Độc đáo tri thức dân gian Lịch tre của dân tộc Mường
Trong quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc Mường (Hòa Bình) đã xây dựng cho mình tri thức dân gian Lịch tre độc đáo làm từ 12 thanh tre tương ứng 12 tháng
Lịch tre (Lịch Đoi) dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là tri thức dân gian đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử của người Mường Hòa Bình từ khi chưa có nguyên liệu giấy và được lưu truyền đến ngày nay. Đây là loại lịch pháp hội tụ tri thức dân gian độc đáo của người Mường Hòa Bình…
Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Mường Hòa Bình đã xây dựng cho mình một cách tính lịch rất độc đáo. Tuy chưa phát triển thành hệ lịch chặt chẽ có tính mật xác cao để có thể tính trước được nhiều năm, nhưng rõ ràng nó là sản phẩm của quá trình quan sát lâu dài về các quy luật của vận động tự nhiên. Xác lập ra cách tính Lịch tre, người Mường đã có phương tiện để khám phá ra những quy luật tự nhiên, cũng như công cụ để hoạch định mùa vụ canh tác nông nghiệp riêng của mình. Hiện nay, tri thức dân gian này được ứng dụng trong đời sống hàng ngày của người dân, thể hiện sự trường tồn của tri thức dân tộc, xứng đáng là một tri thức, di sản văn hóa phi vật thể mang tầm cỡ quốc gia.
Từ xa xưa, dân tộc Mường Hòa Bình cứ theo Lịch tre mà chọn ngày lành, ngày đẹp để làm những việc quan trọng như tổ chức lễ Khai hạ đầu năm, làm nhà, làm đám cưới... Theo cách tính Lịch tre, các ngày từ 1-10, người Mường gọi là “ngày cây”; từ ngày 11-20 gọi là “ngày lồng”; từ ngày 21-30 gọi là “ngày cuối”. Người Mường thường tổ chức những việc quan trọng vào những ngày đầu tháng (ngày cây), tránh những ngày kỵ. Theo thống kê hiện nay, trong toàn tỉnh Hòa Bình chỉ còn 5 bộ Lịch tre cổ của dân tộc Mường có từ hàng trăm năm và khoảng trên 100 bộ Lịch tre sao chép làm mới đang được lưu giữ, sử dụng trong nhân dân. Hiện, di sản văn hóa này vẫn còn nguyên giá trị, được một bộ phận nhân dân lưu giữ, sử dụng, đa số là bậc cao niên, các thầy mo, thầy cúng.
Được biết, bộ lịch tre của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình làm từ những thanh tre được dóc, vót và đánh bóng cẩn thận, sử dụng để khắc các khấc, vạch, chấm (gọi chung là các ký hiệu, biểu tượng) nhằm chỉ thị cho ngày, tháng và các hiện tượng, quy luật trong tự nhiên hàng tháng trong năm. Trong đó, 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi thanh tre được tạo hình chữ nhật, có 2 mặt rộng gọi là mặt lịch và 2 mặt hẹp gọi là sống lịch. Tất cả các thanh tre đều khắc 30 khấc tương đương với 30 ngày trong 1 tháng.
Trên Lịch tre, nếu thấy vạch nào hình chữ vê (v) thì gọi là ngày cá, vạch nào có một chấm ở trên thì gọi là ngày tiểu hao, hai chấm thì gọi là ngày hao, vạch hình mũi tên là ngày mưa bão. Số lượng và mật độ của các ngày này thay đổi theo từng tháng. Tháng nào thấy có nhiều vạch hình mũi tên thì tháng đó rất nhiều mưa bão, nếu gieo mạ, cấy lúa... vào những ngày mưa bão thì sẽ bị hư hỏng hết. Nếu vào ngày cá thì người dân đi đánh cá, mò cua bắt ốc sẽ được nhiều. Trong Lịch tre, tháng 1 là tháng có nhiều ngày cá nhất vì đó là thời điểm mùa cá đẻ. Nếu vào ngày hao thì người dân dù có buôn bán bốn phương, lắm của nhiều tiền thì cũng bị thua lỗ... Khi dựng vợ, gả chồng, người Mường phải nhằm vào những ngày vạch ngắn, đó là ký hiệu của ngày bình thường có thể làm đủ mọi công việc mà không sợ bị thua lỗ, nhưng cũng không phát tài phát lộc được.
Có thể thấy, Lịch Tre người Mường Hòa Bình có vai trò đặc biệt trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Mường, là khối tài sản về tri thức dân gian vô giá. Tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người, mỗi gia đình người Mường đều dựa vào cách tính cát hung của bộ lịch. Giá trị tri thức dân gian lịch tre của người Mường hiện nay vẫn còn được ứng dụng trong đời sống hàng ngày của người dân thể hiện sự trường tồn của tri thức dân tộc.
Với những giá trị độc đáo, đặc sắc mang tính tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa dân tộc, Lịch tre dân tộc Mường Hòa Bình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 31/7 vừa qua tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Tri thức dân gian Lịch tre dân tộc Mường. Đây thực sự là tri thức dân gian đáng tự hào của dân tộc Mường Hòa Bình.
Phạm Tiệp