Đồng USD phục hồi nhờ triển vọng căng thẳng thương mại hạ nhiệt

Đồng USD ổn định trong ngày 14/5, sau khi ghi nhận mức giảm mạnh nhất 3 tuần ở phiên trước đó khi dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Mỹ yếu hơn dự kiến - đang củng cố kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong phiên ngày thứ Tư, chỉ số Dollar (DXY) – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, được giao dịch ở mức 100,94 điểm. Trong phiên giao dịch ngày 13/5, chỉ số DXY sụt 0,8%, xuống còn 101,05 điểm và chứng kiến mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 4.

Đồng USD ổn định trong ngày 14/5 sau khi ghi nhận mức giảm mạnh nhất 3 tuần. Ảnh: cpram.com

Đồng USD ổn định trong ngày 14/5 sau khi ghi nhận mức giảm mạnh nhất 3 tuần. Ảnh: cpram.com

Trước đó, ở phiên đầu tuần, DXY từng tăng 1% và chạm mức đỉnh 1 tháng nhờ kỳ vọng rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ hạ nhiệt, qua đó tránh được nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá giữa đồng bạc xanh và yen Nhật ổn định ở mức 147,45 yen đổi 1 USD trong ngày 14/5. Đồng euro giao dịch quanh mốc 1,1188 USD “ăn” 1 euro, còn bảng Anh ở mức 1,3311 USD. Tỷ giá giữa USD và đồng franc Thụy Sĩ giữ ở mức 0,8390 franc Thụy Sĩ.

Diễn biến giằng co của đồng bạc xanh diễn ra ngay sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 4 thấp hơn dự báo, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế tránh được kịch bản suy thoái do tác động từ chính sách thuế quan. Nếu Fed giảm lãi suất thì đồng USD sẽ mất đi một động lực.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2% trong tháng 4, thấp hơn mức 0,3% mà giới phân tích kỳ vọng. Trước đó, CPI đã giảm 0,1% trong tháng 3 - lần giảm hiếm hoi giữa bối cảnh lạm phát dai dẳng kéo dài trong suốt năm ngoái.

Thông tin trên khiến thị trường lập tức điều chỉnh kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed. Theo dữ liệu của LSEG, các nhà giao dịch hiện đang đặt cược vào 2 đợt hạ lãi suất tổng cộng khoảng 50 điểm cơ bản trong những tháng còn lại của năm nay, với đợt giảm 25 điểm cơ bản đầu tiên dự kiến vào tháng 9.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng triển vọng lạm phát được kiểm soát vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Việc Mỹ áp thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ đầu tháng 4, trong đó có các mặt hàng từ Trung Quốc, được cho là có thể làm tăng giá tiêu dùng trong những tháng tới.

Dù vậy, nguy cơ lạm phát tăng vọt có thể đã được kiềm chế phần nào sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày cuối tuần qua, đồng thời Mỹ cũng vừa ký một hiệp định thương mại song phương với Anh.

“Số liệu CPI tháng 4 là tín hiệu tích cực mặc dù thuế quan đã và đang tạo áp lực tăng giá. Nếu các rào cản thương mại tiếp tục được tháo gỡ, Fed có thể trở lại quỹ đạo giảm lãi suất một cách từ từ trong nửa cuối năm nay” - nhà kinh tế trưởng Brian Jacobsen tại Annex Wealth Management nhận định.

Trên thực tế Fed đã áp dụng lập trường chờ đợi và quan sát hậu quả kinh tế từ chiến dịch áp thuế quan quyết liệt của Tổng thống Trump trước khi đưa ra quyết định về lái suất. Trong các phát biểu gần đây, nhiều quan chức Fed cũng khuyến nghị cơ quan này nên chờ đợi để nắm bắt rõ hơn hướng đi của nền kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, đồng USD vẫn có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn khi thị trường tiếp tục đánh giá lại triển vọng kinh tế Mỹ sau thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc. Nhóm này dự báo chỉ số DXY có thể tăng 2-3% trong vài tuần tới.

Tuy nhiên, "chúng tôi không kỳ vọng USD sẽ phục hồi hoàn toàn trở lại mức giao dịch vào đầu năm, khi chỉ số DXY mức 108,50 điểm” - các nhà phân tích Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết. “Việc hoạch định chính sách thất thường ở Mỹ có thể đã gây ra một số thiệt hại lâu dài cho vị thế là đồng tiền trú ẩn an toàn của USD”.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-usd-phuc-hoi-nho-trien-vong-cang-thang-thuong-mai-ha-nhiet.703320.html