Động lực sáng tạo từ thời trang bền vững

Giữa ánh hào quang của các thương hiệu thời trang toàn cầu, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (DNNVSN) tại Việt Nam đang âm thầm kiến tạo một hệ sinh thái thời trang bền vững, được nuôi dưỡng từ di sản văn hóa và tinh thần sáng tạo của cộng đồng.

 Doanh nghiệp thời trang quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang kết hợp di sản văn hóa với đổi mới bền vững, tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương và giá trị đương đại. (Ảnh: Vietnam Design Research Studio)

Doanh nghiệp thời trang quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang kết hợp di sản văn hóa với đổi mới bền vững, tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương và giá trị đương đại. (Ảnh: Vietnam Design Research Studio)

Bức tranh sáng tạo đang chuyển mình

Trong 3 thập kỷ qua, nhiều quốc gia đã chủ động phát triển kinh tế sáng tạo để tận dụng tri thức, tài năng và bản sắc văn hóa. Mô hình này lần đầu tiên được đề cập trong báo cáo Creative Nation của Australia năm 1994 và sau đó được mở rộng qua các sáng kiến tại Vương quốc Anh vào năm 1997. Mô hình nêu bật vai trò then chốt của các cá nhân và DNNVSN hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo trong việc tạo việc làm, tạo giá trị gia tăng, cũng như nâng cao chất lượng sống thông qua các nguồn lực trí tuệ và văn hóa.

Tại Việt Nam, nền kinh tế sáng tạo đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tưởng Chính phủ, ban hành tháng 8/2024, ưu tiên đầu tư vào nguồn nhân lực và công nghệ cho các ngành công nghiệp văn hóa, như thời trang, thủ công mỹ nghệ và thiết kế. Tuy vậy, trong các chính sách và truyền thông hiện tại, 2 khái niệm "công nghiệp văn hóa" và "công nghiệp sáng tạo" thường bị tráo đổi vị trí của nhau, tạo ra sự mơ hồ khiến định hướng chiến lược có thể thiếu rõ ràng. Việt Nam có một số sáng kiến sáng tạo đáng chú ý như Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW) hay Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (VDW) nhưng phần lớn đều do khu vực tư nhân quản lý và còn thiếu hỗ trợ chiến lược, lâu dài từ phía nhà nước.

Những mô hình thành công tại Hàn Quốc và Trung Quốc khiến khoảng cách này còn rõ nét hơn. Tuần lễ Thời trang Seoul, với sự hậu thuẫn từ chính quyền thành phố, đã tích hợp hiệu quả các hoạt động kết nối thương mại, triển lãm và giáo dục thông qua các sáng kiến bài bản như Seoul Collection hay Fashion Fair. Tương tự, Tuần lễ Thời trang Thượng Hải nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ Bộ Thương mại Trung Quốc từ năm 2001, tạo nên một hệ sinh thái sáng tạo toàn diện. Trái lại, các doanh nghiệp thời trang tại Việt Nam, dù có quy mô nhỏ nhưng mang tinh thần sáng tạo mạnh mẽ, vẫn tiếp tục phải tự xoay xở trước những thách thức do không đủ hướng dẫn chính sách, đầu tư vào khu vực công cũng như ghi nhận từ truyền thông đại chúng.

Bất chấp những hạn chế này, DNNVSN thường được xếp trong nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng chiếm khoảng 80% tổng số doanh nghiệp ngành dệt may tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hơn ba triệu lao động. Họ thường hoạt động theo mô hình gia đình hoặc nhóm nhỏ, không sở hữu nhà xưởng quy mô lớn hay ngân sách tiếp thị đáng kể. Thế nhưng chính họ lại đang đặt nền móng cho một hệ sinh thái thời trang bền vững mang đậm bản sắc bản địa.

DNNVSN đang thúc đẩy thời trang bền vững ra sao

Một nghiên cứu vào cuối năm 2024 được thực hiện bởi Phó Giáo sư Donna Cleveland (Trưởng khoa) và Nghiên cứu sinh Lâm Hồng Lan (giảng viên ngành Thời trang) thuộc Khoa Truyền thông và Thiết kế, RMIT Việt Nam, đã hé lộ một bức tranh về các DNNVSN đang âm thầm kiến tạo điều mà nhóm nghiên cứu gọi là "vòng tròn thịnh vượng". Trong đó, 4 trụ cột: kinh tế, văn hóa, môi trường và xã hội không chỉ phát triển song hành mà còn đan xen, kết nối sâu sắc.

