Đồng hành, tiếp sức xây dựng nông thôn mới - Bài 1

Bài 1. Xã nông thôn mới 'loay hoay' giữ vững tiêu chí

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao đã và đang được các địa phương, nhân dân tích cực thực hiện. Với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, HĐND tỉnh luôn đồng hành cùng với nhân dân thực hiện chương trình.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có 17/139 xã đạt chuẩn NTM, bình quân tiêu chí NTM đạt chuẩn là 10,56 tiêu chí/xã, 117 xã đạt dưới 15 tiêu chí. Nhờ đó, diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà một số xã NTM trên địa bàn tỉnh có nguy cơ “mất chuẩn” sau khi được công nhận.

Còn nhiều tâm tư sau đạt chuẩn Nông thôn mới

Năm 2021, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua rà soát trên địa bàn tỉnh có 124 xã khu vực III, 4 xã khu vực II, 33 xã khu vực I và 996 thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, 4 xã Lương Can (Hà Quảng) khu vực III, Thị Hoa (Hạ Lang) khu vực III, Ngọc Côn (Trùng Khánh) khu vực II, Huy Giáp (Bảo Lạc) khu vực II thuộc Quyết định số 861 nay đã được công nhận đạt chuẩn NTM và được xác định là xã khu vực I, dù không còn nằm trong khu vực khó khăn nhưng nhiều hộ dân tại các xã này lại đang gặp khó khi các chính sách hỗ trợ được hưởng trước đây bị cắt bỏ.

Đơn cử, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến hết năm 2020, xã Huy Giáp hoàn thành 19/19 tiêu chí. Ngày 23/4/2021, UBND huyện Bảo Lạc tổ chức Lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Huy Giáp đạt chuẩn NTM. Chủ tịch UBND xã Huy Giáp Lương Văn Chiến cho biết: Huy Giáp là xã vùng cao của huyện, có 9 xóm hành chính với 719 hộ/3.927 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm 78%. Là một xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, khi bắt tay vào xây dựng NTM nhiều tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn. Sau khi đạt chuẩn NTM, xã vẫn còn một số xóm thuộc diện khó khăn, đầu năm học mới trên địa bàn xã xảy ra tình trạng nhiều học sinh bỏ học, xin chuyển trường sang học tại xã khác để được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Một số gia đình không cho con em mình đến lớp vì không được hỗ trợ trong khi hoàn cảnh gia đình còn khó khăn.

Xã Huy Giáp (Bảo Lạc) đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Huy Giáp (Bảo Lạc) đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Cô giáo Hoàng Thị The, Hiệu trưởng Trường Mầm non Huy Giáp chia sẻ: Sau niềm vui xã đạt chuẩn NTM lại là áp lực và nhiều tâm tư, một số chính sách hỗ trợ bị cắt đột ngột, các trường không được hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập, kinh phí nấu ăn và các chính sách khác. Cụ thể, học sinh không được miễn, giảm 70% học phí như trước; không được hỗ trợ 569 nghìn đồng và 15 kg gạo/tháng theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; học sinh mầm non không được hỗ trợ tiền ăn bữa trưa 160 nghìn đồng/học sinh/tháng và nhà trường cũng không được hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho trẻ theo Nghị định số 105 của Chính phủ...

Nhiều chính sách bị cắt giảm

Triển khai thực hiện Quyết định số 861, từ ngày 1/6/2021 tiến hành ngừng cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đột ngột đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khi chưa có thời gian tuyên truyền, phổ biến về việc thay đổi chính sách làm cho người dân có tâm lý bức xúc, ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời dẫn đến số lượng người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh giảm trên 41.800 người.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng, với giá viện phí như hiện nay, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nếu không may xảy ra ốm đau, không được Quỹ BHYT chi trả thì nguy cơ “tái nghèo” sẽ rất cao. Thực tế cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT (tiêu chí 15.1) trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM là chỉ tiêu khó và có sự biến động lớn đối với các xã trong việc duy trì, giữ vững, nâng cao tiêu chí này sau khi đạt chuẩn NTM. Với tác động của điều chỉnh chính sách nêu trên mặc dù các cơ quan đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhưng vẫn có khoảng trên 10.000 người chưa tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ bao phủ BHYT mới chỉ đạt 94,9% dân số.

