Dòng tiền tìm đến các cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện đầu tư
Các ngân hàng tư nhân lớn có tiềm năng tăng trưởng tốt cũng như câu chuyện đầu tư liên quan đến thu nhập bất thường hay hậu tái cấu trúc, đang và có thể tiếp tục thu hút chú ý của dòng tiền có thể kể đến như STB, MBB, TCB và VPB.
Lợi nhuận ngành ngân hàng trước những dự báo phân hóa
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của ngành ngân hàng trong quý II vừa qua là sự tăng tốc của tín dụng nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì. Tính đến 16/6, tín dụng đã tăng 6,99% so với đầu năm, cao hơn mức 3,75% cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng tích cực ngay từ đầu năm. Ảnh: Guotai Junan Việt Nam.
Tại các ngân hàng thương mại niêm yết, trong quý II, tín dụng không có nhiều sự biến động so với quý trước. Nhóm NHTM cổ phần vẫn cho thấy tín dụng tăng tốt hơn so với nhóm NHTM quốc doanh. Những ngân hàng có mức tăng tín dụng tốt trong quý đầu năm như MSB, EIB, VPB, SHB, CTG vẫn duy trì đà tăng tốt trong Q2/25. Môi trường lãi suất thấp tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp tiếp tục là động lực chính của tín dụng trong quý vừa qua.
Các chuyên gia từ MBS Research dự báo NIM quý II sẽ không giảm thêm so với quý đầu năm với kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ không giảm thêm trong khi lãi suất huy động có thể giảm nhẹ nhờ tăng trưởng huy động cải thiện trong nửa đầu năm.
Tính đến giữa tháng 6 vừa qua, tăng trưởng huy động đạt 5,09% so với đầu năm, vượt xa con số 0,92% cùng kỳ năm trước dù lãi suất không tăng quá nhiều. Điều này được kỳ vọng có thể giảm áp lực huy động của các ngân hàng trong nửa cuối năm.
“Quan sát của chúng tôi cho thấy NIM trong quý I/2025 giảm mạnh chủ yếu do tỷ suất sinh lợi tài sản (TSSL) giảm mạnh trong khi chi phí vốn (COF) của các ngân hàng niêm yết vẫn duy trì tương đương so với 2024”, theo MBS Research.
Theo đó, nhóm phân tích cho rằng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2025 của các ngân hàng niêm yết sẽ khả quan hơn so với quý I.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý II của các ngân hàng trong danh mục theo dõi của MBS được dự phóng sẽ tăng khoảng 14,7% svck, khả quan hơn so với mức chỉ 11,0% trong quý I. Trong đó, những ngân hàng được dự báo có mức tăng tốt như VPB, CTG, EIB sẽ là những ngân hàng kỳ vọng có tín dụng tăng khả quan hơn so với toàn ngành và NIM cũng sẽ ít giảm hơn so với nền thấp của năm ngoái (VPB, EIB).
Bên cạnh đó, một yếu tố khác có thể tác động tích cực đến lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới là việc Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được luật hóa vào Luật Các TCTD (sửa đổi) trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong đó trao quyền cho các ngân hàng xử lý tài sản, mở rộng phạm vi áp dụng cho nhiều khoản nợ xấu. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xử lý nợ xấu nhanh chóng và hiệu quả hơn, qua đó kéo giảm tỷ lệ nợ xấu từ khoảng 4,3% xuống dưới 3%.
Theo các chuyên gia, luật mới có thể tác động giúp chi phí trích lập dự phòng của ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng. MBS Research dự báo các ngân hàng lớn có chi phí trích lập lớn như CTG, VPB và những ngân hàng có quy mô nhỏ như OCB, MSB, VIB có thể sẽ được hưởng lợi từ chính sách này nhiều hơn nhóm còn lại.
Trong một nhận định thận trọng hơn, Chứng khoán Guotai Junan lưu ý các ngân hàng có thể đối diện thách thức trong việc cân đối, lựa chọn giải ngân tín dụng trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới, cùng đó là rào cản NIM và nợ xấu phát sinh... Dù vậy, nhìn chung các chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng các ngân hàng tăng tốc trong quý III và cán mốc mục tiêu tương tự các năm trước.
Tương tự, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho rằng trong bối cảnh các nguồn thu nhập chính như NII và NSI không có nhiều động lực tích cực, tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành có thể giảm tốc trong năm 2025. Thực tế kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng đề ra trong năm 2025 cũng tương đối thận trọng hơn, và nhiều khả năng là những khoản thu bất thường lớn cũng sẽ được sử dụng cho việc củng cố chất lượng tài sản.
