Đổi mới hoạt động công đoàn: Đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động
Công đoàn tập trung thực hiện những nhiệm vụ cốt lõi là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, trong đó lấy việc đối thoại, thương lượng là hoạt động chính.
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, các hoạt động của tổ chức công đoàn ngày càng thiết thực, tập trung vào các hoạt động chăm lo, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Hỗ trợ kịp thời cho người lao động
Chương trình công tác công đoàn năm 2023 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn có chủ đề “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”. Theo đó, hoạt động công đoàn tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, có nhiều điểm mới, trách nhiệm, linh hoạt, thiết thực, kịp thời.
Trước tình hình nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, các cấp công đoàn tập trung triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP, Công điện số 1170/CĐ-TTg; thường xuyên rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của người lao động, nhu cầu tiếp tục tìm kiếm việc làm, học nghề, chuyển đổi nghề của đoàn viên, người lao động; đề xuất đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động, xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng người lao động.
Ông Ngọ Duy hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết việc đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn càng được coi trọng và đẩy mạnh hơn. Công đoàn đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn, đó là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động mà ở đó lấy việc đối thoại, thương lượng là hoạt động chính, qua đó mang lại nhiều quyền và lợi ích cho đoàn viên, người lao động, nhất là trong bối cảnh tổ chức hoạt động của công đoàn diễn ra chủ yếu là ở doanh nghiệp và phần lớn ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Trong 6 tháng đầu năm, 79,6% đơn vị tổ chức hội nghị người lao động tại doanh nghiệp ngoài nhà nước; 64,25% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại định kỳ; ký mới 2.456 bản thỏa ước lao động tập thể, đạt 149,02% chỉ tiêu năm; đề xuất thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh bữa ăn giữa ca tại 3.614 đơn vị, doanh nghiệp, đạt 95,18% chỉ tiêu giao.
Các địa phương đã thực hiện tư vấn pháp luật cho hơn 138.000 lượt lao động; số người được tư vấn, hỗ trợ tại tòa án 45 người; phối hợp tổ chức 3.063 cuộc giám sát về chế độ, chính sách, pháp luật liên quan.
Tổng Liên đoàn đã thực hiện khảo sát, đánh giá về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2023; tổ chức hội thảo “Giải pháp phòng chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động” nhằm phát huy hiệu quả mô hình hoạt động tài chính vi mô (Quỹ CEP) của tổ chức công đoàn trong phòng chống “tín dụng đen”.
Các hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ công nhân lao động cũng là nhiệm vụ thường xuyên được tổ chức công đoàn quan tâm thực hiện. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và các hoạt động xã hội được quan tâm, triển khai mang lại lợi ích thiết thực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thông qua chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn ở các cấp, số đoàn viên được thụ hưởng là hơn 648.591 lượt người số tiền trên 93 tỷ đồng.
Trong dịp Tết Quý Mão 2023, hơn 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn, với tổng kinh phí hơn 6.110 tỷ đồng, tăng 260 tỷ đồng so với Tết Nhâm dần năm 2022.
Đặc biệt, đối với những khó khăn của người lao động, tổ chức công đoàn cũng có các chương trình hỗ trợ đột xuất. Cụ thể, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ làm cơ sở cho các cấp công đoàn tập trung các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Kết quả, các cấp công đoàn đã nhận 85.526 hồ sơ; hoàn thành thẩm định, quyết định hỗ trợ cho 81.065 trường hợp đủ điều kiện, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 113 tỷ đồng.
Cùng với việc triển khai các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền người cho người lao đông, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết công đoàn đã tập trung xây dựng hệ thống quy định thực sự phù hợp trong bối cảnh mới, thu gọn đầu mối để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực và bám sát cơ sở hơn, nguồn lực được quản lý chặt chẽ và tiết kiệm hơn, phương thức hoạt động liên tục được đổi mới theo hướng hiện đại, thuyết phục và hấp dẫn.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định bối cảnh mới đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn cũng như đòi hỏi từng cấp công đoàn, mỗi cán bộ công đoàn cần ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với tổ chức, với đoàn viên và người lao động, nhất là trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động.
