Đồng bộ thể chế, tăng tốc số hóa tạo 'đòn bẩy' đưa thị trường chứng khoán bứt phá

Sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán ngày càng khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế với nền tảng pháp lý ngày một hoàn thiện, công nghệ giao dịch hiện đại và tốc độ số hóa mạnh mẽ, tạo lực đẩy cho giai đoạn tăng trưởng mới…

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho tập thể Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhân kỷ niệm 25 năm thành lập...

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho tập thể Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhân kỷ niệm 25 năm thành lập...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian tới phải đi theo xu thế của thời đại. Phát triển thị trường chứng khoán phải theo xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

“Tôi hy vọng, cũng mong trong những năm tới này thị trường của chúng ta từ sơ khai đến thị trường cận biên và sẽ tiến lên thị trường mới nổi càng sớm càng tốt. Chính phủ sẽ sẵn sàng hỗ trợ để mà thực hiện mục tiêu này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

TĂNG TỐC TỪ NỀN TẢNG VỮNG CHẮC

Tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động sáng 28/7 do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, vấn đề huy động mọi nguồn lực, trong đó bao gồm nguồn lực về vốn để phát triển kinh tế nhanh và bền vững sẽ kiến tạo động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.

Lễ kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 28/7/2025 ở TP.HCM.

Lễ kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 28/7/2025 ở TP.HCM.

Đến nay, sau 25 năm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện về khung khổ pháp lý, cấu trúc thị trường, hạ tầng công nghệ, sản phẩm, tổ chức trung gian và là kênh đầu tư hấp dẫn với hơn 10 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Sau nền móng đầu tiên là Nghị định 48/1998/NĐ-CP, Nghị định 144/2003/NĐ-CP tạo cơ sở tổ chức và vận hành thị trường một cách chính thức.

Tính đến hết ngày 30/6/2025, trên HOSE đã có 640 mã chứng khoán niêm yết và giao dịch. Trong đó, có 44 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó 3 doanh nghiệp đạt trên 10 tỷ USD. Thanh khoản của thị trường với khối lượng giao dịch bình quân/ngày trong năm 2000 chỉ có giá trị giao dịch bình quân/ngày là 1,4 tỷ đồng, đến nay khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch bình quân lần lượt đạt hơn 19.000 tỷ đồng.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tại buổi lễ.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tại buổi lễ.

Từ một thị trường non trẻ, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện pháp lý với các thế hệ Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đồng bộ. Mới đây nhất, trong Luật số 56/QH15, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua tiếp tục tạo hành lang pháp lý phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế, góp phần kiến tạo sự phát triển bền vững cho thị trường.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho rằng để đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 86 của Chính phủ và Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, bên cạnh quyết tâm nỗ lực cao nhất của cán bộ, công chức, viên chức, ngành Chứng khoán mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tài chính.

“Mặc dù còn nhiều thách thức ở phía trước, song với sự đoàn kết, đồng lòng, sáng tạo, đổi mới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế”, Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương nói.

Tuy ra đời sau thị trường chứng khoán các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, nhưng sự tăng trưởng về quy mô vốn hóa và thanh khoản tại HOSE đang dần thu hẹp khoảng cách và trở thành một trong những thị trường sôi động nhất khu vực.

Nhìn lại hành trình hình thành và phát triển cùng thị trường chứng khoán Việt Nam qua 25 năm, giao dịch tập trung tại HOSE đã trở thành thị trường chứng khoán có giá trị vốn hóa lớn nhất cả nước (tại ngày 30/5/2025 là 218 tỷ USD), đáp ứng được sự mong mỏi của Chính phủ và các nhà đầu tư.

Chỉ số chứng khoán VN-Index là thước đo tăng trưởng giá chứng khoán trên thị trường, từ 100 điểm tại ngày 28/7/2000, đã tăng lên hơn 1.512,31 điểm vào ngày 23/7/2025.

“Với việc Việt Nam khả năng lớn được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay, hứa hẹn sẽ mở rộng các kênh huy động vốn và thu hút mạnh dòng tiền đầu tư nước ngoài, tăng giá trị vốn hóa và thanh khoản trên thị trường”, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, nhấn mạnh.

HOÀN THIỆN CÔNG NGHỆ, ĐỒNG BỘ THỂ CHẾ, NÂNG TẦM GIÁ TRỊ

Với nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý, đặc biệt là Thông tư 68 năm 2024 và Thông tư 18 năm 2025 của Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi ngay trong năm 2025.

Theo World Bank, nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể thu hút tới 25 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp trong 5 năm tới. Hiện nay, thị trường đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí nâng hạng theo chuẩn FTSE Russell. Các tổ chức xếp hạng, định chế tài chính quốc tế và thành viên thị trường đều đánh giá cao nỗ lực cải cách của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, cùng các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Hệ thống công nghệ thông tin mới.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, cùng các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Hệ thống công nghệ thông tin mới.

Cùng với quá trình phát triển, hạ tầng công nghệ không ngừng được đầu tư hiện đại, đồng bộ, hướng đến mục tiêu vận hành hiệu quả, minh bạch và an toàn và tiệm cận chuẩn mực quốc tế.

Một dấu mốc quan trọng là ngày 5/5/2025, hệ thống công nghệ thông tin mới đã chính thức được đưa vào vận hành đồng bộ tại HOSE, HNX, VSDC và các thành viên thị trường, đã hiện đại hóa hạ tầng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Hệ thống công nghệ thông tin mới vận hành ổn định là bước tiến quan trọng, tạo nền tảng để triển khai sản phẩm, dịch vụ mới và góp phần hỗ trợ thị trường chứng khoán sớm được nâng hạng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá việc triển khai vận hành thành công Hệ thống KRX do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM làm chủ đầu tư đã mang lại nhiều chuyển biến mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể kể đến việc tăng tốc độ giao dịch và thời gian thanh toán.

Đồng thời, mở đường cho việc áp dụng các sản phẩm mới của thị trường; tăng tính minh bạch các hoạt động trên thị trường và an toàn hệ thống. Từ đó giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài và tạo nền tảng để Việt Nam có thể lọt vào danh sách thị trường mới nổi của các tổ chức quốc tế.

“Một phần tư thế kỷ dù không quá dài nhưng đó là hành trình xây dựng, phát triển đầy bản lĩnh và bền bỉ của thị trường chứng khoán Việt Nam, từ sơ khai đến chuẩn mực của một thị trường bậc cao của nền kinh tế đất nước. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã cho thấy vai trò, đóng góp hiệu quả trong từng chặng đường phát triển của kinh tế đất nước; từ đó đã khẳng định là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Vân Uyên

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dong-bo-the-che-tang-toc-so-hoa-tao-don-bay-dua-thi-truong-chung-khoan-but-pha.htm