Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Tín hiệu mừng từ doanh nghiệp tư nhân

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD. Một số doanh nghiệp (DN) lớn trong nước bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Thời cơ mới cho ngành đường sắt Việt Nam. Ảnh: VNR.

Thời cơ mới cho ngành đường sắt Việt Nam. Ảnh: VNR.

Khi đội ngũ tư nhân sẵn sàng gánh vác

Theo định hướng, DN Việt Nam không chỉ được khuyến khích mà còn được tạo điều kiện tham gia sâu rộng vào toàn bộ chuỗi giá trị của dự án.

Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – DN nhà nước hoạt động chính trong lĩnh vực đường sắt đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt.

Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Tổ hợp đặt ra lộ trình, sẽ tham gia lắp ráp các đoàn tàu EMU (tàu điện nhiều toa – PV) theo hợp đồng mua sắm và chuyển giao công nghệ. Đến năm 2035 làm chủ công nghệ lắp ráp và nâng dần tỉ lệ nội địa hóa lên 20%.

Đến giai đoạn 2040 - 2050, Tổ hợp phấn đấu làm chủ nội địa hóa đạt 80% đối với đoàn tàu EMU và sản xuất các vật tư phụ tùng phục vụ khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vẫn chưa được chọn. Nhưng các động thái cho thấy rõ sự chủ động của DN nội.

Không chỉ có DN nhà nước mà các DN tư nhân cũng đang nỗ lực thể hiện năng lực và lợi thế của mình để được tham gia sâu vào “trận địa” công nghệ mới.

Đơn cử Công ty CP đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed hay Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã chứng minh kinh nghiệm làm chủ công nghệ của mình với mong muốn tham gia đầu tư.

Cùng đó, Tập đoàn Hòa Phát tự tin đưa ra phương án cung cấp sản phẩm thép ray đường sắt cao tốc cao. Theo đánh giá của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là "cơ hội nghìn năm có một" để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt một cách bài bản và bền vững.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), trong đó bổ sung nhiều chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển ngành đường sắt và khuyến khích khối DN tư nhân tham gia đầu tư.

Theo Nghị quyết Kỳ họp, Quốc hội đã trao quyền cho Chính phủ chọn hình thức đầu tư, nhà đầu tư phù hợp với quy mô dự án. Ngoài phương án đầu tư công, hai hình thức mới được bổ sung là: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), cho phép hợp tác Nhà nước - DN qua hợp đồng dự án và đầu tư kinh doanh, trong đó DN tự bỏ vốn để xây dựng, khai thác, thu lợi nhuận.

Theo giới chuyên gia, việc khuyến khích DN tham gia dự án không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực tài chính, thời gian triển khai mà còn mở ra cơ hội cho sự đổi mới, sáng tạo trong thiết kế, thi công và quản lý dự án.

Hoan nghênh doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư

Với tổng mức đầu tư vượt 67 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ là một chương trình hạ tầng quốc gia, mà còn như một bài kiểm tra chiến lược về khả năng tham gia sâu rộng của khu vực kinh tế tư nhân trong các công trình công lớn. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, đến nay đã có khoảng 4 - 5 DN trong nước đề xuất tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và dự kiến sẽ còn tăng thêm.

Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng nên tạo điều kiện để các DN tư nhân tham gia làm đường sắt tốc độ cao vì nếu dồn hết cho Nhà nước thì sẽ là gánh nặng, trong khi chúng ta có nhiều DN tư nhân có khả năng về kinh tế và kinh nghiệm, đủ sức làm dự án trọng điểm này. Ngoài ra, Nghị định 68 cũng đã ủng hộ các DN tư nhân tham gia vào những công trình lớn của Nhà nước.

Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được đánh giá là công trình thế kỷ và bất kỳ đề xuất nào của DN nội hay các kiến nghị của DN nội là đặc biệt quan trọng. Điều này chứng tỏ đội ngũ tư nhân sẵn sàng gánh vác công việc lớn của đất nước. Đồng thời cũng chứng minh bản lĩnh, sự tự tin, chủ động của đội ngũ DN tư nhân trong kỷ nguyên mới. Quá trình lựa chọn và để cho DN tham gia vào khâu nào, công việc nào, chắc chắn cần dựa trên những tiêu chí chặt chẽ, khách quan. Nhiều chuyên gia khẳng định, việc đảm bảo hiệu quả đầu tư không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là một trách nhiệm kinh tế - xã hội có tính chiến lược lâu dài.

Đại dự án đường sắt tốc độ cao đang tạo cơ hội lớn chưa từng có cho các DN ngành chế tạo, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, tham gia và trưởng thành. Ngành cơ khí Việt Nam đã tham gia thực hiện nhiều công trình, dự án rất lớn và đã có kinh nghiệm cũng như sản phẩm chất lượng, đủ tự tin để xuất khẩu cũng như cạnh tranh ở những lĩnh vực mới như đường sắt tốc độ cao.

Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần có những cam kết rõ ràng về trách nhiệm của nhà đầu tư và Nhà nước trong suốt vòng đời dự án- thường lên tới hàng chục năm thậm chí cả trăm năm, để tạo sự ổn định và tin tưởng cho các bên tham gia.

Bảo đảm đầy đủ điều kiện khởi công dự án

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hành lang kinh tế Bắc-Nam có vai trò quan trọng bậc nhất của cả nước khi chiếm 54% dân số đô thị, 72% cảng biển loại I-II, 67% khu kinh tế ven biển, khoảng 63% khu kinh tế, 40% khu công nghiệp, trên 51% GDP cả nước; kết nối hai đô thị đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TPHCM. Hơn nữa, hành lang này kết nối các hành lang Đông-Tây, các cực tăng trưởng tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội.

Theo ông Nguyễn Phạm Quang Tú - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao là các dự án gắn với yếu tố công nghệ, lần đầu tiên được triển khai tại nước ta.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy khẳng định, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM; tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư, mở ra không gian phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất; thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quốc gia, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ trách nhiệm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao, bảo đảm đầy đủ điều kiện khởi công dự án vào tháng 12/2026 theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 23/4/2025.

Trước mắt tập trung hoàn thành thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; lựa chọn một số vị trí quan trọng (nhà ga, đoạn tuyến thuận lợi) để tổ chức lễ động thổ, khởi động các khu tái định cư phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án vào ngày 19/8/2025.

Cộng đồng DN nêu quan điểm, khi tham gia dự án đường sắt tốc độ cao, DN phải huy động nguồn vốn lớn để tham gia, vậy liệu có được cơ chế chính sách nào để tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng? Có ưu đãi gì để dễ dàng thực hiện dự án này hơn? Cộng đồng DN trong nước mong muốn được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh: Các dự án đường sắt trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đang được triển khai các thủ tục đầu tư liên quan theo đúng định hướng Nghị quyết 68; Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đang rốt ráo hoàn thiện thủ tục đầu tư, phấn đấu khởi công ngay trong năm 2025.

H.Hương – P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-tin-hieu-mung-tu-doanh-nghiep-tu-nhan-10310186.html