Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế năm 2025?

TS Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2025. Trong đó có động lực liên quan đến kiểm soát lạm phát; tăng trưởng khu vực công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu…

Phát biểu tại hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội”, ngày 12/12, TS Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,5-7% trong năm 2025 và phấn đấu mức 7-7,5%. Trong dài hạn, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng hai con số khi tháo gỡ được các điểm nghẽn.

“Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng GDP hai con số và không có nhiều hoài nghi về câu chuyện này. Trong đó, yếu tố cốt lõi nằm tại nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, ông Khôi nhấn mạnh.

Chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024, ông Khôi cho biết, kết quả tăng trưởng năm 2024 có sự bứt phá lớn, với dự báo tốc độ tăng 7%, lấy lại đà tăng trưởng trước thời kỳ COVID-19. Nếu so với các nước ASEAN, theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 10/2024, Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất khu vực.

TS Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện CIEM phát biểu tại hội thảo.

TS Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện CIEM phát biểu tại hội thảo.

Trong năm qua, dù diễn biến địa chính trị phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam là thị trường gắn liền với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu của thế giới với hàng hóa của Việt Nam tăng. Tuy nhiên, khu vực kinh tế trong nước chưa đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trưởng. Các khu vực kinh tế đầu tàu (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) đang giảm dần tỷ trọng đóng góp trong tổng GDP hiện nay.

Phó Viện trưởng CIEM dự báo, xu hướng thế giới năm 2025, tình hình địa chính trị toàn cấp tiếp tục bất định, khó đoán định. Thậm chí có khả năng sẽ phức tạp hơn nữa. Môi trường kinh tế toàn cầu sẽ có sự cải thiện hoặc tương đương năm 2024.

Đối với 5 nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện và suy giảm đan xen. Một yếu tố đáng chú ý là trong thời gian tới, Mỹ được dự báo sẽ nới lỏng tiền tệ và các quốc gia khác cũng sẽ theo xu hướng này. Trung Quốc cũng thông báo sẽ nới lỏng tiền tệ ở mức hợp lý.

Với nền kinh tế Việt Nam, một số động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2025 bao gồm: lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm 2025; cả ba khu vực kinh tế tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn.

Đồng thời, mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước. Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện. Đặc biệt, đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng, đường điện cao thế 500kv mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo ổn định năng lượng giữa các vùng, nhất là vào mùa khô.

Thu Ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng mạnh là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển trong năm 2025. Một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết.

"Thể chế phát triển cho năm 2025 sẽ thuận lợi hơn nhờ nội dung hoàn thiện thể chế có những đổi mới dễ nhận diện, dễ quan sát hơn", ông Khôi nói.

Hoài Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/dong-luc-nao-cho-tang-truong-kinh-te-nam-2025/20241212123040761