Đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông để bứt phá phát triển

Ngay từ đầu năm 2025, hàng loạt tín hiệu vui đã xuất hiện với kỳ vọng phá điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kết nối để vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) bứt phá phát triển.

Thi công Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện Nhơn Trạch. Ảnh: P.Tùng

Thi công Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện Nhơn Trạch. Ảnh: P.Tùng

Các dự án chuẩn bị hoàn thành cũng như các dự án được khởi công mới hứa hẹn sẽ giúp vùng ĐNB hình thành một mạng lưới liên kết liền mạch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn vùng.

Hàng loạt tín hiệu vui từ các dự án

Ngày 23-1, 2 đoạn tuyến dài gần 10km của đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã chính thức được thông xe tạm để phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Cùng với đó, các vướng mắc của dự án này cũng đã được tháo gỡ để có thể hoàn thành trong năm 2026.

Tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với chiều dài khoảng 58km, đi qua 3 tỉnh, thành: Long An, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh khi hoàn thành sẽ là trục giao thông kết nối không chỉ của nội vùng ĐNB, mà còn đóng vai trò kết nối giữa vùng ĐNB với khu vực Tây Nam Bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp sau sự kiện thông xe tạm 2 đoạn tuyến của đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, ngày mùng 4 Tết (tức ngày 1-2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công Dự án Đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kết nối từ đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đến thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Đây là đường cao tốc đầu tiên kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bình Phước và sẽ tiếp tục liên thông với đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa (Đắk Nông) để kết nối lên Tây Nguyên.

Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ kết nối vùng ĐNB, tạo động lực phát triển cho các địa phương, mở ra không gian phát triển mới. Khi Dự án Đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa hoàn thành sẽ kết nối với khu vực Tây Nguyên, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương trong khu vực và cả nước.

Tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu trong quý I-2025, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải hoàn thành các thủ tục để khởi công Dự án Đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa trước ngày 30-4 nhằm nối thông vùng ĐNB với Tây Nguyên.

Ngày 7-2, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức lễ thông xe, đưa vào khai thác các đoạn tuyến gồm: đoạn đầu tuyến từ nút giao đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (tỉnh Long An) đến quốc lộ 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) dài 3,4km và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) dài 6,1km thuộc Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối vùng

Hạ tầng giao thông vốn được xem là điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của vùng ĐNB. Chính vì vậy, những năm qua, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng đã được triển khai thực hiện.

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025, trên công trường các dự án hạ tầng kết nối vùng ĐNB như: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà thầu vẫn duy trì mạch thi công xuyên Tết. Đối với cả 2 dự án này, kế hoạch đề ra là phải cơ bản hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2026.

Cũng vào thời điểm này, một trong những dự án hạ tầng giao thông lớn nhất của cả nước là Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng để đưa vào khai thác. Do đó, yêu cầu về việc đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối để khai thác tối đa hiệu quả Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là hết sức cấp bách.

Tại hội nghị giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh với UBND các tỉnh vùng ĐNB và tỉnh Long An được tổ chức vào giữa tháng 1 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, Dự án Mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hết sức cấp bách để giải quyết giao thông cho Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động và cả vùng ĐNB. Do đó, địa phương kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải sớm khởi công dự án này. Phấn đấu đến tháng 9-2026 hoàn thành để đồng bộ với tiến độ khai thác Sân bay Long Thành.

Cùng với đó, Đồng Nai cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ, hợp tác trong 4 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông để khơi thông các điểm nghẽn, giúp cho vùng ĐNB tăng tốc phát triển. Cụ thể là phối hợp hoàn thành xây dựng các dự án: Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và sớm khởi công Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo UBND tỉnh, ngoài các dự án đang triển khai xây dựng, hiện Đồng Nai đang phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu để sớm đầu tư xây dựng thêm các tuyến giao thông kết nối phục vụ nhu cầu phát triển như nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai; phối hợp trong đầu tư xây dựng cầu qua sông Đồng Nai kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch…

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202502/dong-bo-he-thong-ha-tang-giao-thong-de-but-pha-phat-trien-f8e5553/