Đổi thay ở Đạ M'Rông
Đạ M'Rông (Đam Rông) còn nghèo, thực tế đó không ai phủ nhận. Nhưng so với 10 năm hay 5 năm về trước, mảnh đất này đang từng bước chuyển mình và đã thu về những 'trái ngọt' đầu tiên của sự đổi thay.
• ĐẠ M’RÔNG MÙA KHÔ KHÔNG CHỈ THẤY BỤI MỜ
Chúng tôi biết đến điều đặc biệt này qua câu chuyện của chính những người con trên đất Đạ M’Rông. Chị Kra jăn K’Hương kể rằng, ngày trước, cứ bước vào mùa khô, buổi xế chiều ngồi trong nhà sẽ thấy bụi đất bay nhiều bởi lúc đó những bãi đất chưa được phủ kín cây trồng và những con đường trong buôn làng, đường ra rẫy đều là đường đất. Mỗi khi gió thổi ngược lên từ dòng Krông Nô, bụi cứ thế mà bay đầy, mà phủ kín cả Đạ M’Rông trong đói nghèo. Còn với Ma Chuyển, người con gái từ vùng Tu Tra, huyện Đơn Dương hơn 10 năm về trước, khi theo chồng về làm dâu ở vùng đất này đã không tránh khỏi sự hoang mang, ngỡ ngàng bởi “nghèo quá”. Chỉ dăm ba nhà khá giả có con bò để làm rẫy, còn đa phần bà con đều cuốc đất bằng tay. Trong những ngôi nhà, một ít bắp treo lửng lơ ở giàn bếp có lẽ là tài sản quý giá nhất. Tu Tra của Ma Chuyển thời điểm 10 năm về trước, mặc dù cũng là vùng nông nghiệp với phần đông là người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nhưng so với Đạ M’Rông của thời điểm đó, ngỡ như Tu Tra đã đi trước rất nhiều năm. Hơn 10 năm dựng xây gia đình, những đứa con của Ma Chuyển được sinh ra và chúng lớn lên cùng với sự đổi thay, sự chuyển mình của mảnh đất này.
Đạ M’Rông - xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đam Rông, cách trung tâm huyện khoảng 30 km. 95% dân số nơi này là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Trong đó chủ yếu là bà con dân tộc Mơ Nông. Và có lẽ bản tính đoàn kết của cộng đồng người này là một trong những lý do để huyện Đam Rông quyết định luân chuyển cán bộ từ huyện về để gánh trọn hai vai: Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. 6 năm nhận nhiệm vụ ở Đạ M’Rông, trong lời khẳng định của Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hoàng Mai vẫn chất chứa nỗi niềm, rằng “Đạ M’Rông đã đổi thay rất nhiều, nhưng gian khó vẫn còn chồng chất khi đời sống bà con vẫn chưa thực sự hết khó khăn”. Chấn chỉnh lại bộ máy và khơi dậy ý thức chủ động phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu của bà con là hai vấn đề song song mà xã Đạ M’Rông tập trung thực hiện suốt nhiều năm qua. Chừng đó nội dung chỉ gói gọn trong một câu nói, nhưng để làm được là cả một quá trình nỗ lực rất dài. Và việc Chủ nhật hàng tuần cán bộ, đảng viên tham gia dọn dẹp vệ sinh tại nơi cư trú, việc xây dựng những con đường hoa…; còn bà con nhân dân cũng đã tham gia xây dựng hệ thống đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ; rác thải được xử lý tiêu hủy theo quy định, chăn nuôi có chuồng trại để đảm bảo vệ sinh môi trường… là những bước đi trong hành trình ấy.
“Dòng sữa” được đổ về từ các chương trình thực hiện giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh, của huyện là điều kiện cần và sự nỗ lực của địa phương là yếu tố quyết định để từng bước phác họa nên diện mạo mới cho Đạ M’Rông những năm qua. Tỷ lệ hộ nghèo của Đạ M’Rông hiện còn trên 24%, có 2/3 trường học trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia, vấn đề sinh đông con cũng đã dần được kiểm soát khi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 2,4% và tỷ lệ sinh bình quân hàng năm còn 2,62%. Nhờ vậy, việc chăm sóc trẻ em được chú trọng hơn, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 22,2%, hơn 98% dân số có bảo hiểm y tế. Các hội trường thôn, trường mầm non, các tuyến đường liên thôn, xóm cơ bản đã được bê tông hóa…
Những con số rõ ràng đã “biết nói”, nhưng có lẽ sự đổi thay trong tư tưởng, cách làm của bà con mới thực sự là minh chứng sống động nhất cho sự chuyển mình.
