Đồng Nai: gần 100 công nhân ăn bánh đa cua bị nghi ngộ độc thực phẩm

Tối ngày 15/5/2024, lãnh đạo huyện Trảng Bom (Đồng Nai) xác nhận trên địa bàn xảy ra sự việc gần 100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam (đóng tại khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom) có dấu hiệu nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh đa cua.

Công nhân đang nhập việc điều trị tại Trung tâm y tế huyện Trảng Bom tối 15/5/2024. Ảnh: Người Đồng Nai.

Công nhân đang nhập việc điều trị tại Trung tâm y tế huyện Trảng Bom tối 15/5/2024. Ảnh: Người Đồng Nai.

Theo đó có khoảng 500 công nhân của công ty đã ăn món bánh đa cua. Sau khi ăn, gần 100 người xảy ra nôn ói, đau bụng. Tất cả số công nhân này được kịp thời đưa đến Trung tâm y tế huyện Trảng Bom để khám và điều trị.

Nhiều công nhân bị đau bụng, nôn ói sau khi ăn bánh đa cua

Nhiều công nhân bị đau bụng, nôn ói sau khi ăn bánh đa cua

Trao đối với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Đức Phước - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cho biết, các công nhân cho biết họ đã ăn bánh đa cua vào buổi chiều cùng ngày tại công ty, sau đó thì xuất hiện các biểu hiện nôn ói, đau bụng buộc phải nhập viện.

"Qua các triệu chứng của công nhân, chúng tôi nghi ngờ họ bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn cần lấy mẫu để xác minh nguyên nhân cụ thể về những ca nghi ngộ độc này", ông Phước nói.

Được biết, công ty TNHH Dechang Việt Nam đóng tại khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom và có trên 1.000 công nhân lao động. Đây là một trong những công ty sản xuất đồ điện dân dụng, được thành lập vào năm 2019.

Được biết, đầu tháng 5/2024 trên địa bàn thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) cũng vừa xảy ra vụ ngộ độc do ăn phải bánh mì kém chất lượng, khiến hơn 500 người phải nhập viện điều trị.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong năm 2023 toàn tỉnh Đồng Nai đã cấp 775 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh có hơn 24,6 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sản phẩm được kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuỗi cung ứng chưa cao; sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng chưa đồng đều, thiếu ổn định; vi phạm về an toàn thực phẩm tuy giảm nhưng mức độ phức tạp ngày càng cao…

Thanh Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-nai-gan-100-cong-nhan-an-banh-da-cua-bi-nghi-ngo-doc-thuc-pham.html