Động lực cho 'tam nông'
Cách đây hơn 2 năm, ngày 09/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND (Nghị quyết 22) quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Chính sách được triển khai góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp
Nghị quyết 22 đã xác định 4 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; hỗ trợ khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa; hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, OCOP của tỉnh, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tích tụ, tập trung đất sản xuất theo quy mô hàng hóa,...
Ngay sau khi các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ban hành, Sở NN&PTNT, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết 22 thông qua nhiều hình thức để người dân tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách. UBND các huyện, thành, thị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị; tích cực tuyên truyền lồng ghép qua các hội nghị tập huấn, hội nghị hành chính của xã, khu dân cư và các cơ sở, trang trại, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp về đối tượng, nội dung chính sách. Rà soát, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xác định các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương và các đối tượng đảm bảo đủ điều kiện để được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 22.
Sau khi rà soát, đối chiếu các quy định tại Nghị quyết 22, UBND huyện Tam Nông đã phê duyệt phương án hỗ trợ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) với bưởi thời kỳ kinh doanh là 93ha cho 5 tổ hợp tác, 4 trang trại trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hỗ trợ 465 triệu đồng. Ông Nguyễn Chí Lãm ở xã Dân Quyền phấn khởi nói: “Nhờ được hỗ trợ theo Nghị quyết 22, gia đình tôi đã có điều kiện đầu tư phân bón để trồng thâm canh cây bưởi, cho năng suất, chất lượng quả tốt hơn. Gia đình tôi có 10.000m2 trồng bưởi, mỗi năm thu nhập khoảng 70 triệu đồng”.
Cùng với Tam Nông, Cẩm Khê cũng là một trong những huyện tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 22 không chỉ trong trồng trọt mà chú trọng cả lĩnh vực chăn nuôi. Ông Ngô Văn Khánh - Giám đốc HTX chăn nuôi gà thả đồi Tiên Sơn, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê cho biết: “Nhờ có Nghị quyết 22, HTX đã được hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng giúp các thành viên có điều kiện đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi quy mô, khang trang hơn. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường trên 200 tấn gà thương phẩm, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng”.
Sau 2 năm (2022-2023) thực hiện chính sách, trên địa bàn tỉnh đã có 48 doanh nghiệp, 135 HTX, 182 tổ hợp tác, 108 trang trại, 430 hộ gia đình được hỗ trợ sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ gần 72 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 67 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 4 tỷ đồng.
Qua triển khai thực hiện các chính sách, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất; hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Từ đó, đã góp phần hình thành 450 vùng trồng trọt tập trung với diện tích 19.600ha; 40 vùng sản xuất cây gỗ lớn với diện tích 4.400ha; tỷ lệ chăn nuôi tập trung đối với chăn nuôi lợn đạt 38%, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế của tỉnh; duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành trong giai đoạn vừa qua, bình quân giai đoạn 2022 - 2023 đạt 3,53%/năm (mục tiêu 3,0%/năm trở lên). Năm 2023, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất trồng trọt ước đạt trên 120 triệu đồng/ha (cao hơn 12 triệu đồng/ha so với năm 2021).
Nâng cao hiệu quả chính sách
Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 22 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Cơ chế hỗ trợ được thực hiện theo phương thức mới, phân cấp toàn bộ cho cấp huyện chủ động triển khai thực hiện và giải ngân... nên một số địa phương còn lúng túng trong khâu triển khai tổ chức thực hiện. Bên cạnh một số địa phương tích cực triển khai thực hiện tốt chính sách, tỷ lệ giải ngân đạt cao, còn một số địa phương chưa quan tâm công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách. Trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở không đồng đều, ảnh hưởng đến việc nhận thức, cụ thể hóa Nghị quyết. Đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khó liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung đảm bảo điều kiện hỗ trợ. Việc triển khai thực hiện dự án trong 2 năm qua chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 và tình hình quốc tế có nhiều biến động, dẫn đến giá vật tư tăng cao nên người dân, doanh nghiệp còn khó khăn mở rộng quy mô sản xuất.
Theo đồng chí Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian tới Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng các nội dung được hỗ trợ theo Nghị quyết 22; tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn sát với thực tế, có tính khả thi. Rà soát, lựa chọn các doanh nghiệp, HTX, trang trại có tiềm lực về vốn, lao động, đất đai và tổ chức sản xuất tham gia các chương trình, dự án phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm có thế mạnh của địa phương; có giải pháp duy trì và phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất, vùng sản xuất tập trung, an toàn đã được hưởng chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách. Quan tâm, bố trí đủ ngân sách cấp huyện hỗ trợ thực hiện chính sách theo quy định, đặc biệt là kinh phí cho công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn.
Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tăng cường hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng về nội dung, điều kiện, phương thức hỗ trợ, lập dự án/phương án sản xuất đảm bảo sát với thực tế, có tính khả thi cao. Đôn đốc, giám sát triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ và hiệu quả của chính sách. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, người dân trong triển khai thực hiện chính sách, đảm bảo chính sách được triển khai thông suốt; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc.
Tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng cường liên kết giữa các vùng sản xuất, đặc biệt là đối với các xã trong lộ trình sáp nhập để phát huy tối đa nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, HTX trở thành đầu mối liên kết với kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX nông nghiệp kiểu mới, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với phát triển sản xuất theo nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm là đặc sản của địa phương.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dong-luc-cho-tam-nong-212675.htm