Theo đó, các cấp công đoàn cần tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02 ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” phù hợp với đặc thù của từng địa phương…
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh các cấp công đoàn cần tập trung thực hiện tốt vai trò chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xem đây là chức năng quan trọng, xuyên suốt; chủ động tham gia với các cơ quan chức năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong công nhân, lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả các chương trình, mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên đã và đang phát huy hiệu quả.
Đối thoại để lắng nghe và thấu hiểu
Ngày 28/7, đúng dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Người lao động và Chủ tịch Quốc hội với sự tham gia 500 công nhân lao động tại Hội trường Diên Hồng. Các buổi đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ, Quốc hội với người lao động là sự đổi mới trong hoạt động của tổ chức công đoàn, nhằm tăng cường lắng nghe, trực tiếp đưa ý kiến của công nhân lao động tới các cơ quan chức năng.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết những năm gần đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất coi trọng việc tổ chức đối thoại giữa công nhân lao động với lãnh đạo các cấp, các ngành như chương trình đối thoại với Thủ tướng Chính phủ; tại các địa phương là hội nghị đối thoại với cấp ủy, chính quyền các cấp. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, nhiều vấn đề bức xúc, quan tâm của người lao động còn bế tắc, có những nội dung không phải ở khâu triển khai thực hiện mà nằm ở xây dựng chính sách pháp luật, nhiều chính sách chưa có hành lang pháp lý…
Năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất với các địa phương, Mặt trận Tổ quốc các cấp và đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc chuyên đề với cử tri là công nhân lao động. Kết quả, đã có 51 Liên đoàn Lao động địa phương phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương mình thực hiện các cuộc tiếp xúc với cử tri là công nhân lao động. Từ các cuộc tiếp xúc cử tri này, các đại biểu Quốc hội đã ghi nhận hơn 1.000 ý kiến của công nhân lao động.
Qua tổ chức thực hiện, công nhân lao động có dịp được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề quan tâm, bức xúc… Còn với các đại biểu Quốc hội, đối thoại là dịp lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt được đầy đủ hơn thông tin, tâm tư, nguyện vọng của người lao động.
“Tại nhiều địa phương, đại biểu Quốc hội còn đến thăm khu nhà ở của công nhân lao động, qua đó nắm bắt thêm về điều kiện sống, sinh hoạt của công nhân lao động. Từ đó, nhiều vấn đề của công nhân lao động đã tới nghị trường. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu về vấn đề việc làm, nhà ở, thu nhập, đời sống… của công nhân lao động,” ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Những diễn đàn đối thoại được tổ chức vừa qua đã mang một thông điệp mạnh mẽ rằng người lao động cũng sẽ là người tham gia vào thiết kế, hình thành chính sách, để chính sách đó khi được ban hành thực hiện giúp cho họ có nhiều cơ hội cống hiến hơn, có đời sống, việc làm ngày càng được nâng cao, được đóng góp cho sự phát triển của đất nước nhiều hơn./.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết để cụ thế hóa Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng 5 đề án, chương trình: Đề án thành lập trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động; Chiến lược đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Nghị quyết về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các bộ phận xây dựng 5 đề án về đổi mới hoạt động công đoàn gồm: Thí điểm xây dựng mô hình tổ chức hoạt động công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có đông đoàn viên; Thí điểm mô hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trực thuộc Tổng Liên đoàn; Thí điểm mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của công đoàn cơ sở doanh nghiệp có dưới 25 đoàn viên; Công đoàn tham gia xây dựng và phát triển quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ, giai đoạn 2023 - 2028; Xây dựng đội ngũ tư vấn viên pháp luật và luật sư công đoàn.