Dự án cảng quốc tế Cần Giờ sẽ tạo đột phá cho logistics
Nhiều doanh nghiệp logistics rất kỳ vọng vào dự án cảng trung chuyển có mức đầu tư lên đến 6 tỷ USD tại Cần Giờ (TP.HCM) sẽ giúp giảm chi phí logistics, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.
Thêm sự cạnh tranh
Sau khi UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ văn bản đề xuất đầu tư dự án cảng trung chuyển container quốc tế tại huyện Cần Giờ, rất nhiều doanh nghiệp đã dành sự quan tâm đến dự án này.
Đánh giá về hệ thống cảng biển hiện nay tại vùng Đông Nam bộ, ông Huỳnh Văn Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) cho rằng, cảng trung chuyển ở khu vực Soài Rạp đã không thể thực hiện được vì hạn chế của luồng tàu khi chỉ đón được tàu container 30.000 tấn, các bến cảng tại Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu) chỉ khai thác được 5 - 6% hàng container từ Campuchia, nên khó có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Từ thực tế đó, TP.HCM đề xuất phương án xây cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ là cần thiết để mang lại những tác động tích cực trong hoạt động kinh tế và các dịch vụ khác đi kèm. Khu bến cảng Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép, 50% con sông này nằm ở phía TP.HCM với điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng tàu và nằm trên tuyến hàng hải quốc tế. “Đây được ví như đường băng cho TP.HCM cất cánh”, ông Cường ví von.
Nói về sự cần thiết khi có thêm cảng ở Cần Giờ, ông Nguyễn Văn Điệp, Phó giám đốc Công ty VCAC cho biết, tình hình ùn tắc giao thông vào cảng Cát Lái ngày càng nghiêm trọng, nhất là từ khi sửa chữa cầu Phú Mỹ. Doanh nghiệp hiện nay vừa phải đóng phí hạ tầng cảng biển, vừa phải chịu cảnh ùn tắc làm phát sinh chi phí vận chuyển rất lớn.
“Việc xây dựng thêm cảng ở Cần Giờ vừa giảm tải cho cảng Cát Lái, vừa giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn. Rất có thể dự án này sẽ tạo nên bước đột phá trong hoạt động logistics của TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ”, ông Điệp nói.
Giảm chi phí logistics
Việc xây dựng một “siêu” cảng trung chuyển với số vốn lên đến 6 tỷ USD sẽ giúp gì cho doanh nghiệp logistics? Đây là câu hỏi được rất nhiều doanh nghiệp đặt ra.
Ông Huỳnh Văn Cường cho rằng, khi có cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ, nếu doanh nghiệp xuất hàng đi châu Âu hoặc châu Mỹ sẽ rút ngắn được thời gian rất nhiều. Theo tính toán ban đầu, do không phải đi qua cảng trung chuyển ở Singapore, thời gian xuất hàng từ Việt Nam sang Mỹ rút ngắn được 10 ngày và 4 ngày với hàng xuất sang châu Âu.
Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khi hình thành cảng quốc tế Cần Giờ, hàng từ khu vực này có thể vận chuyển bằng đường thủy đến thẳng cảng Cần Giờ hoặc Cái Mép để xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ thay vì phải vận chuyển bằng đường bộ.
Đặc biệt, vận chuyển hàng đến cảng Cần Giờ sẽ đi hoàn toàn bằng đường thủy (nhà đầu tư không đầu tư đường bộ kết nối đến cảng) nên có chi phí sẽ rẻ hơn so với vận tải đường bộ. “Khi các tàu đi từ cảng trung chuyển Cần Giờ sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí logistics. Từ đó, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp logistics tham gia vào khâu vận tải đường thủy bằng xà lan, hoặc đóng gói, lưu kho. Khi đó doanh nghiệp logistics cũng được hưởng lợi”, ông Cường phân tích.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, hoạt động trung chuyển container quốc tế gần như hoàn toàn phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài, nên khi Hãng tàu MSC đứng ra cùng xây cảng quốc tế Cần Giờ, thì chắc chắn lượng hàng sẽ đảm bảo. Khi ấy sẽ tạo ra môi trường thu hút các công ty logistics, tài chính... lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực. Đây cũng là hướng đi phù hợp với sự phát triển của TP.HCM là hình thành trung tâm tài chính quốc tế.
Một lợi thế nữa của cảng trung chuyển Cần Giờ là với quy mô hơn 7 km cầu cảng, nên có thể tiếp nhận nhiều tàu container lớn (kể cả tàu container lớn nhất hiện nay) cùng lúc vào bốc hàng giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở một số cảng hiện nay do hạn chế về công suất tiếp nhận.
Ông Vũ Đình Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Mỹ Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, vị trí xây cảng Cần Giờ rất đắc địa, cộng với sự tham gia của MSC, trong tương lai cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ tạo ra đột phá giúp Việt Nam hình thành trung tâm logistics lớn của châu Á hoặc Đông Nam Á.
Hiện nay, ngành logistics được coi là ngành mũi nhọn, khi có cảng trung chuyển quốc tế kết nối các tuyến vận tải đi trực tiếp các nước châu Âu, châu Mỹ, thì doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí logistics tạo sự cạnh tranh với các nước trong khu vực.