Đồng bộ quy định về thành lập và phát triển doanh nghiệp

Trước những đòi hỏi từ thực tiễn, cần cấp bách sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN) nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả để thúc đẩy phát triển DN, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cũng như góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch.

Cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý kịp thời, đầy đủ, đồng bộ để DN phát triển. Ảnh: ST

Cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý kịp thời, đầy đủ, đồng bộ để DN phát triển. Ảnh: ST

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp hoạt động

Yêu cầu trên đang được đặt ra và thể hiện rõ trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Cụ thể hóa chủ trương này, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ nêu, cùng với việc tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của Luật DN về việc hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh; cần khắc phục, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật DN hiện hành theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Đồng thời, bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật DN gắn với việc thực hiện các chủ trương, định hướng mới của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội và tổng kết thi hành Luật DN năm 2020, bên cạnh những kết quả tích cực được ghi nhận, Luật DN đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các luật khác, như quy định về gia nhập thị trường, về tổ chức quản lý và quản trị DN, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của các cá nhân kinh doanh…

Nhóm chính sách tập trung khi sửa đổi Luật DN lần này là đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật, qua đó khắc phục sự mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất và chưa đồng bộ giữa các quy định. Đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế gia nhập thị trường và rút khỏi kinh doanh của DN, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN và xử lý một số vấn đề tiêu cực phát sinh như tình trạng “góp vốn khống”, “tăng vốn ảo”, thành lập DN không vì mục đích kinh doanh như đăng ký…

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Luật DN chưa đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các luật khác. Ảnh minh họa

Luật DN chưa đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các luật khác. Ảnh minh họa

Chia sẻ về sự chưa thống nhất trong phạm vi điều chỉnh giữa Luật DN và các luật chuyên ngành khác, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KHĐT) nêu rõ, Điều 3 Luật DN quy định “Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN thì áp dụng quy định của luật đó”. Tuy vậy, trên thực tế có cách hiểu thứ nhất cho rằng, tất cả các loại hình DN đều phải tuân thủ quy định chung của Luật DN và quy định đặc thù của luật khác; và có cách hiểu thứ hai cho rằng, các DN được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo luật khác (như các luật về ngân hàng, tài chính, kế toán, kiểm toán, chứng khoán, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN…) không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật DN.

Hơn nữa, trong một số ngành nghề đặc thù như: Công chứng, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, tài chính…, việc cấp phép thành lập DN thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành, dẫn tới chồng lấn về quản lý nhà nước, gây lúng túng cho người dân, DN trong quá trình tìm hiểu thủ tục thành lập DN. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác tổng hợp, thống kê và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN. Ngoài ra, một số hoạt động thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động mà cả Luật DN và luật chuyên ngành đều không quy định rõ ràng dẫn tới khoảng trống pháp lý hoặc không có cơ sở pháp lý để thực hiện, như vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất có thời hạn đang được thế chấp tại ngân hàng, góp vốn bằng nguồn vốn vay, việc kế thừa các quyền, lợi ích của DN bị hợp nhất, bị sáp nhập…

Chặn tình trạng “góp vốn khống”, “tăng vốn ảo”

Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, việc gia nhập thị trường, thành lập DN, rút khỏi kinh doanh còn có khó khăn, chưa thuận lợi do một số quy định tại Luật DN chưa rõ ràng, một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh phát triển mới. Quản lý nhà nước còn thiếu hiệu lực, hiệu quả để xử lý tình trạng “góp vốn khống”, “tăng vốn ảo”, thành lập DN với mục đích mua bán hóa đơn hoặc các hành vi vi phạm pháp luật về thuế… Tương tự, phân tích về các quy định góp vốn bằng tài sản, có ý kiến cho rằng, cơ chế định giá tài sản góp vốn chủ yếu dựa trên cơ chế tự định giá của chủ sở hữu sáng lập dễ dẫn tới tình trạng góp “vốn ảo” trong trường hợp định giá quá cao so với giá trị thực tế. Ngoài ra, việc Luật DN không quy định rõ thời hạn tối đa phải hoàn thành việc góp vốn bằng các tài sản dẫn tới quá trình góp vốn kéo dài, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động của DN.

Liên quan đến hồ sơ và cách thức đăng ký DN, quy định của Luật DN về việc xác thực thông tin của người thành lập DN cơ bản vẫn dựa trên các giấy tờ pháp lý truyền thống, chưa cập nhật các công cụ mới trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng tác động sâu rộng đến hoạt động của cơ quan nhà nước, người dân, DN. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị phải bổ sung các công cụ xác định danh tính mới như số định danh cá nhân, định danh điện tử nhằm cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm tải số lượng thông tin kê khai, hạn chế tình trạng giả mạo thông tin thành lập DN không vì mục đích kinh doanh hợp pháp như đăng ký.

Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương cũng phản ánh với Bộ KHĐT về nguy cơ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật từ các DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, không hoạt động sau khi thành lập. Vì vậy, các ý kiến đề xuất cũng như Bộ KH&ĐT nhận thấy, cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung quy định thành phần hồ sơ bao gồm giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng vốn, thành viên góp vốn, cổ đông bảo đảm khả năng chi trả và góp đủ số vốn chuyển nhượng, đăng ký để hạn chế tình trạng “vốn ảo”, “đăng ký khống vốn điều lệ”, “thành lập DN ma” hoặc tình trạng “núp bóng” tham gia góp vốn, mua cổ phần chi phối DN nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tiền, tài sản thông qua các hoạt động của DN./.

QUỲNH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dong-bo-quy-dinh-ve-thanh-lap-va-phat-trien-doanh-nghiep-38314.html