Một điểm cần lưu ý là những mục tiêu tăng trưởng này đa phần được xác lập dựa trên những điều kiện kinh doanh không quá thuận lợi, và từ trước khi bộ máy chính quyền mới của Mỹ công bố mức thuế quan tối đa có thể áp đặt vào thời điểm đầu tháng 4.
Theo đó, Mirae Asset điều chỉnh giảm dự phóng tăng trưởng lợi nhuận cho các ngân hàng trong phạm vi theo dõi, từ mức 15–17% trong năm nay như dự báo trước đó xuống dưới 14%.
Dòng tiền tìm đến các cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện đầu tư
Trên thị trường chứng khoán thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nhìn chung diễn biến tương đối tích cực trước những thông tin hỗ trợ bao gồm kế hoạch tăng trưởng kinh tế cao thúc đẩy nhu cầu tín dụng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay; hay các điều chỉnh chính sách mang tính hỗ trợ như Nghị định 69/2025 liên quan đến nới room ngoại lên 49% cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém (HDB, VPB, MBB, VCB) hay Luật hóa việc thu giữ tài sản đảm bảo của TCTD...
Các thông tin về thuế quan mang tính bất định cũng góp phần khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền hơn so với các nhóm ngành còn lại do không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ diễn biến thuế.

Định giá P/B trung bình nhóm ngân hàng niêm yết tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Ảnh: Guotai Junan Việt Nam.
Dự báo cho triển vọng cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới, Mirae Asset kỳ vọng định giá của ngành sẽ thận trọng hơn so với giai đoạn trước. Việc đáp ứng các chuẩn an toàn hoạt động cao hơn cùng với môi trường vĩ mô nhiều biến động khiến tốc độ tăng trưởng cũng như mức độ ổn định suy giảm.
“Tâm lý thị trường có phần lạc quan sau thông tin hoãn áp thuế ở mức 46%, tuy nhiên có một thực tế là hiện mức thuế bổ sung 10% đã được áp dụng làm suy giảm triển vọng xuất khẩu, ít nhất là trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, các thay đổi này có thể kéo theo rủi ro xu hướng bảo hộ thương mại quay trở lại. Áp lực thuế quan có thể không chỉ là tạm thời (đặc biệt trong trường hợp kém tích cực khi Việt Nam chịu thuế cao), khi các chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ 1 vẫn được duy trì dưới thời ông Biden”, báo cáo của Mirae Asset nhấn mạnh đến môi trường vĩ mô kém thuận lợi.
Về khía cạnh định giá, việc tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn sẽ góp phần ổn định hoạt động của các NHTM cũng như giảm rủi ro hệ thống, nhưng đi kèm với đó là mặt bằng định giá có thể bị điều chỉnh giảm do giảm triển vọng lợi nhuận.
Và dù tăng trưởng tín dụng liên tục ghi nhận ở mức cao khoảng 20% hoặc hơn trong 2023-2024, một phần không nhỏ dư nợ tín dụng của các ngân hàng đã được tái tục theo biên lãi suất mới cũng hạn chế khả năng NIM phục hồi mạnh, qua đó giảm khả năng tăng định giá trong tương lai gần.
Trong bối cảnh đó, dòng tiền được kỳ vọng sẽ hướng đến những ngân hàng có câu chuyện đầu tư.
Nhóm ngân hàng gốc quốc doanh, mặc dù vẫn là những lựa chọn an toàn nhưng lại đang gặp khó ở nhiều mặt như hỗ trợ nền kinh tế và nhu cầu tăng vốn cấp thiết. Ngược lại, các ngân hàng tư nhân lớn có tiềm năng tăng trưởng tốt cũng như câu chuyện đầu tư liên quan đến thu nhập bất thường hay hậu tái cấu trúc, đang và có thể tiếp tục thu hút chú ý của dòng tiền có thể kể đến như STB, MBB, TCB và VPB.
Thực tế thời gian qua, một số cổ phiếu lập đỉnh đáng chú ý như STB, TCB đều đi cùng các câu chuyện như STB đang dần đi đến cuối quá trình tái cơ cấu nợ xấu trong khi TCBS (thuộc TCB) có kế hoạch IPO trong năm nay với mục tiêu định giá từ 3-5 tỷ USD có thể thay đổi mặt bằng định giá ngân hàng mẹ.