Độc đáo văn hóa ẩm thực của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô có nhiều món ăn truyền thống độc đáo được chế biến từ những sản vật nông nghiệp của địa phương, trong đó, nhiều món ăn được gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay. Đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Dao là các món ăn được chế biến đơn giản song vẫn đảm bảo độ tươi ngon, bổ dưỡng. Cách bày trí món ăn độc, lạ thể hiện nét riêng trong bản sắc văn hóa của người Dao.

Cỗ của người Dao được bày trí trên mâm lá chuối, xếp thịt theo hình vòng tròn, ở giữa có một bát nộm chuối ăn kèm. Ảnh: Kim Ly

Cỗ của người Dao được bày trí trên mâm lá chuối, xếp thịt theo hình vòng tròn, ở giữa có một bát nộm chuối ăn kèm. Ảnh: Kim Ly

Về thăm bản Thành Công, nhiều lần chúng tôi được bà con mời tham dự Lễ cấp sắc, Tết nhảy. Đây là những nghi lễ, phong tục truyền thống độc đáo của đồng bào Dao được lưu truyền cho đến ngày nay.

Không chỉ được tận mắt chứng kiến thầy cúng thực hiện các nghi lễ cúng tế thần linh, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, tại đây, chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn độc đáo của người Dao.

Vào dịp này, gia chủ thường chuẩn bị vài con lợn, hàng chục con gà và nhiều loại thực phẩm khác để thiết đãi dân làng. Trong khi gia chủ thực hiện các nghi lễ trong nhà, bên ngoài, người dân trong bản và anh em, họ hàng của gia chủ chuẩn bị lễ lạt, mổ lợn, nấu cỗ.

Thịt lợn, gà được người Dao chế biến thành những món ăn đơn giản, chủ yếu là luộc, xào, nướng... Để bày trí mâm cỗ, người Dao dùng lá chuối trải đều trên mâm, xếp thịt theo hình vòng tròn, ở giữa có đặt một bát chuối nộm để ăn kèm.

Ông Phùng Thế Vỵ, thôn Thành Công, Nghệ nhân nhân dân lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng dân tộc Dao cho biết: “Lối ẩm thực truyền thống của người Dao được hình thành từ tập quán “du canh du cư” trước đây. Khi đó, người Dao thường sống ở trong rừng, điều kiện thiếu thốn, không có bát, đĩa để dùng. Khi săn được thú rừng, người Dao chế biến thành những món ăn đơn giản, bày trên mâm lá chuối.

Để “chống ngấy”, người Dao nghĩ ra cách lấy thân cây chuối non thái mỏng, rửa sạch, bóp với muối và một số loại gia vị ăn kèm. Cách ăn uống này vẫn được người Dao duy trì cho đến ngày nay, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết của dân làng. Để tăng thêm hương vị cho món ăn, người Dao thường "nhắm" cùng rượu trắng”.

Người Dao còn có nhiều món ăn truyền thống độc đáo khác, trong đó phải kể đến món thịt, cá sấy khô. Trước đây, mỗi khi săn bắn được thú rừng, bắt cá ở sông, suối hoặc mổ thịt trâu, bò, sau khi ăn bữa tươi, số thịt, cá còn lại được các gia đình sấy khô để dành ăn dần.

Loại thịt, cá sấy này rất ngon nhưng không được dùng làm đồ cúng lễ. Cách làm thịt, cá sấy khô khá đơn giản, chỉ cần rửa sạch thịt, cá để ráo nước rồi ướp với muối để từ 1-2 tiếng đồng hồ.

Phụ nữ người Dao ngâm gạo nếp để chế biến món xôi nương thịt gà thiến, một món ăn truyền thống đặc sắc của người Dao. Ảnh: Kim Ly

Phụ nữ người Dao ngâm gạo nếp để chế biến món xôi nương thịt gà thiến, một món ăn truyền thống đặc sắc của người Dao. Ảnh: Kim Ly

Để đảm bảo vệ sinh, người Dao phun rượu 2-3 lần vào thịt, cá, sau đó xiên thịt, cá vào que tre hoặc xâu vào lạt, trời nắng to thì đem ra phơi, đến mùa rét, ít nắng thì treo lên gác bếp để khói hun thịt một cách tự nhiên. Món thịt, cá gác bếp có thể để vài tháng hoặc cả năm không hỏng.

Khi ăn, người Dao cho thịt, cá vào nước vo gạo ngâm khoảng 1 tiếng để miếng thịt mềm ra, sau đó, rửa sạch, thái nhỏ và cho vào xào cùng khế chua hoặc nõn chuối rừng, "nhắm" cùng rượu.

Một món ăn truyền thống đặc sắc khác của người Dao là món cơm nương thịt gà thiến. Người Dao ngâm gạo nương qua một đêm, sau đó, trộn đều với đỗ xanh hoặc ngô non, cho ít muối, tưới nước lá gừng vào chõ xôi rồi úp một nửa con gà sống thiến lên trên, đạy vung có lót lá dong, bắc nồi xôi lên kiềng đun lửa nhỏ từ 1-2 tiếng đồng hồ.

Khi xôi chín, lấy thịt gà ra thái mỏng, xới xôi ra bát, rải lên trên mấy miếng thịt gà rồi dùng lá dong hoặc lá chuối gói lại. Khi ăn cũng phải bóp xôi cho nhuyễn chấm với muối vừng đã được trộn với nõn chuối rừng.

Ông Phùng Thế Vỵ cho biết, so với các dân tộc thiểu số khác, văn hóa ẩm thực của dân tộc Dao ít cầu kỳ hơn. Hằng ngày, người Dao ăn cơm tẻ cùng các loại canh, rau, củ, quả, thịt, trứng… như người Kinh. Cách chế biến đơn giản, thường chỉ luộc, xào, nướng, rất ít gia vị. Đồ chấm thường là muối trắng vắt chanh hoặc nước tai chua dầm ớt, rất ít khi dùng nước mắm.

Đặc biệt, người Dao tuyệt đối không ăn thịt chó vì họ cho rằng đây là con vật có công cứu giúp bảo vệ thần tổ Bàn Vương khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Trong các dịp lễ, Tết, người Dao thường chế biến một số loại bánh như bánh chưng tày, bánh rán, bánh dày.

Bánh chưng tày còn được gọi là bánh “thang lang” vì hình dạng của bánh giống cái thang lang cày hay bắp cày bằng tre. Bánh chưng tày thường được làm vào dịp Tết Nguyên đán.

Bánh rán cũng là một loại bánh phổ biến làm bằng gạo nếp, thường có trong các dịp đám cưới, hỏi và lễ ăn lại mặt của đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Bánh dày thường làm trong dịp Tết Thanh minh, Tết Nguyên đán và dịp mừng thọ, cưới hỏi.

Trong dân gian, người Dao còn nhiều món ăn, thức uống đặc biệt khác như rượu đao, thịt chuột, sóc rừng xào mẻ ớt, thịt lợn ướp chua… Các món ăn truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện nét tinh tế trong văn hóa ẩm thực của đồng bào tộc Dao.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72959/doc-dao-van-hoa-am-thuc-cua-nguoi-dao.html