Ngoài việc ảnh hưởng lớn về chính sách giáo dục, y tế phải kể đến sự tác động đến các chính sách vay vốn sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; chính sách cho cán bộ y tế xã, cán bộ xã; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn. Năm 2021, xã Lương Can (Hà Quảng) đạt chuẩn NTM, các chế độ ưu đãi, hỗ trợ dành cho người đến công tác, làm việc nơi đây bị cắt giảm đã ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý. Với người dân trên địa bàn, nhiều hộ muốn vay vốn chính sách ưu đãi để phát triển sản xuất, giảm nghèo nhưng không được vay. Nếu như trước đây, người dân có thể vay vốn sản xuất, kinh doanh từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, từ khi xã đạt chuẩn NTM người dân không được vay khoản này (trừ hộ nghèo). Đây là nguồn vốn ưu đãi, tiếp sức tích cực cho những đối tượng vay vốn không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; còn bây giờ để có tiền sản xuất, kinh doanh, người dân phải vay ngân hàng khác hoặc chương trình tín dụng khác.

Nhân dân xã Lương Can (Hà Quảng) làm đường vào xóm Kim Đồng.

Nhân dân xã Lương Can (Hà Quảng) làm đường vào xóm Kim Đồng.

Ông Hoàng Hữu Tuyến, Trưởng xóm Nà Việt, xã Lương Can trăn trở: Trước đây, người dân ở xóm có thể vay vốn theo chương trình hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhưng từ một số xã đạt chuẩn NTM theo quy định bị cắt, hiện chỉ có một số đối tượng hộ nghèo được vay vốn từ chương trình, điều này gây khó khăn cho nhiều hộ gia đình muốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế.

Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã NTM giai đoạn 2021 - 2025. Theo Bộ tiêu chí mới, việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM đối với các địa phương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn, bởi hầu hết các tiêu chí đều nâng cao hơn gấp nhiều lần so với bộ tiêu chí trước đây, trong khi các xã có xuất phát điểm thấp, thiếu hạ tầng cơ sở; nguồn lực đầu tư hạn chế, một số nguồn vốn phân bổ chưa đáp ứng được nhu cầu thực hiện; các mô hình phát triển kinh tế còn manh mún; nhận thức của một bộ phận người dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước nên chưa phát huy hết nội lực vươn lên; địa hình là đồi, núi quanh co thường hay bị sạt lở vào mùa mưa; chưa thu hút được sự đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp… Qua đánh giá, rà soát theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có duy nhất xã Hưng Đạo (Thành phố) duy trì đạt chuẩn NTM, 16/17 xã chưa đảm bảo chuẩn theo bộ tiêu chí. Trong đó, 7 xã thuộc nhóm nguy cơ bị thu hồi chuẩn NTM gồm: Sóc Hà, Lương Can (Hà Quảng); Huy Giáp (Bảo Lạc); Phong Châu, Ngọc Côn, Cao Chương (Trùng Khánh); Thị Hoa (Hạ Lang). Đây là các xã thuộc nhóm có từ 30% đến trên 50% tiêu chí không đáp ứng theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, như: thu nhập, giao thông, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm…

Để được công nhận đạt chuẩn xã NTM đã khó, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí càng khó khăn hơn trong điều kiện quy định và yêu cầu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ngày càng cao. Điều này đòi hỏi nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền mỗi địa phương và sự chung sức, đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM, có như vậy kết quả xây dựng NTM mới thật sự bền vững.

Bài 2. Địa chỉ tin cậy của người dân

Nông Thị Huế

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dong-hanh-tiep-suc-xay-dung-nong-thon-moi-bai-1-3173992.html