Đôi nét tương đồng văn hóa vùng giáp ranh nội tỉnh Quảng Trị
Chúng tôi muốn nói đến khu vực 2 huyện giáp nhau là Vĩnh Linh và Lệ Thủy, trước đây thuộc 2 đơn vị hành chính cấp huyện khác nhau ở 2 tỉnh, nay đều thuộc tỉnh Quảng Trị. Hai vùng quê này đều có những nét văn hóa đặc thù, đồng thời có những nét tương đồng lý thú.

Biểu diễn văn nghệ quần chúng tại Vĩnh Linh - Ảnh: Trần Tuyền
Ở trong khu vực Bắc Trung bộ lại giáp nhau nên văn hóa khu vực Vĩnh Linh và Lệ Thủy có nhiều nét tương đồng. Điều này không khó nhận ra khi xem xét những yếu tố gần gũi về mặt địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian, phong tục tập quán, ẩm thực, phương ngữ... của hai vùng quê này. Ngay trong tính cách con người cũng cho thấy có nhiều điểm chung, như: Gan góc, kiên cường, chịu khó, thủy chung, hài hước... .
Nhìn vào kho tàng văn học dân gian, ta thấy có câu: “Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con người”. Còn ở Vĩnh Linh lại có câu: “Nước Cửa Tùng vừa trong, vừa mát/ Đường Cát Sơn mịn cát dễ đi”.
2 câu ca dao trên đều ngợi ca vẻ đẹp quê hương, tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn bằng cảm quan và ngôn từ dân dã, tạo nên cảm giác thân thương, gần gũi, thậm chí nếu cần thay đổi địa danh cho nhau chắc cũng không khác biệt nội dung biểu đạt nhiều, nghĩa là vẫn phù hợp, khi hai vùng quê như láng giềng thân thiết, “tối lửa, tắt đèn có nhau”.
Hay câu ca dao này cũng nhiều lần vang lên từ vùng quê Lệ Thủy: “Nhịn nhau một chút cho xinh/ Ai sợ chi mình, mình sợ chi ai”, ý nói đến việc ứng xử với nhau, biết nhường nhịn nhau mà sống, nhường nhịn chứ không phải là sợ sệt nên cũng rất thấu tính, đạt lý. Ở nhiều làng quê Vĩnh Linh và phía Nam tỉnh Quảng Trị bây giờ, câu ca này cũng rất quen thuộc, trở thành nguyên tắc ứng xử, ăn ở với nhau, trở thành nét đẹp về đạo lý đối nhân xử thế. Điều này càng cho thấy, sự tương đồng trong lời ăn tiếng nói dân gian đã có từ xưa và lan tỏa đến với nhau, trở thành tài sản chung trong kho tàng văn hóa dân gian của cả hai vùng quê Lệ Thủy, Vĩnh Linh.
Tương tự, cũng do cùng nằm trong khu vực cư dân lúa nước nên hò giã gạo đều có mặt lâu đời ở Lệ Thủy cũng như ở Vĩnh Linh. Còn hát bài chòi và lễ hội cầu ngư cũng là những nét tương đồng dễ thấy.
Cũng xin lưu ý rằng, bài chòi chỉ có từ Quảng Bình (cũ) trở vào, ở Hà Tĩnh trở ra không có loại hình diễn xướng dân gian này, dù gần gũi nhau về mặt lịch sử, địa lý và văn hóa. Theo nhiều nhà nghiên cứu, bài chòi là một nghệ thuật mang tính tổng hợp bao gồm: Thi ca, âm nhạc, hội họa... được diễn xướng vào mùa xuân mừng Tết Nguyên đán.
Những ai đã từng thưởng thức bài chòi ở Vĩnh Linh, Lệ Thủy hẳn sẽ đồng cảm với nhận xét của thạc sĩ Sử học Cái Thị Vượng, một người tâm huyết với việc nghiên cứu văn nghệ dân gian địa phương Quảng Trị: “Người chạy bài/hô thai thường sử dụng trang phục thường ngày của họ, là bộ bà ba truyền thống của người Quảng Trị, với chất liệu và màu sắc giản dị, có thể đen hay nâu sòng. Để phân biệt với khán giả trong hội chơi, trang phục của họ chỉ điểm xuyến thêm một vài nét, như thắt nơ trên đầu, hay buộc đai bên hông.
Các động tác biểu diễn của họ không có bàn tay của đạo diễn sân khấu, không có nghệ thuật hay kỹ thuật dàn dựng, mà tất cả là sự ngẫu hứng, nên hoàn toàn không có bài bản hay quy cách cụ thể nào. Thông thường, mỗi cuộc chơi thường có 2 đến 4 người thay đổi nhau để hô thai. Ngôn ngữ các câu hô thai chân chất, dung dị, lời thơ mộc mạc chân quê, hợp tình, hợp lý. Nếu nói thì nói theo kiểu ngụ ngôn, thành ngữ hay dùng ngắn gọn, dễ nhớ. Nếu hề thì đi theo lối truyện tiếu lâm dân gian ngô nghê, hóm hỉnh. Nếu thách đố thì rất dân dã, mộc mạc nhưng giải nghĩa thì thanh thoát đến lạ lùng”.
Một nét tương đồng thú vị khác nếu xét về nguồn gốc mà hầu như chưa được nhiều người chú ý, đó là chèo cạn làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang (cũ) và hò khoan Lệ Thủy. Xin nhắc lại rằng không phải bỗng dưng làng Tùng Luật được chọn làm nơi ra mắt xây dựng làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Quảng Trị (cũ).
Chèo cạn làng Tùng là một diễn xướng dân gian mô phỏng hình ảnh lao động và tình cảm con người trên vùng sông nước ra đời từ dòng nước Bến Hải xuôi về Biển Đông cũng nức tiếng, còn hò khoan Lệ Thủy thường gắn với lễ hội đua thuyền cũng có nguồn gốc từ dòng Kiến Giang của vùng quê vang danh: “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”, trở thành di sản phi vật thể quốc gia. Làng Tùng Luật đã sinh thành, dưỡng dục nên nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tâm huyết, tài hoa như Ái Chủng, Ba Mè... trước kia và sau này là NSND Châu Loan, NSUT Sĩ Cừ, NSUT Kim Phú... Còn hò khoan Lệ Thủy đã trở thành niềm tự hào không chỉ của vùng quê này mà còn thể hiện một sức sống lâu bền, lan tỏa sâu xa.
Mới đây, ra Lệ Thủy, chúng tôi được nghe nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý, các nghệ nhân Lê Thị Hồng Hạnh, Ngô Lực, ở thôn Đại Phong trình diễn hò khoan Lệ Thủy, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng của lòng dân rất xúc động. Cả hai hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian là chèo cạn làng Tùng và hò khoan Lệ Thủy đều tương đồng về nguồn gốc, gần gũi về nội dung.
Hy vọng khi đã về chung một nhà, các vùng quê trong tỉnh sẽ có thêm phù sa bồi đắp cho nội lực văn hóa, bổ sung và hỗ trợ nhau trong hoạt động văn hóa, du lịch, tạo nên sự liên kết hữu ích, góp phần vào những kiến tạo mới mẻ về quốc kế dân sinh.