Phó giáo sư Donna Cleveland (trái) - Trưởng khoa và bà Lâm Hồng Lan (phải) - Nghiên cứu sinh và giảng viên ngành Thời trang thuộc Khoa Truyền thông và Thiết kế, RMIT Việt Nam

Phó giáo sư Donna Cleveland (trái) - Trưởng khoa và bà Lâm Hồng Lan (phải) - Nghiên cứu sinh và giảng viên ngành Thời trang thuộc Khoa Truyền thông và Thiết kế, RMIT Việt Nam

Qua phân tích 5 trường hợp điển hình tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, bao gồm các thương hiệu như Linht Handicraft, Kilomet109, Môi Điên, KHAAR và Dòng Dòng, nhóm nghiên cứu cho thấy làm thế nào DNNVSN có thể duy trì được quy mô sản xuất nhỏ, gắn liền với cộng đồng, trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo mang tính bền vững và đậm đà bản sắc văn hóa. Linht Handicraft hợp tác với phụ nữ dân tộc Mông ở Sa Pa, sử dụng chất liệu vải dệt tay, nhuộm chàm để tạo ra những sản phẩm mang hơi thở bản địa. Môi Điên, thương hiệu do nhà thiết kế Tom Trandt sáng lập, vận hành theo mô hình "không rác thải" và cộng tác với các thợ may lớn tuổi ở TP. Hồ Chí Minh. Cách tiếp cận này không chỉ bảo tồn tay nghề truyền thống mà còn hình thành một chuỗi sản xuất linh hoạt, thích ứng. Kilomet109, dưới sự dẫn dắt của nhà thiết kế Thảo Vũ, kết nối với bảy cộng đồng thủ công dân tộc trên khắp Việt Nam để hồi sinh các kỹ thuật nhuộm, dệt cổ truyền đang mai một.

Không dừng lại ở việc bảo tồn di sản, các doanh nghiệp này còn chủ động tích hợp công nghệ và tư duy thiết kế tuần hoàn để nâng cao tính bền vững. KHAAR, thương hiệu trẻ do Kha Ngô sáng lập, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra mẫu cắt không rác thải từ vải thừa. Thương hiệu này dần khẳng định tên tuổi qua các sự kiện quốc tế như Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, Elle Fashion Show và Vogue Singapore. Trong khi đó, Dòng Dòng, sáng lập bởi Anh Trần, chuyên sản xuất túi xách từ bạt quảng cáo cũ và bao bì công nghiệp đã qua sử dụng. Khoảng 80% nguyên liệu của thương hiệu này được thu gom từ các trại nuôi thủy sản và siêu thị tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nêu bật những rào cản mang tính hệ thống mà các DNNVSN trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam đang phải đối mặt. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô do hạn chế về vốn và cơ sở hạ tầng. Các chính sách thuế hiện hành thường chưa phù hợp với mô hình kinh doanh sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc lao động phi chính thức. Dòng Dòng từng bị xử phạt vì không thể xuất trình hóa đơn giá trị gia tăng từ các nhà cung cấp vật liệu đã qua sử dụng. Các thương hiệu như Môi Điên bày tỏ mong muốn có không gian công cộng dễ tiếp cận để trưng bày sản phẩm và kết nối với khách hàng, nhưng tại Việt Nam hiện chưa có mô hình tương tự các khu chợ sáng tạo tại Hàn Quốc hay Singapore. Những hình thức hỗ trợ mang tính biểu tượng, như việc công nhận sáng tạo dựa trên thủ công truyền thống như một giá trị quốc gia, vẫn còn rất hạn chế.

Để thúc đẩy phát triển bền vững, các chuyên gia đề xuất cải cách giáo dục, xây dựng không gian công cộng và đơn giản hóa chính sách thuế dành cho doanh nghiệp thời trang quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam Design Research Studio)

Để thúc đẩy phát triển bền vững, các chuyên gia đề xuất cải cách giáo dục, xây dựng không gian công cộng và đơn giản hóa chính sách thuế dành cho doanh nghiệp thời trang quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam Design Research Studio)

Khuyến nghị để xây dựng một nền kinh tế sáng tạo thịnh vượng

Dựa trên nghiên cứu thực địa và khung lý thuyết về Thời trang thịnh vượng (Prosperity Fashion), nhóm nghiên cứu đã đề xuất 3 định hướng chính sách nhằm hỗ trợ DNNVSN một cách hiệu quả và bền vững:

1. Tăng cường giáo dục thời trang: Những nguyên lý cốt lõi của thời trang bền vững, sản xuất không rác thải và phương pháp thiết kế dựa vào cộng đồng, cần được lồng ghép rõ ràng hơn vào chương trình đào tạo thời trang và thiết kế ở cả bậc trung học và đại học.

2. Đầu tư vào không gian công cộng: Nhờ đó, DNNVSN có thể trưng bày sản phẩm, giáo dục người tiêu dùng và kết nối với các doanh nghiệp khác.

3. Cải cách hành chính và tài chính: Bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục thuế, chính thức công nhận các mô hình kinh doanh phi truyền thống và đưa ra các ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế hoặc tạo việc làm cho lao động tại chỗ.

Nếu được tạo điều kiện và chính sách hỗ trợ phù hợp, DNNVSN hoàn toàn có thể đóng vai trò nòng cốt trong việc hình thành một nền kinh tế sáng tạo đậm đà bản sắc văn hóa tại Việt Nam. Họ phản ánh một xu thế toàn cầu hướng tới sự bền vững và cho thấy tiềm năng của các xưởng may nhỏ, cộng đồng dân tộc thiểu số và những nhà thiết kế trẻ đầy tâm huyết đang cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái thời trang mới. Ở đó, sự phát triển không còn đo bằng tốc độ sản xuất hay quy mô thị trường, mà được định nghĩa bởi chiều sâu văn hóa, sự gắn kết xã hội và trách nhiệm với môi trường.

Quân Đinh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dong-luc-sang-tao-tu-thoi-trang-ben-vung-20250717084526308.htm