Đón Tết đoan ngọ
Năm nay, tết Đoan ngọ 5/5 âm lịch (còn gọi là tết 'diệt sâu bọ') vào ngày 10/6 dương lịch. Từ đầu tháng 6 dương lịch, các bà, các mẹ đã xôn xao bảo nhau 'sắp đến ngày diệt sâu bọ rồi đấy!'.
Theo phong tục truyền thống, tết Đoan ngọ của người Việt được tiến hành vào chính giờ Ngọ - giữa trưa ngày mùng 5/5 âm lịch hằng năm. Người xưa quan niệm rằng, trong cơ thể con người, nhất là đường tiêu hóa thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi, nảy nở gây nguy hại cho con người. Vì vậy, tết Đoan ngọ không chỉ mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, còn là dịp để mọi người ăn hoa quả, rượu nếp như một cách để diệt trừ sâu bọ gây hại, xua đuổi bệnh tật, cầu mong sức khỏe an lành và cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Trong ngày này, mỗi gia đình đều sửa soạn mâm cúng để dâng lên ban thờ gia tiên. Mâm cúng trong ngày tết Đoan ngọ thường có trái cây, hoa tươi và một số món ăn đặc trưng, như rượu nếp cẩm, xôi ngũ sắc, bánh tro mật mía…
Từ chợ truyền thống đến chợ mạng, các sản phẩm hàng hóa phục vụ tết Đoan ngọ đang được người dân tìm mua nhiều nhất là vải thiều, mận tam hoa, rượu nếp cẩm, bánh tro mật mía, xôi ngũ sắc…
Chị Trần Thùy Dương, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) cho biết: Đã thành thói quen từ nhiều năm nay, cứ gần tới ngày “giết sâu bọ”, tôi mua quả mận, bánh tro mật mía và cơm rượu nếp để cúng lễ. Sau lễ cúng, cả nhà quây quần thưởng thức vị tươi ngon của cây trái, vị thơm bùi của bánh mật, đặc biệt còn được lâng lâng trong men ngọt cay nồng của rượu nếp cẩm... Đây là dịp cả gia đình sum họp và cầu chúc cho mọi người gặp may mắn, bình an.
Nắm được tâm lý của khách hàng, từ đầu tháng 6, trên các trang mạng xã hội đã nhộn nhịp dịch vụ nhận đặt làm mâm lễ, set đồ cúng ngày tết Đoan ngọ với những lời chào hấp dẫn. Tại một số cửa hàng, chợ dân sinh, nhiều tiểu thương cũng nhận đơn đặt mâm lễ cúng tết Đoan ngọ gồm các món ăn truyền thống với các phương án về thực đơn, mức giá khác nhau.
Theo khảo sát của phóng viên, năm nay, mâm lễ cúng tết Đoan ngọ có giá thấp nhất là 150.000 đồng, cao nhất lên tới vài triệu đồng. Tuy nhiên, những set đồ lễ có giá từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng được nhiều người lựa chọn đặt mua hơn. Những mâm lễ cúng có đầy đủ lễ vật, bày trí đẹp mắt theo từng đơn hàng của khách.
Chị Nguyễn Thu Hằng, cán bộ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, tết Đoan ngọ là ngày lễ truyền thống nhưng vì công việc bận rộn, nên năm nào chị cũng đặt mâm lễ làm sẵn. Với chị Hằng, tấm lòng thành là quan trọng nhất, không cần phải quá xa hoa, cầu kỳ, nên mâm lễ cúng của gia đình trong ngày tết Đoan ngọ được chuẩn bị với một số món ăn truyền thống, hương hoa, quả.
Những ngày này, chị Linh (tiểu thương tại chợ du lịch Phố Mới, thành phố Lào Cai) tranh thủ nhận thêm đơn đặt hàng xôi ngũ sắc cho ngày tết Đoan ngọ sắp tới. Ngoài đơn của khách quen, chị Linh còn đăng tải trên Facebook cá nhân để nhận đơn đặt xôi ngũ sắc với giá từ 30.000 đồng/đĩa nhỏ và 40.000 đồng/đĩa to. Đến thời điểm này, chị Linh cho biết đã nhận được gần 40 đơn đặt hàng xôi ngũ sắc trong ngày tết Đoan ngọ.
“Tết Đoan ngọ năm nào cũng vậy, lượng khách đến mua xôi rất đông vào khoảng thời gian từ 5 giờ đến 9 giờ sáng. Sức mua sắm của người dân trong ngày tết Đoan ngọ thường gấp 2 lần so với ngày rằm, mùng 1”, chị Linh chia sẻ thêm.
Ngoài xôi ngũ sắc, rượu nếp cẩm là mặt hàng không thể thiếu dịp này. Trên chợ mạng và chợ truyền thống, rượu nếp được bán với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để tiện cho khách mua, người bán thường đóng hộp nhỏ có giá 20.000 - 30.000 đồng/hộp.
Cẩn thận kiểm tra nồi rượu nếp cẩm, chị Nguyễn Thị Thắm ở phường Lào Cai (thành phố Lào Cai) cho biết: Tôi bán rượu nếp cẩm đã nhiều năm nay, ngày thường chỉ nấu khoảng 3 kg gạo. Tết Đoan ngọ năm nay, tôi dự kiến nấu khoảng 50 kg gạo nếp cẩm. Chiều mùng 4 và sáng mùng 5/5 là thời điểm nhiều người đặt mua rượu nếp cẩm nhất. Tuy nhiên, tôi vẫn duy trì mức giá bán 50.000 đồng/kg rượu nếp cẩm như mọi ngày.
Không nhộn nhịp như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ có những nét riêng, đi sâu vào tâm thức mỗi người và trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là dịp để những thành viên trong gia đình thêm gắn kết yêu thương, qua đó, góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/don-tet-doan-ngo-post385150.html