tôi luyện, phải làm nhiều, tay mới quen. Vì biểu diễn trên mặt nước nên không được lộ sào, lộ dây... Những tiết mục múa rối chủ yếu dựa theo những tích truyện dân gian và phải diễn làm sao sống động như thật. Khi nhạc nổi lên, các nhịp của con rối phải thật khớp, không để kẹt dây hoặc các con rối vướng vào nhau…
Trước sự phát triển của thời đại, nghề rối nước làng Rạch cũng có nhiều thay đổi, cải tiến để “sống vững”. Nếu như trước đây nội dung của các trò rối (người thợ ở đây còn gọi là “bài rối”) xoay quanh đời sống sinh hoạt hay những câu chuyện cổ tích thì hiện nay đã được phát triển đa dạng hơn.
Để dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn với thiếu nhi, các nghệ nhân xây dựng tiết mục theo truyện cổ tích như: “Chú vịt xám”, “Cô bé quàng khăn đỏ”… hay các bài diễn vui nhộn như cá vẫy đuôi, mèo trèo cây cau…
“Chúng tôi cố gắng phát huy sự sáng tạo và gắn liền với hơi thở cuộc sống đương đại nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn và nét riêng của rối nước xứ Rạch”, anh Triển khẳng định.
Màu sắc và hình dáng của các con rối cũng có sự cải biến. Các nghệ nhân đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại trong việc chế tác và tạo hình để sản phẩm đạt giá trị cao.
Nghề múa rối nước rất vất vả, song theo nghệ nhân Phan Văn Mạnh, một trong những nguyên nhân chính để các nghệ nhân và diễn viên theo đuổi nghề đến ngày hôm nay là nhờ những tiếng cười của khán giả.
Đặc biệt, kể từ khi múa rối nước trở thành di sản văn hóa phi vật thể, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, đã được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012, những người nặng lòng với rối càng dốc bầu nhiệt huyết, “cháy” hết mình với nghề.

Anh Phạm Văn Phong - một thợ chế tác rối trẻ của làng nghề rối cổ.

Con rối trở thành món quà lưu niệm.
Bảo tồn gắn với phát triển du lịch
Hàng năm, cứ đến ngày 16 tháng Giêng mở hội làng, người dân làng Rạch lại tổ chức biểu diễn múa rối tôn vinh công đức Thành Hoàng làng, cũng là dịp nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn những vị tổ nghề.
Nơi diễn ra các tích rối độc đáo được gọi buồng trò hay thủy đình. Trước đây, phường rối làng Rạch thường biểu diễn ở ao làng. Người dân lấy ao làng làm nơi luyện tập và đặt buồng trò biểu diễn múa rối mua vui cho dân làng mỗi dịp lễ hội.
Buồng trò được làm bằng tre nứa, mành che là vải xanh thêu bốn chữ “Quốc trung hữu Thánh”, tức là “trung với nước và cung phụng Thánh”. Tới năm 1987, làng đã xây dựng được ngôi thủy đình rộng hơn 2.000m2 thuận tiện cho hoạt động biểu diễn có quy mô.
Theo thời gian, nghề rối nước làng Rạch từng có giai đoạn mai một, nhưng những nghệ nhân nơi đây đã “thổi bùng” tình yêu với nghề và đưa nghệ thuật rối nước “vượt qua lũy tre làng”. Năm 1984, cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát Múa rối Trung ương, các nghệ nhân Bàn Thạch đã được mời sang Pháp biểu diễn, góp phần quảng bá nghệ thuật rối nước Việt Nam ra thế giới.
Nhiều năm gần đây, nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách quốc tế, nhiều công ty du lịch đã đến tìm hiểu và cùng với người dân làng Rạch khai thác, đưa du khách đến.
Tuy hoạt động phục vụ khách du lịch mới bắt đầu được mở rộng, nhưng đây thực sự là hướng đi tích cực, tạo động lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghề rối nước ở làng Rạch.
Nhờ vậy, ngoài việc bảo tồn nghệ thuật múa rối nước truyền thống trước nguy cơ mai một, người dân làng Rạch hiện đã có thể bám trụ với nghề thông qua việc chế tác con rối và biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Anh Phan Văn Triển, chủ của một xưởng sản xuất rối trong làng, chia sẻ: “Ở Bàn Thạch có hơn 20 người có thể trình diễn và 7 xưởng mộc trong làng cùng tham gia sản xuất, gia công các nhân vật phục vụ cho nghệ thuật múa rối nước.

Làng Rạch trở thành điểm dừng chân hấp dẫn du khách nước ngoài.

Phường rối thu nhỏ tại xưởng của nghệ nhân Phan Văn Triển.
Mỗi năm xưởng của gia đình xuất đi gần 180 đầu rối diễn và gần 1.000 con rối làm quà lưu niệm. Doanh thu của xưởng đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, xưởng còn tạo điều kiện cho 10 lao động địa phương đến làm việc với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng”.
Chị Bùi Thị Nhàn, đại diện Công ty Ecohost Hải Hậu, là một trong những người tiên phong đưa du khách trong nước và quốc tế đến với làng rối cổ, cho biết: “Trong các chương trình trải nghiệm văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tuyến Hà Nội - Nam Định, điểm đến xem múa rối nước làng Rạch luôn thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế.
Đây không chỉ là cơ hội để họ chiêm ngưỡng nghệ thuật đặc sắc của vùng quê, mà còn là dịp để du khách tìm hiểu văn hóa và nếp sinh hoạt đời sống người dân địa phương”.
Tại đây, du khách không chỉ được tham quan và thưởng thức những màn biểu diễn nghệ thuật rối nước, mà còn được giới thiệu và trải nghiệm các công đoạn chế tác con rối. Mỗi người còn có cơ hội mang về một sản phẩm lưu niệm của làng nghề.
Với tốc độ phát triển của xã hội hiện đại, ngày nay, phường rối nước làng Rạch đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong việc bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống.
Nỗi trăn trở lớn nhất của các nghệ nhân làng Rạch là nghệ thuật múa rối nước không còn thu hút khán giả trẻ. Bởi vậy, các nghệ nhân làng Rạch đã không ngừng tìm thêm hướng đi, họ sáng tác thêm các tích trò mới, sáng tạo các tác phẩm mới, dựa trên nền tảng những câu chuyện cổ tích, để nghệ thuật rối nước có thể tiếp cận và thu hút giới trẻ. Đây cũng là cách các nghệ nhân làng Rạch tin rằng sẽ giúp những chú Tễu, cô Tiên, ông Bụt… thêm sức sống trường tồn.
Anh Phan Văn Triển tâm sự: “Bộ môn nghệ thuật truyền thống nào cũng thế, chỉ mong được bảo tồn và phát triển tốt. Tôi là người trong nghề nên nắm rất rõ, ở làng Rạch bây giờ, không còn nhiều người say mê làm nghề tạc rối.
Tâm nguyện lớn nhất mà tôi đang nỗ lực thực hiện là phát triển phường rối thu nhỏ tại chính xưởng sản xuất rối của mình, đây sẽ là nơi trình diễn, trưng bày, trải nghiệm chi tiết về rối nước cho du khách”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doc-dao-roi-nuoc-lang-rach-post728685.html