• XANH MÀU HI VỌNG
Nếu một lần ghé Trường Mầm non Đạ M’Rông, trường bán trú giữa vòng tay của buôn làng, sẽ được nghe cô giáo Phạm Thị Ngọc Bích phấn khởi khoe rằng: “Bà con giờ đã không phó mặc con em mình cho nhà trường, cho Nhà nước như trước đây nữa rồi mà họ đã chung tay để chăm sóc con trẻ”. Những cảnh đứa lớn trông đứa bé, cha mẹ lên rẫy, còn con nhỏ lăn lóc ở sân nhà, hay thầy cô phải tới nhà vận động trẻ ra lớp… đã lùi xa để trở thành một phần của quá khứ. Bởi giờ đây không khó để bắt gặp cảnh phụ huynh mang bắp, chuối, trứng gà… để cùng nhà trường cải thiện bữa ăn cho trẻ, hay cùng các cô giáo tổ chức hoạt động ngoại khóa để trẻ hiểu hơn về tầm quan trọng của dinh dưỡng, của bữa cơm gia đình. Những đứa trẻ được ba mẹ sắm sửa quần áo, giày dép đến lớp tinh tươm. Và chiều chiều, sau giờ làm nương rẫy họ tới trường để đón con về. Những đứa trẻ được chăm sóc, được học hành sẽ là tương lai tươi sáng của cả vùng đất.
Người Đạ M’Rông giờ đây đã không còn bán cà phê, bán bắp non, họ biết đợi nông sản già hoặc tích lũy để bán được giá. Diện tích đất cằn bà con đã không còn bỏ phí, họ cải tạo đất để trồng dâu. Ngoài đảm bảo dâu để nuôi tằm của gia đình, người Đạ M’Rông còn hái dâu bán lá cho người nuôi tằm ở các vùng khác. Và có lẽ Nghị quyết chuyên đề về trồng dâu nuôi tằm, là nghị quyết “xóa nghèo” của người Đạ M’Rông.
Nếu như trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề truyền thống của bà con phía Bắc, thì đó lại là những điều mà nhiều năm trước vô cùng xa lạ với người Tây Nguyên nói chung, người Mơ Nông, người K’Ho ở Đạ M’Rông nói riêng. Có lẽ không ít người thời điểm đó đều có chung nỗi sợ như chị N’Du K’Hạnh, rằng “con tằm trông mềm như con sâu nên rất sợ”. Và chưa ai thời điểm đó từng nghĩ rằng người Đạ M’Rông sẽ trồng dâu, nuôi tằm. Vậy nhưng, sau những khảo sát nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, tính khả thi trong việc cải thiện thu nhập từ trồng dâu, nuôi tằm được cơ quan chuyên môn khẳng định, dâu và tằm là loại cây, loại con được huyện Đam Rông xác định tập trung phát triển ở Đầm Ròn, Đạ M’Rông cũng đã bắt tay vào tập trung thực hiện. Với 60% dân số trong độ tuổi lao động; 145 ha đất bãi bồi ven sông, nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh… là những cơ sở quan trọng để cây dâu lên xanh, con tằm tạo kén trên mảnh đất này.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, các lớp đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật được mở ra, những nông dân ưu tú được đi tham quan thực tế mô hình nuôi tằm ở các địa phương khác và những mô hình đầu tiên được thực hiện trong sự quan tâm, chăm bẵm của cả hệ thống chính trị. Và cứ thế, từng bước từng bước một, những nương dâu ngát xanh được nối dài, những nong tằm trắng xóa được nhân lên và N’Du K’Hạnh với nỗi sợ con tằm của ngày nào đã trở thành nông dân có thâm niên trồng dâu, nuôi tằm hơn 4 năm qua. Đến nay Đạ M’Rông có 138 hộ trồng dâu, nuôi tằm, với tổng diện tích 50,7 ha dâu và diện tích này đang tiếp tục được mở rộng.
Màu xanh của dâu tằm hay cũng chính là màu xanh của hy vọng trên đất Đạ M’Rông khi đây đang là địa phương đi đầu trong sản xuất dâu tằm ở khu vực ba xã Đầm Ròn. Ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết, địa phương đang phấn đấu đến cuối năm 2025 có trên 90% diện tích đất bãi bồi ven sông, suối trồng bắp, diện tích đất trồng lúa một vụ chuyển sang trồng dâu và có trên 50% số hộ trồng dâu trực tiếp nuôi tằm; hình thành chuỗi liên kết trên cơ sở các tổ hợp tác hiện nay về tổ chức trồng dâu tằm gắn với cung cấp các vật tư nuôi trồng, giống tằm và tiêu thụ kén tằm, lá dâu.
Không chỉ đổi thay trong cách làm kinh tế, đời sống văn hóa của người Đạ M’Rông cũng dần có những bước chuyển mình tiến bộ hơn. Ở nơi mà 95% dân số là đồng bào DTTS như Đạ M’Rông, văn hóa nơi đây vẫn còn đậm đặc những nét vốn có của cộng đồng này. Song không phải người con trai của đất Đạ M’Rông về làm rể vùng Tu Tra, mà Ma Chuyển đã đi theo tiếng gọi tình yêu về làm dâu ở Đạ M’Rông quê chồng và mô hình khu dân cư “không thách cưới và không hôn nhân cận huyết thống” đã được bà con thành lập và thực hiện là bước đầu của việc “gạn đục khơi trong”, “hòa nhập nhưng không hòa tan” để mục đích cuối cùng là giữ lại những gì thật tốt đẹp trong cuộc sống của cộng đồng này.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202111/doi-thay-o-da-mrong-3089800/