Đông đảo du khách đến xem cô gái đi 'bắt chồng'

Người Churu theo chế độ mẫu hệ, việc cưới gả do phụ nữ chủ động. Khi cô gái đã thích chàng trai nào đó, thì sẽ chủ động yêu và nói với ông cậu hoặc cha mẹ đến ngỏ ý.

Nghi thức trùm khăn cho cô dân chú rể. Ảnh: Quỳnh Uyển.

Nghi thức trùm khăn cho cô dân chú rể. Ảnh: Quỳnh Uyển.

Bảo tàng Lâm Đồng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng vừa tổ chức tái hiện Lễ “Bắt chồng” của dân tộc Churu - Đơn Dương.

Lễ “bắt chồng” đã được tái hiện theo đúng theo phong tục tập quán với trình tự thủ tục truyền thống. Lễ hỏi diễn ra tại nhà trai: Cô dâu cùng cậu, bố mẹ, bà mối, họ hàng mang trầu cau, thuốc lá, bầu rượu, thổ cẩm, nhẫn bạc, hạt cườm qua nhà trai. Đại diện nhà trai và nhà gái trao đổi, đối đáp thuyết phục nhà trai đồng ý, trao lễ vật cho chú rể trai (đeo vòng tay, chuỗi cườm), trao quà (thổ cẩm, chuỗi cườm cho cha mẹ chú rể). Hai bên gia đình cùng nhau trao đổi về chuẩn bị lễ vật thách cưới.

Lễ hỏi được diễn ra ở nhà trai, vào ban đêm, để giữ ý, khỏi bị điều tiếng với bên ngoài nếu đi “bắt chồng” không thành.

Khi đôi trai gái đã đồng ý thì việc đám hỏi và thách cưới đều do nhà gái đứng ra lo liệu. Những lễ vật nhà trai thách cưới thường là trâu, chiêng, chóe, rượu cần và nhẫn bạc. Nếu nhà trai thách cưới quá cao, thì nhà gái sẽ xin nợ và trả sau một vài năm, khi kinh tế gia đình đã ổn định. Thời gian “trả nợ” nhanh hay chậm tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của nhà gái. Có những trường hợp gia đình nghèo, không có điều kiện, thì có khi là 2 - 3 năm, thậm chí nhiều năm sau nhà gái mới trả được lễ vật thách cưới cho gia đình nhà trai.

Nhà trai đeo nhẫn bạc cho cô dâu. Ảnh: Quỳnh Uyển.

Nhà trai đeo nhẫn bạc cho cô dâu. Ảnh: Quỳnh Uyển.

Việc tái hiện đã diễn ra một cách tự nhiên, giữ nguyên bản, trung thực với những giá trị truyền thống, những nghi lễ cổ truyền, không khiên cưỡng, áp đặt, mang đến cảm giác gần gũi, như chính đám cưới của người Churu diễn ra trong cộng đồng ngày xưa.

N.N

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/dong-dao-du-khach-den-xem-co-gai-di-bat-chong-c17a75521.html