Đột phá về thể chế để doanh nghiệp phát triển
'Đột phá của đột phá' về cải cách thể chế là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp tư nhân nắm bắt cơ hội, vận hội mới.
![Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp tư nhân năm 2025. Ảnh: MPI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_358_51464865/07f6a0a690e879b620f9.jpg)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp tư nhân năm 2025. Ảnh: MPI
Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn không ít hạn chế, chưa phát huy tối đa tiềm lực và dư địa. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp Việt đa số có quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động chưa cao.
“Phần lớn có kỹ năng quản trị còn hạn chế; tư duy kinh doanh vẫn mang tính “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược”, Bộ trưởng khẳng định.
Doanh nghiệp có quy mô lớn chưa thực sự phát huy vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Khu vực doanh nghiệp càng thêm khó khăn sau suốt quãng thời gian chống chịu với khó khăn, khủng hoảng. Đây là những yếu tố cần được giải quyết để Việt Nam đón đầu cơ hội, vận hội mới khi bước vào năm 2025.
Cải cách đột phá
Bên cạnh những yếu tố chủ quan từ nội tại doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ kế hoạch và đầu tư chỉ ra thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Để phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư gợi mở sáu định hướng giải pháp, qua đó biến điểm nghẽn thành "đột phá của đột phá".
Thứ nhất, thống nhất nâng cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, xác định việc phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung sửa đổi, bổ sung, ban hành thêm cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, trên tinh thân lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Việc đồng hành với doanh nghiệp phải thực chất, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể".
Trong đó, ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho những dự án bất động sản, dự án đầu tư theo phương thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao (BT), dự án hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo.
Theo Bộ trưởng, trước mắt tập trung giải quyết điểm nghẽn ở những địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng để giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế ngay trong năm 2025.
Cùng với đó, nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả.
Thứ ba, khơi thông nguồn lực trên tinh thần lấy nguồn lực nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Cụ thể, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng, mang tính chiến lược như cao tốc, đường ven biển, đường liên vùng, đường sắt tốc độ cao, các dự án điện hạt nhân, điện tái tạo, trung tâm dữ liệu quốc gia.
Đối với các dự án này, bên cạnh nguồn lực nhà nước, cần cơ chế để doanh nghiệp trong nước cũng có thể tham gia, song song với cơ chế huy động vốn nhàn rỗi chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư từ doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ để tạo không gian và động lực phát triển mới, cùng với việc hình thành, phát triển kinh tế gắn với trung tâm mới như cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Long Thành, ga đường sắt tốc độ cao, các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các khu thương mại tự do.
Đối với trung tâm tài chính, khu thương mại tự do, Bộ trưởng khuyến nghị xây dựng và triển khai ngay các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có tính cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế.
![Xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng. Ảnh: Hoàng Anh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_358_51464865/86dc2a8c1ac2f39caad3.jpg)
Xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng. Ảnh: Hoàng Anh
Thứ tư, xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng, là động lực chính phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, trên tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Trong đó, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý khuyến khích các dự án công nghệ mới, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu phát triển, thành lập các quỹ khoa học công nghệ, quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp làm trung tâm. Xây dựng và phát huy hiệu quả các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tăng cường liên kết, phát huy hiệu quả các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, mạng lưới kết nối nhân tài người Việt trên toàn cầu. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý việc bố trí nguồn lực, cơ chế thực hiện chương trình phát triển nhân lực ngành bán dẫn.
Thứ năm, xây dựng cơ chế chính sách hình thành và phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc có quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước, mở rộng tham gia thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chú trọng chính sách tăng cường liên kết doanh nghiệp nội với FDI.
Về FDI, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư khuyến nghị thu hút một cách có chọn lọc, dựa trên mối quan hệ tương hỗ với cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho cán bộ kỹ thuật từng làm việc trong khu vực FDI.
Thứ sáu, kích cầu tiêu dùng thông qua tập trung triển khai thực chất cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đi kèm với kích hoạt xu thế tiêu dùng bền vững.
Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp chủ động
Bên cạnh cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần có sự chủ động đương đầu với khó khăn và tận dụng cơ hội.
Cụ thể, các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết các bài toán lớn của quốc gia để tạo động lực phát triển kinh tế. Đây sẽ là nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chủ động đổi mới về tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo dựng thương hiệu, tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, với quốc gia, dân tộc.
Bộ trưởng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Chỉnh phủ, tăng cường đối thoại, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để phán ánh lên các cơ quan có thẩm quyền.
Nâng cao hiệu quả hoạt động hiệp hội trong việc bảo vệ quyền lợi thành viên, đặc biệt trong các vụ kiện thương mại, phá giá, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư, kinh doanh.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dot-pha-ve-the-che-de-doanh-nghiep-phat-trien-d39002.html